Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: 'Tôi muốn gợi miền ký ức Trung thu nhiều thế hệ người Việt'

Thứ Năm, 28/09/2017 08:16 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Không muốn những ký ức đẹp về Tết Trung thu xưa bị trôi vào quên lãng, đạo diễn Phạm Hoàng Nam cùng những người yêu Hà Nội thực hiện chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc biệt mang tên Thu vọng nguyệt.

PV báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có dịp trò chuyện với Tổng đạo diễn chương trình Phạm Hoàng Nam để nghe anh chia sẻ những điểm đặc biệt và mong muốn của anh khi thực hiện chương trình.

Phạm Hoàng Nam - Tổng đạo diễn chương trình “Thu vọng nguyệt”
Phạm Hoàng Nam - Tổng đạo diễn chương trình Thu vọng nguyệt

* Xin chào đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Nhắc đến các chương trình văn hóa nghệ thuật dịp Tết trung thu thì dường như có quá nhiều, vì sao anh thực hiện “Thu vọng nguyệt” và chương trình có điều gì đặc biệt? 

- Xuất phát từ mong ước cá nhân, từ nhỏ tôi và các anh em bạn bè được sống với không khí Trung thu xưa với rất nhiều những ký ức đẹp, những phong tục truyền thống ý nghĩa mà ngày nay đã dần bị quên đi. 

Tôi đã ấp ủ từ lâu lắm về việc mình sẽ phải thực hiện một chương trình nào đó về Trung thu cho người dân Thủ đô, nhưng chương trình phải… “Âm lịch” một chút để tái hiện những giá trị truyền thống xưa. Thu vọng nguyệt - điều tôi ấp ủ bấy lâu đến nay mới được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. 

Thu vọng nguyệt sẽ là nơi các thành viên trong gia đình có những phút bên nhau vui vẻ, cùng tìm hiểu về Tết Trung thu xưa để tình gia đình thêm gắn kết và quan trọng nhất là để những ký ức đẹp về Trung thu xưa sẽ không bị trôi vào dĩ vãng. 

* Không phải sân khấu hoành tráng mà lại là Văn Miếu Quốc Tử Giám, vì sao anh lựa chọn địa điểm này tổ chức chương trình?

- Văn Miếu Quốc Tử Giám là niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước bởi nơi đây ghi dấu truyền thống hiếu học của người Việt. Không gian cổ kính ở Văn Miếu rất phù hợp những giá trị mà chương trình muốn hướng tới. 

Điều quan trọng hơn, tôi và nghệ sĩ Xuân Bắc có chuẩn bị những hoạt động khuyến học cho trẻ em. Đến với chương trình, các em không chỉ được ăn - chơi, mà còn thấy được ông bà, bố mẹ đi trước học giỏi như thế nào, thi cử ra sao để khuyến khích các em học tập.

* “Thu vọng nguyệt” được thực hiện trong ba đêm liền, có điều gì đặc biệt hấp dẫn riêng mỗi đêm hay chỉ là sự lặp lại, thưa anh?

- Điểm chung của cả 3 đêm là chương trình có hát, múa, chơi nhạc, sắp đặt mỹ thuật, âm nhạc và ẩm thực. Khung chương trình có điểm tương đồng nhưng mỗi đêm đều là những nội dung khác biệt, chủ yếu phân định theo lứa tuổi. 

Trong đó, đêm đầu tiên với chủ đề Thu tinh hoa thể hiện những giá trị chính thống, hoài niệm dành cho đối tượng quan khách lớn tuổi một chút. Đêm thứ hai là Thu tương ngộ với sự gặp gỡ giữa Đông và Tây, mới và cũ, bởi tôi không muốn mọi người hoài cổ và Âm lịch suốt. Và đêm thứ 3 Thu tuổi thơ sẽ đưa khán giả các độ tuổi quay trở về tuổi thơ. 

Thật ra, nói là hai đêm đầu dành cho người lớn và thanh niên, nhưng thật ra mục tiêu của chúng tôi là tổ chức chương trình cho những người từng là trẻ con đều thấy được điều thú vị. Nghệ thuật phải có sự kế thừa và phát triển chứ không loại bỏ, làm sao để thấy xưa và nay kết hợp, cùng chung tiếng nói. Thế nên, nếu bận thì đi một đêm cũng hay mà nếu đi được cả ba đêm, chắc chắn khán giả sẽ không thất vọng. 

NTK Anh Thư và nghệ sĩ Chiều Xuân sẽ tham gia chương trình “Thu vọng nguyệt”
NTK Anh Thư và nghệ sĩ Chiều Xuân sẽ tham gia chương trình “Thu vọng nguyệt”

* Từng dàn dựng các chương trình ở trên sân khấu lớn, giờ thử thách của anh là ở "không gian thiêng" Văn Miếu Quốc Tử Giám. Có điều gì làm khó anh?

- Mỗi cách làm nghệ thuật đều có ngôn ngữ thể hiện riêng, mà với tôi nếu xác định rõ mình muốn gì thì dường như không có thử thách. Thu vọng nguyệt không phải dạng show mà kiểu như festival, tôi đã làm quen rồi nên cũng không gặp nhiều khó khăn lắm. 

* Chương trình có sự tham gia của gần 500 nghệ sĩ nổi tiếng, tập hợp đông đảo nghệ sĩ như vậy có gì khó khăn và anh có thể hé lộ thêm những tiết mục đặc sắc của họ trong chương trình?

- Những người giỏi thường rất bận rộn, việc sắp xếp thời gian của các nghệ sĩ như Xuân Bắc, Tự Long, Chiều Xuân… không đơn giản. Hay, việc thuyết phục nghệ nhân chia sẻ các bí quyết cũng phải thực hiện từng bước. Rất may là chương trình tập hợp được những người có cùng đam mê, cùng mong muốn lưu giữ những tinh hoa văn hóa đang dần bị mai một và các nghệ sĩ đều hiểu và sắp xếp được thời gian cho chương trình.

* Đạo diễn Phạm Hoàng Nam sẽ "xuất chiêu" thế nào để “Thu vọng nguyệt” đậm chất Việt nói chung và chất Hà Nội nói riêng?

- Vai trò quan trọng của người đứng đầu là tập hợp được những người giỏi cùng tham gia chương trình. Trong Thu vọng nguyệt, mảng âm nhạc tôi có nhạc sĩ Quốc Trung, mỹ thuật có họa sĩ Lê Thiết Cương, mảng thiếu nhi có nghệ sĩ Xuân Bắc và Tự Long. Tôi cùng mọi người bàn bạc cách làm chương trình thú vị, tránh nhồi nhét lý thuyết. 

Không chỉ thực hiện cho riêng năm nay, chúng tôi đang kỳ vọng, Thu vọng nguyệt sẽ là chương trình, điểm hẹn văn hóa thường niên đáng chờ đợi cho người dân ở Thủ đô mỗi dịp Trung thu về.

* Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!

Chương trình Thu vọng nguyệt diễn ra từ 17h đến 22h các ngày 29/9, 30/9 và 1/10  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là sự sắp đặt kết hợp của mỹ thuật - âm nhạc - ẩm thực, với sự tham gia của 500 văn nghệ sĩ, nghệ nhân từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, hứa hẹn đem đến cho khán giả và du khách những cảm xúc khó quên về mùa Trung thu đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiểu Phong

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›