Sau 3 tháng thí điểm ở các lô đối chứng tại hiện trường các điểm di tích, từ tháng 12 tới, đề tài sẽ được đưa vào triển khai. Tuy nhiên, do hóa chất sử dụng cho công nghệ này khá tốn kém nên việc ứng dụng sẽ bắt đầu tại những khu vực quan trọng, nhiều khách tham quan như Thế Miếu, Đại Cung môn, các trục đường đi trong hệ thống di tích để chống trơn trượt, bảo đảm an toàn sự đi lại cho du khách...
Đặc trưng của Huế là mưa nhiều, độ ẩm không khí cao nên đã tạo điều kiện cho các loại rêu, tảo phát triển mạnh. Quần thể di tích Huế với bề dày lịch sử hàng trăm năm không nằm ngoài tác động tiêu cực này và đang đứng trước thực trạng bị rêu phong hóa các công trình kiến trúc cổ và các lối đi, ảnh hưởng trực tiếp đến khách du lịch và cảnh quan. Để đối phó với tình trạng này, lâu nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ có biện pháp duy nhất là huy động các đoàn thể làm vệ sinh rêu, tảo nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể vì diện tích di tích quá rộng, các phương pháp thủ công chỉ là giải pháp tạm thời. Đã có một số công trình nghiên cứu về rêu tảo nhưng chỉ tập trung vào việc phân loại là chính, hoặc nghiên cứu các biện pháp nuôi cấy rêu phục vụ cho mục đích trang trí, chơi cây cảnh chứ chưa có biện pháp loại trừ hữu hiệu....
Quốc Việt