>> Chuyên đề: Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Trước 2 đêm diễn Hướng về Hà Nội, TT&VH có cuộc trò chuyện với ca sĩ Ánh Tuyết, chủ phòng trà ATB về những tâm sự của một người con miền Nam nhưng đã đặt một phần suy nghĩ và sự nghiệp của mình ở đất Bắc.
Được khán giả gọi là “Người Hà Nội”
* Là một trong vài chương trình ca nhạc tại TP.HCM chào mừng Đại lễ, Ánh Tuyết có thể nói cảm nghĩ của mình khi thực hiện chương trình này?
- Đây là chương trình mà chúng tôi đã chuẩn bị từ khá lâu, chương trình gồm những bài hát về Hà Nội. Chương trình được xem là tình cảm của ca sĩ, nhạc công phòng trà đối với Hà Nội và với ngày lễ trọng đại của đất nước. Ánh Tuyết không sinh ra hoặc trưởng thành ở Hà Nội, nhưng Hà Nội đối với Ánh Tuyết vẫn có rất nhiều duyên nợ…
* Đó là những “duyên nợ” gì, và cảm xúc của Ánh Tuyết về Hà Nội lúc này như thế nào?
- Ánh Tuyết cũng từng có một mối tình thời trẻ tại Hà Nội, có lẽ do một phần như vậy nên bao giờ Hà Nội đối với Ánh Tuyết cũng gần gũi thân thương chăng? (cười).
Tuy nhiên trong sự nghiệp ca hát thì Hà Nội đối với Ánh Tuyết có rất nhiều kỷ niệm. Năm 1982, lần đầu tiên biểu diễn tại Hà Nội và năm 1987-1988 trong Hội diễn đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc, Ánh Tuyết đã hát bài Người Hà Nội thật hiệu quả, đến nỗi khán giả Hà Nội sau này gọi Ánh Tuyết là “Người Hà Nội”.
Rồi năm 2001, 2 chương trình lớn: Hội Trùng Dương (tháng 10) và chương trình nhạc Văn Cao (tháng 11) thành công vang dội, có thể nói đó là cột mốc mà Ánh Tuyết đã đặt được dấu ấn của mình trong lòng khán giả Thủ đô.
Khán giả Hà Nội có từng đối tượng cho từng loại nhạc, từ nhạc “sang”, nhạc “bình dân” đến nhạc giao hưởng, đa số đi nghe nhạc là để thưởng thức chứ không phải giải trí. Không gian ở Hà Nội dễ tạo cho mình cảm xúc lãng mạn, đi vào chiều sâu.
* Kỷ niệm nào là… Hà Nội nhất đối với Ánh Tuyết?
- Năm 1993, Ánh Tuyết đi cùng Hãng Băng nhạc Trẻ ra Hà Nội để quay video ca nhạc Văn Cao. Ánh Tuyết đã đến nhà của Văn Cao ở 108 phố Yết Kiêu để tìm hiểu thêm về bài hát Trương Chi.
Ánh Tuyết hỏi nhiều điều, nhưng suốt buổi sáng ông không nói gì, hai bác cháu ngồi trên gác, trời se se lạnh, bác Văn Cao mặc chiếc áo vetse và choàng khăn, mái tóc bạc phơ, đôi mắt ông như nhìn về cõi xa xăm, ngồi lặng yên với ly rượu trong tay. Tuy nhiên chính trong sự im lặng đó, Ánh Tuyết đã cảm nhận được rất nhiều những tâm tư, tình cảm, nỗi lòng… mà ông đã gởi gắm trong bài hát. Có thể nói đó là kỷ niệm thật dễ thương đối với Ánh Tuyết…
Sẽ “kéo quân” ra Hà Nội dịp “hậu” Đại lễ
* Đã nhiều lần kéo quân ra Hà Nội biểu diễn, tại sao dịp Đại lễ này Ánh Tuyết không tổ chức biểu diễn tại Hà Nội mà chỉ “hưởng ứng” từ TP.HCM?
- Để kéo quân ra Bắc trong thời điểm hiện nay, thật không đơn giản, hơn nữa trong những ngày Đại lễ có quá nhiều chương trình. Nhưng Ánh Tuyết sẽ có 2 đêm nhạc Tiếng hát Ánh Tuyết vào 27 và 28/11 sắp tới, hiện nay đã đăng ký giữ chỗ tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
* Ánh Tuyết vừa nói là để kéo quân ra Hà Nội thật không đơn giản…
- Đúng là như vậy, nhưng 2 đêm nhạc sắp tới là chương trình của ca sĩ Ánh Tuyết chứ không phải của phòng trà ATB, nhân dịp ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao và cũng là ngày mất của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (15/11). Chương trình Tiếng hát Ánh Tuyết tạm xem như “hậu” Đại lễ, còn bây giờ chỉ là những tình cảm gởi gắm từ TP.HCM…
* Cám ơn Ánh Tuyết về cuộc trò chuyện này.
Chương trình Hướng về Hà Nội gồm nhiều bài hát về Hà Nội như: Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang), Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Nhớ mùa Thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương)… Trong đó có những tác phẩm lớn như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Ngày về (Hoàng Giác), Giấc mơ hồi hương (Vũ Thành). Với sự thể hiện của các giọng ca: Ánh Tuyết, Quỳnh Lan, Xuân Phú, Xuân Trường, Thụy Long… cùng hợp ca ATB. |