(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong nhưng biểu tượng nghệ thuật nổi tiếng nhất về tình yêu và tính dục, tác phẩm điêu khắc cặp tình nhân của Auguste Rodin đã gây ra bao tranh cãi trong hàng thế kỷ. Câu chuyện tình phía sau nó cũng long đong chẳng kém gì so với số phận của bức tượng.
Là một trong hình ảnh phổ biến nhất về tình yêu xác thịt trong lịch sử nghệ thuật: tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch của Auguste Rodin tạc cặp tình nhân khỏa thân, đắm chìm trong đam mê, được gọi đơn giản là Nụ hôn.
Mối tình bị đày xuống Hỏa ngục
Bằng sự tương phản giữa hai thân hình mềm mại, xuân sắc với phiến đá xù xì, thô ráp bên dưới, tác phẩm của Rodin trường tồn với tư tưởng về sự mê đắm sắc dục, không màng tới bất cứ điều gì khác.
Trong cuộc đời mình, Rodin đã tạo ra tới ba phiên bản cẩm thạch tượng Nụ hôn với kích cỡ lớn hơn người thật.
Tuy nhiên, trái với vẻ ngoài dường như lạc quan, giản đơn, vô tư lự của tượng Nụ hôn, câu chuyện phía sau tác phẩm này lại đầy chông gai.
Cận cảnh nụ hôn nhiều hàm ý của bức tượng
Để biết được nguồn gốc của tượng Nụ hôn, cần truy nguồn về năm 1880, khi Rodin, người sinh ra trong khu lao động Paris, con trai một nhân viên cảnh sát, đã gần 40 tuổi. Đó là lần đầu tiên, Rodin được chính phủ giao nhiệm vụ thiết kế hai cánh cửa bằng đồng cho một viện bảo tàng nghệ thuật.
Rodin quyết định chọn Hỏa ngục trong Thần khúc Dante làm chủ đề. Ban đầu, ông định tạc một cặp tình nhân ở cánh bên trái. Mang tên Niềm tin, cặp đôi này tượng trưng cho niềm đam mê bất chính của Paolo và Francesca – những người mà Dante gặp ở tầng địa ngục thứ hai, bị vùi dập bởi trận lốc xoáy bất diệt. Đây là chủ đề phổ biến trong nghệ thuật thế kỷ 19.
Theo nguyên tác của Dante Alighieri, Francesca và Paolo đã si tình nhau khi cùng ngồi đọc những câu chuyện tình phong nhã. Khi chồng của Francesca, đồng thời là anh trai Paolo phát hiện, người này đã đâm chết cả đôi tình nhân.
Rodin quyết định tạc Francesca và Paolo khi họ trao nhau nụ hôn đầu tiên. Nhìn kỹ vào bức tượng, có thể thấy một cuốn sách trượt từ tay trái người đàn ông.
Giữa những năm 1880, kế hoạch xây dựng bảo tàng mới bị chìm đi, nên cánh cổng địa ngục bằng đồng của Rodin đã không được thực hiện cho tới khi ông qua đời.
Tới năm 1886, Rodin quyết định sẽ tạc tượng Francesca và Paolo ở quy mô lớn hơn và ngay năm sau, chính phủ Pháp đề nghị Rodin tạc lại bức tượng trên đá cẩm thạch với kích thước lớn hơn người thật.
Trong suốt một thập kỷ tiếp theo, tượng Nụ hôn đứng dang dở trong xưởng điêu khắc của Rodin, trong khi ông tập trung chú ý vào những cái khác. Tuy vậy, năm 1898, ông vẫn quyết định triển lãm nó ở Salon thường niên, đặt bên cạnh tượng nhà văn Balzac.
Thật bất ngờ, trong khi tượng Balzac bị chế giễu thì bức Nụ hôn gây ấn tượng mạnh cho công chúng. Nó nhanh chóng được sao chép ra hơn 300 phiên bản bằng đồng với những kích cỡ khác nhau.
Bức tượng "Nụ hôn" bị cuốn dây
Số phận long đong của bức tượng
Năm 1900, nhà sưu tập đồ cổ sành sỏi Edward Perry Warren, sống ở Đông Sussex nước Anh, đã ướm hỏi Rodin một bản sao đúng kích thước tác phẩm Nụ hôn trên đá cẩm thạch để cho vào bộ sưu tập riêng của mình. Nghệ sỹ Pháp đã ưng thuận. Một hợp đồng được soạn thảo, xác định chi phí là 20.000 franc với quy định rõ ràng rằng “cơ quan sinh dục nam phải được hoàn thiện”. Bản sao cẩm thạch được giao đi vào mùa Hè năm 1904, nhưng do nó quá to trong ngôi nhà của Warren nên đã bị cất vào, đầy nhục nhã, ở khu nuôi ngựa.
Trong Thế chiến II, Warren cho tòa thị chính Lewes mượn. “Nó được đặt trong hội trường” - sử gia nghệ thuật Lampert cho biết, “đó là nơi tiêu khiển của các binh lính đóng quân ở thị trấn. Các trận đấu quyền Anh thường được tổ chức tại đây.”
Sự hiện diện của một bức tượng khỏa thân tại đây khiến người dân địa phương lo ngại sẽ kích động những hành vi dâm dật giữa những người lính. Do đó, nó bị phủ bạt và rào lại.
Hai năm sau, bức tượng được trả lại cho Warren, bị phủ rơm đóng kiện giấu đi. Sau cái chết của Warren, cuối cùng, tượng Nụ hôn được đưa vào bộ sưu tập của hệ thống bảo tàng Tate của Anh vào năm 1953.
Tình yêu bị trói buộc
Nửa thế kỷ sau đó, Nụ hôn lại gây tranh cãi ở Anh một lần nữa. Trong nhiều năm, bức tượng được đặt ở mái vòm trung tâm ở nơi hiện là bảo tàng London, nhưng, khi bảo tàng Tate Modern được mở vào năm 2000, Nụ hôn được chuyển đi, hạ cánh tàn tạ ở gần nhà vệ sinh.
Đến năm 2003, nghệ sĩ người Anh Cornelia Parker quyết định đưa Nụ hôn ra “ánh sáng” nhưng bị quấn dây. Theo Parker: “Tôi thấy rằng mặc dù đây là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất ở Tate – mọi người thích nó – nhưng Nụ hôn vẫn hơi sáo rỗng. Tôi muốn sống lại những gì tác phẩm này vốn biểu hiện: đó là các mối quan hệ không chỉ có sự lãng mạn, mà còn mang những đau đớn. Những sợi dây ở đây thể hiện sự phức tạp của các mối quan hệ”.
Không phải ai cũng đồng ý với Parker. Rất nhiều bài báo chỉ trích, thậm chí, có người còn lén mang kéo tới cắt đứt dây trước khi bị vệ sĩ can thiệp.
Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm Nụ hôn của Rodin còn thể hiện sự tò mò về kinh nghiệm tình dục của phụ nữ. Ở Nụ hôn, có thể thấy người phụ nữ đã đáp lại nồng nhiệt sự ham muốn cuồng si của người đàn ông. Có tin đồn cho rằng, người phụ nữ trong Nụ hôn vốn là nhà điêu khắc Camille Claudel, tình nhân của Rodin, dù bức điêu khắc này xuất hiện trước khi họ gặp nhau.
Tuy nhiên, Nụ hôn không có sự khiêu khích. Nó biểu hiện sự ham muốn một cách trang nhã thông qua một nụ hôn, chứ không phải khoái cảm. Có lẽ đó là lý do Rodin miêu tả Nụ hôn là “một tác phẩm điêu khắc vô giá trị theo công thức thông thường”.
Thư Vĩ (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Tags