(Thethaovanhoa.vn) - Tại buổi họp báo công bố live show của Hoài Linh mới đây, Hoài Linh chia sẻ với Thể thao & Văn hóa một ý kiến có thể gây tranh cãi: “Hài mà không tục là mất gốc”. Tại sao vậy?
- Danh hài Hoài Linh: Tấu hài cần tìm lại tiếng nói cho mình
- Danh hài Hoài Linh nhận giải Mai Vàng 20 năm
- Danh hài Hoài Linh làm giám khảo 'Got Talent' mùa 3
Đố tục giảng thanh
“Tôi không rõ nguồn gốc của hài có từ bao giờ, nhưng chắc chắn rất lâu rồi, ví dụ như ở Ấn Độ, Hy Lạp… thời trước Công nguyên, có bi kịch là có hài kịch luôn. Truyện dân gian Việt Nam cũng cho thấy điều này, hài hước, trào phúng, tiếu lâm, châm biếm… có từ thời văn học truyền miệng.
Nếu xem những truyện còn sót lại thì sẽ thấy hài hước truyền thống của người Việt luôn gắn liền với phong cách “đố tục giảng thanh”. Có lẽ do vị trí bên lề xã hội của hài, nên thời nào hài cũng phải tìm cách nói vậy mà không phải vậy để mọi người nhớ lâu” - Hoài Linh chia sẻ.
Trước lời chia sẻ này, chúng tôi hỏi Hoài Linh vậy anh không sợ gần đây nhiều clip hài bị cho là nhảm nhí, phản cảm hay sao? Hoài Linh trả lời: “Truyền thống của hài là vậy, còn nhảm nhí, phản cảm là phụ thuộc ở từng tiểu phẩm, từng kịch bản, chứ không thể cấm hài đố tục giảng thanh được. Bởi nếu cấm điều này thì xem như hài mất gốc, hài hết đất sống, diễn mà người ta không thấm thía, không cười thì diễn làm gì. Tuy nhiên, do thời này có nhiều phương tiện lưu trữ và chuyển phát, nên người làm hài phải tự cân đối, tiết chế để khi bỏ lên mạng sẽ không ảnh hưởng đến nhiều lứa tuổi khác nhau”.
Chính vì vậy mà trong live show Đời bạc lắm!!! Kệ, cười trước đã… sắp tới, Hoài Linh nói rằng đố tục giảng thanh, tính tiếu lâm sẽ được tô đậm, nhưng không quá đà. “Vì hoàn cảnh và khán giả khác nhau, các anh chị đồng nghiệp ngoài Bắc còn làm được khía cạnh hài châm biếm, phê phán… tôi rất thích, nhưng đành chịu. Hơn nữa, đừng hạn hẹp chữ “tục” chỉ trong chuyện tục, mà phải nghĩ rộng như là các thói hư tật xấu, các chuyện chướng tai gai mắt” - Hoài Linh nói.
Nổi tiếng nhờ “thi chim” hay “giả gái”?
Hoạt động ca hát từ năm 1991, đến tháng 10/1994 thì Hoài Linh gặp danh hài Vân Sơn, rồi bắt đầu diễn hài. Kể từ cuối năm 1995, Hoài Linh về cộng tác với Vân Sơn Productions, nghĩa là đến nay tròn 20 năm làm hài.
Theo Vân Sơn, nhờ clip hài Hoa hậu 3 miền, nơi Hoài Linh giả gái Bắc, Trung, Nam trong một cuộc thi hoa hậu áo dài tại Australia, mà anh thành ngôi sao. Xem lại clip này, tính chất đố tục giảng thanh cũng xen kẽ khá nhiều, những chỗ đó làm cả khán phòng cười rộ.
Những cũng có ý kiến cho rằng, chính clip Hội thi chim, nơi Hoài Linh độc diễn, mới đưa anh nên hàng ngôi sao thứ thiệt.
Trong clip này có đoạn đố tục giảng thanh khá rõ nét: “Cụ nào chim to đứng trước, cụ nào chim bé đứng sau, cụ nào chim đen đứng bên trái, cụ nào chim trắng đứng bên phải, còn cụ nào không có chim thì ra ngoài. Và lưu ý với các em và các cháu ấy, nếu ngồi xem chim các cụ thì ngồi xem cho đàng hoàng, ngay thẳng, không được lấy cây, ná chọc phá và bắn chim các cụ. Và theo quy định của BTC thì không phân biệt chim lớn hay chim bé, miễn là chim còn khỏe thì cho thi hết”.
Khảo sát lại hàng trăm vai diễn hài của Hoài Linh, tỷ lệ những tiểu phẩm chú trọng trực tiếp vào việc đố tục giảng thanh không nhiều, nhưng chính những nét này lại phảng phất trong hầu khắp, chính lúc ấy lại lấy tiếng cười. Cho nên, lời phát biểu “hài mà không tục là mất gốc” của Hoài Linh trước live show lần này có thể nhìn ở hai khía cạnh, hoặc tính đố tục sẽ đậm đặc, hoặc chỉ là một cách nói hơi… câu khách.
Live show Đời bạc lắm!!! Kệ, cười trước đã… sẽ diễn ra vào ngày 14-15/1 tại Sân khấu Trống đồng và 22/1 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM). Chương trình có sự tham gia của hàng chục nghệ sĩ hài tên tuổi như:NSND Ngọc Giàu, Chí Tài, Trấn Thành, Nhật Cường, Cát Phượng, Hoàng Sơn, Thu Trang. |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags