Kinh điển: Chuyện thú vị quanh bức họa nàng Rose trên con tàu Titanic

Thứ Năm, 08/05/2014 07:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Con người đó không phải ai xa lạ, mà chính là vị đạo diễn đa tài James Cameron của bộ phim. Là người thuận tay trái, ông đã đóng thế cho nhân vật thuận tay phải, tại một trong những cảnh phim thú vị nhất mọi thời.

Titanic và những thảm kịch hàng hải khủng khiếp nhất trong lịch sử

Titanic và những thảm kịch hàng hải khủng khiếp nhất trong lịch sử

Một đêm lạnh giá ngày 15-4-1912, tín hiệu cứu nạn khẩn cấp được phát đi trên Đại Tây Dương. Titanic - chiếc tàu hoàn hảo nhất hành tinh - đang gặp nạn.

Năm 2014 đánh dấu 102 năm con tàu Titanic huyền thoại chìm dưới lòng Đại Tây Dương mênh mông. Những sự kiện đáng chú ý được tổ chức để ghi dấu sự kiện gồm triển lãm và bán đấu giá kỷ vật của các hành khách tại Boston (Mỹ). Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa điểm lại câu chuyện về bức vẽ nàng Rose - một chi tiết đáng nhớ trong bộ phim Titanic dựa trên sự kiện.

Nghệ thuật trong nghệ thuật

Titanic là một trường hợp đặc biệt. Trước thảm họa liên quan đến con tàu này năm 1912, đã có rất nhiều vụ đắm tàu lớn diễn ra. Nhưng chỉ riêng Titanic thu hút sự quan tâm vô cùng lớn của công chúng thế giới. Nguyên nhân có thể bởi con tàu từng được dán mác “không thể chìm” đầu tiên của thế giới đã có kết cục đầy thảm thương dưới đáy đại dương.

Mọi chi tiết gắn với thảm họa này đều trở thành huyền thoại, biểu tượng. Người ta nghiên cứu về Titanic, viết tiểu thuyết, làm phim. Và đã nhắc đến phim, không thể không đề cập tới bộ phim bom tấn cùng tên ra năm 1997.

Ai cũng nhớ cảnh ân ái của Jack và Rose trên chiếc xe hơi nóng bỏng đến mức nào, bàn tay của Rose dán lên cửa kính xe phủ đầy hơi nước gợi tình ra sao. Nhưng hãy bàn về một tình tiết trước đó, cũng có tính biểu tượng không kém: bức họa Rose khỏa thân.

Nếu chỉ ra một vật hiện hữu là nguyên nhân “đẩy” Jack và Rose vào chiếc xe hơi cùng nhau, đó chính là bức vẽ này. Một chi tiết hư cấu, vì trên thực tế, không có bức vẽ người đàn bà khỏa thân nào được tìm thấy trên con tàu Titanic thật.

Là một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, bộ phim còn chứa một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng khác, chính là bức ký họa này. Thêm một lý do để Titanic là huyền thoại điện ảnh.

Cảnh quay và bức vẽ không thể nào quên

Cảnh vẽ tranh cũng là cảnh đầu tiên Kate Winslet (vai Rose DeWitt Bukater) và Leonardo DiCaprio (vai Jack Dawson) quay cùng nhau. Và đó là một cảnh quay nhạy cảm, đầy khó khăn. Tháng 9/1996, khi phim trường Fox Baja vốn được dựng dành riêng cho bộ phim chưa kịp hoàn tất, đạo diễn và ê kíp buộc phải chọn quay trước những cảnh không cần bối cảnh rộng. Cảnh vẽ ký họa diễn ra trong một căn phòng, được bố trí giống phòng hạng sang của Rose trên Titanic.

Nội dung cảnh này cả thế giới đều đã biết: Rose trút bỏ xiêm y và đeo lên cổ chiếc vòng “Trái tim của Đại dương” rồi nằm xuống sô pha, trước mặt Jack. Thành quả là bức ký họa người đàn bà khỏa thân nóng bỏng, khiến ai xem phim cũng phải nghẹt thở.

Trong phim, những ngón tay của Jack đưa nét bút chì lướt trên mặt giấy, đầu tiên là mái tóc, vầng trán, đôi mắt nàng, cặp môi đầy đặn, bàn tay gác trên thành ghế, mặt dây chuyền hình trái tim khổng lồ. Chàng loay hoay khá lâu khi vẽ những nét uốn lượn ở bộ ngực…

Ngoài đời, mẫu vẫn là nàng, nhưng bàn tay vẽ là của đạo diễn James Cameron. Chính ông đã đóng thế bàn tay cho cảnh này. Ngoài ra, tập ký họa hình ảnh những con người bình dân mà Jack cho Rose xem trước đó cũng đều là của Cameron.

Chú thích ảnh
Đạo diễn James Cameron (phải) chỉ đạo Leonardo DiCaprio diễn xuất trong cảnh phim kinh điển

Có một chi tiết nhỏ thú vị, Cameron thuận tay trái, trong khi Jack của Dicaprio thuận tay phải, nên trong quá trình làm hậu kỳ, cảnh quay vẽ tranh đã được dựng đảo chiều từ trái qua phải để đúng với nhân vật.

Còn gì nữa? Trong cảnh đó, Jack hay đúng hơn là DiCaprio đã nói câu thoại: “Em nằm xuống giường đi, à quên, ý anh là sô pha”. Trong kịch bản, không có “giường” nào hết, chỉ có câu “Em nằm xuống sô pha đi”.

DiCaprio dường như đã quá nhập tâm vào Jack nên nói nhầm rồi chữa lại. Nhưng Cameron thấy sự nhầm lẫn đó quá hay, thể hiện sự bối rối của nhân vật (hay của chính diễn viên?). Dù sao ai cũng thấy cảnh thật đáng yêu, nên ông giữ nguyên và đưa vào phim.

Trong một cuộc phỏng vấn, Cameron mô tả về cảnh quay đầu tiên này: “Đó chính là cảnh đầu tiên họ quay với nhau và chính vì thế mà nó đẹp đến vậy. Không có sự sắp đặt trong đó, nếu tôi có sắp đặt thì cũng không thể nào hay hơn những gì đã thực sự diễn ra. Họ có diễn tập cùng nhau nhưng chưa từng đóng chung một cảnh chính thức nào. Giữa họ vẫn còn sự e ngại và ngập ngừng”.

Trước khi quay cảnh này, cả Winslet và DiCaprio chưa mấy quen nhau. Nữ diễn viên đã đến chào hỏi trước để phá vỡ bầu không khí căng thẳng. Về sau họ trở thành bạn bè. Họ vẫn là bạn cả khi Winslet đã trải qua 2 cuộc hôn nhân tan vỡ, rồi kết hôn lần 3, còn DiCaprio vẫn chưa một lần lấy vợ. Mới đó đã 17 năm trôi qua.
 

Hình tượng bàn tay trong Titanic

Không chỉ tại cảnh vẽ tranh hay cảnh ái ân, James Cameron đã luôn chú trọng hình tượng bàn tay trong cả bộ phim. Điều này nói lên sự tinh tế và sáng tạo của ông, có lẽ chịu ảnh hưởng từ cảm quan của một họa sĩ.

Cụ thể, trong lần đầu Jack và Rose gặp nhau, khi Rose trượt chân ngã xuống mạn tàu, Jack đã nói: “Hãy nắm lấy tay tôi”. Cameron đã quay một cảnh cận vào bàn tay. Đến cuối phim, khi Rose mơ được trở lại con tàu với Jack và mọi người đón đợi, chàng đã đưa bàn tay ra để đón nàng, cũng là một cảnh cận khó quên.

Không thể quên một số chi tiết khác như Jack giành vé lên tàu nhờ thắng trong một ván bài. Chàng đã nói: “Bàn tay này may mắn quá”. Còn Rose, nàng “chào” khán giả không phải bằng gương mặt mà là bàn tay đeo găng trắng cổ điển chìa ra ngoài cửa xe hơi. Khi vẽ Rose, Jack cũng bảo nàng đặt bàn tay lên trên đầu, gần sát gương mặt.

Miễn là tay họ còn có nhau, Jack và Rose sẽ vẫn an toàn. Khi biết con tàu đang chìm và linh cảm thấy tai họa cận kề, Rose nói với Jack: “Đừng bao giờ buông tay em”. Rốt cục họ đã không thể nắm tay nhau suốt đời.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›