'Cần nghiên cứu kỹ lại đua voi ở Tây Nguyên!'

Thứ Năm, 17/03/2016 13:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Hình ảnh Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung đang bị ảnh hưởng trong mắt du khách nước ngoài vì cuộc đua voi vừa tổ chức. Ở đó, các nài voi dùng đoòng ngoắc tai voi, chọc vào đầu voi toét máu ép voi phải đua phục vụ du lịch.  Nên theo tôi, cần nghiên cứu kỹ  lại việc đua voi ở Tây Nguyên”.

Đó là quan điểm của nhà nghiên cứu voi Tây Nguyên Lê Văn Thao sau khi báo chí loan tin, khách du lịch nước ngoài đã “kêu trời” về hành vi đối xử “độc ác” với động vật trong Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc Buôn Đôn vừa kết thúc.

Không đánh đồng đua voi với đâm trâu

Ông Thao chia sẻ: “Tôi khẳng định, trò chơi đua voi không có trong lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên xa xưa. Theo tôi biết, việc đua voi xuất hiện vào thời Pháp thuộc. Các ông quan Pháp ép người dân bản địa cho đua voi như một thú vui tiêu khiển. Đây là cuộc đua cho các quan xem chứ không phải lễ hội truyền thống của dân”.

Theo ông dư luận không nên đánh việc đua voi và nghi lễ đâm trâu. Bởi, nghi lễ đâm trâu là nghi lễ hiến sinh truyền thống của đồng bào Tây Nguyên cầu thần phù hộ cho buôn làng ấm no, khỏe mạnh hay mừng được mùa, mừng chiến thắng. Còn đua voi là trò chơi mang tính ganh đua hiện đại.


Ông Lê Văn Thao bên một con voi Tây Nguyên

Là người đã từng gắn bó thời gian dài với đàn voi Tây Nguyên, chụp ảnh “không thiếu một con voi Tây Nguyên nào”, ông Lê Văn Thao hiểu rõ những tập tính sinh hoạt của đàn voi nơi đại ngàn: “Voi Tây Nguyên tính bầy đàn rất cao. Chúng gần gũi nhau và chung sống hài hòa. Nên việc ép voi đua, thúc voi đua với nhau bằng mọi cách là phương pháp làm du lịch mang hiệu ứng ngược. Những phản ứng của bạn bè quốc tế trên mặt báo vừa qua, chúng ta đều rõ”.

Dù đồng tình với quan điểm khai thác voi vào mục đích phát triển du lịch, nhưng theo ông Thao, cần nghiên cứu kỹ hơn trò chơi đua voi từ các yếu tố văn hóa truyền thống tới căn tính voi Tây Nguyên.

Việc các nài voi sử dụng đoòng để khống chế voi đua làm tổn thương voi cũng cần xem xét lại. Ông nhấn mạnh: “Vẫn biết, truyền thống của đồng bào Tây Nguyên là chinh phục voi bằng sức mạnh chứ không dỗ dành, nhưng để phát triển du lịch chúng ta cần cân nhắc nhiều yếu tố”.

“Đau đầu” phương án bảo tồn voi Tây Nguyên

Hiện tại, công tác bảo tồn voi Tây Nguyên đang gặp nhiều bất lợi. Đàn voi của đại ngàn đang giảm đi trông thấy. “Điều đáng buồn, những năm gần đây, những con voi chết lại không phải những con voi già mà là những con voi trẻ, có bộ ngà đẹp” - ông Thao nói.

Qua quá trình nghiên cứu, ông Thao nhận thấy có ba phương án bảo tồn voi Tây Nguyên đang loay hoay thực hiện. Thứ nhất, các khu du lịch mua voi về để chở khách du lịch. Phương án này đang gây một số tranh cãi do voi “kiệt sức vì du lịch”.

Thứ hai, một số gia đình Tây Nguyên nuôi voi như một loài thú cảnh, thi thoảng phục vụ cho quá trình sản xuất. Phương án này một phần cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và văn hóa người Tây Nguyên. Tuy nhiên, khó áp dụng rộng rãi do việc cấm săn bắt voi rừng, thuần hóa voi rừng thành voi nhà.

Phương án thứ ba “sáng sủa” hơn cả là xây dựng khu bảo tồn ở rừng với hàng rào an toàn rồi thả voi vào. Tuy nhiên, gần 20 năm nay, đề án này vẫn chưa thể thực hiện được do các vấn đề liên quan tới tài chính, khoanh vùng rừng…

Ông Thao đề xuất: “Để thu hút du lịch, cũng như bảo tồn văn hóa đồng bào Tây Nguyên, tôi nghĩ, việc tổ chức lễ hội săn voi hằng năm không phải phương án tệ. Cụ thể, mỗi năm, chúng ta dành ra chừng 1 tới 2 chú voi rừng con. Sau đó, để đồng bào thi săn, thuần hóa thành voi nhà. Săn voi con để thuần hóa vừa tạo lớp voi kế cận phát triển du lịch khi lứa voi hiện tại đang rất già, vừa duy trì truyền thống săn voi của đồng bào Tây Nguyên, lại không lãng phí nguồn tài nguyên voi rừng”.

Ông Lê Văn Thao là người nhiều năm nghiên cứu về voi Tây Nguyên, năm 2011 ông cùng tác giả Nguyễn Bá Ngọc xuất bản cuốn sách ảnh về voi: Những người bạn lớn với thông điệp: “Đừng để voi chỉ là ký ức”. Thời điểm đó, "Đắk Lắk còn 52 con voi thì sách đã giới thiệu tới 51". Các tác phẩm cũng được giới thiệu tại triển lãm Hình ảnh những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây Nguyên vào cuối tháng 9 năm 2011.

Mỹ Mỹ (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›