Khởi đầu từ trò Roulette Nga ám ảnh …
Năm 1968, Công ty EMI – sau này trở thành thương hiệu hãng thu âm thành công nhất thế giới – chập chững bước vào ngành điện ảnh với một nhánh công ty mới có tên EMI Films, do 2 nhà sản xuất Barry Spikings và Michael Deeley điều hành. Spikings có mua một kịch bản tên là The Man Who Came to Play, nói về một nhóm người đến Las Vegas để chơi trò roulette Nga (một trò cá cược đầy may rủi chết người, trong đó người chơi cầm khẩu súng ngắn nhét một viên đạn duy nhất vào ổ quay, sau đó dùng tay xoay ổ quay rồi dí vào thái dương bấm cò)… Spikings không thích kịch bản này nhưng câu chuyện của nó lại cứ ám ảnh mãi trong đầu ông.
Năm 1974, Spikings rất ấn tượng khi xem bộ phim đầu tay Thunderbolt and Lightfoot khá ăn khách của đạo diễn Michael Cimino, Spikings đang trên đường tìm kiếm một đạo diễn “mở hàng” phim đầu tiên cho EMI Films đã đến gặp Cimino. Trong cuộc trò chuyện, Spikings kể cho Cimino nghe câu chuyện cũng như cảm giác của ông về kịch bản The Man Who Came to Play. Nghe xong, Cimino nói với Spikings: “Ông biết vì sao ông bị ám ảnh không? Chính trò roulette Nga trong câu chuyện là một ẩn dụ cho những gì nước Mỹ đang làm với thanh niên, đẩy họ vào cuộc chiến ở một đất nước xa lạ, khi mà chẳng có một lý lẽ nào để biện hộ. Tôi biết khá nhiều về Việt Nam và luôn muốn làm một bộ phim về những chuyện đã xảy ra ở đó, ông thấy thế nào?”
Spikings đồng ý, và đó là sự khởi đầu của bộ phim The Deer Hunter. Thật kỳ lạ là The Man Who Came to Play hoàn toàn không dính dáng gì đến Việt Nam, nhưng Michael Cimino chỉ dựa vào chi tiết trò roulette Nga trong kịch bản đó để phát triển thành một kịch bản mà chiến tranh Việt Nam là phần trung tâm của bộ phim.
Chuyện phim The Deer Hunter được cho là đã lấy cảm hứng một phần từ cuốn tiểu thuyết Đức Three Comrades (1937, Ba người bạn, Nxb Văn học đã xuất bản tiếng Việt năm 2001) của cựu chiến binh Đệ nhất Thế chiến – Erich Maria Remarque (tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Phía Tây không có gì lạ), kể về cuộc đời của bộ ba cựu chiến binh Đức thời Chiến tranh thế giới thứ nhất ở thập niên 1920. Sau này, trong phần tác giả kịch bản The Deer Hunter có đến 4 người được ghi tên, nhưng thực chất theo như khẳng định của Cimino, chính ông đã viết kịch bản này đến 8 phần 10!
Cũng như cuốn tiểu thuyết Three Comrades, The Deer Hunter suy tư và mô tả những hậu quả về mặt đạo đức và tinh thần của cuộc chiến, khơi gợi lòng yêu nước có tính chính trị dựa trên ý nghĩa của tình bạn, danh dự và gia đình. Bộ phim cũng đề cập tới những vấn đề gây tranh cãi như nạn tự sát, sự phản bội, những chấn thương làm rối loạn tinh thần dẫn đến stress thời hậu chiến…
…đến ám ảnh từ trò Roulette Nga!
The Deer Hunter quy tụ một dàn diễn viên rất hùng hậu: Robert De Niro (vai Michael), John Cazale (Stosh), Christopher Walken (Nick), John Savage (Steven), Meryl Streep (Linda)… Trong quá trình quay, tất cả những cảnh liên quan tới John Cazale (từng được biết với vai Fredo trong 2 phần đầu của The Godfather), nam diễn viên mắc bệnh ung thư xương giai đoạn cuối, đều phải được quay trước tiên. Cazale qua đời không lâu sau khi bộ phim được đóng máy và không có cơ hội được xem diễn xuất của mình. Hãng phim lúc đầu muốn loại Cazale ra khỏi dự án vì bệnh nặng, nhưng vị hôn thê ngoài đời thật của ông là Meryl Streep và đạo diễn Cimino dọa rút lui khỏi dự án nếu hãng làm thế.
Với kinh phí khoảng 15 triệu USD, bộ phim bấm máy ngày 20/06/1977 và được quay hầu hết tại Mỹ. Riêng cảnh mô tả về Việt Nam được quay ở Thái Lan, quận Patpong - giả làm khu đèn đỏ Sài Gòn, và những cảnh chiến trường được quay tại quận Sai Yok thuộc tỉnh Kanchanaburi.
The Deer Hunter giống như một vở kịch được chia làm 3 hồi, kể câu chuyện về ba người bạn là công nhân thép người Mỹ gốc Nga tham gia lực lượng bộ binh Mỹ và trải nghiệm khủng khiếp của họ trong và sau chiến tranh Việt Nam. Nhân vật Michael (Robert De Niro) chính là Người săn nai thực thụ với tài thiện xạ một phát hạ mục tiêu.
Bộ phim đã làm cho khán giả cảm nhận sự kinh hoàng của chiến trường Việt Nam, dữ dội và khốc liệt hơn bất cứ một bộ phim chiến tranh nào cho đến thời điểm đó. Không có giới hạn nào trong cuộc chiến này – mọi người, kể cả dân thường lẫn lính tráng, phụ nữ và trẻ em, đều có thể bị bắn hoặc thiêu sống.
Tuy nhiên, Cimino không đặt trọng tâm vào cuộc chiến, mà vào những ảnh hưởng về cảm xúc trong và sau cuộc chiến đối với ba người bạn công nhân thép. “Lò sát sinh” ở Việt Nam tàn phá tất cả bọn họ ở nhiều mức độ khác nhau, và sự kết nối của họ với nhau và với cộng đồng của họ hầu như bị phá hủy hoàn toàn.
Những trường đoạn ở Việt Nam đã khiến cho người xem có ấn tượng xấu về mặt chính trị trong việc đảo ngược lịch sử, biến người Mỹ thành những “nạn nhân vô tội” và biến người Việt Nam thành… “những kẻ xâm lược trong cuộc chiến”. Bộ phim cố tình phớt lờ rằng chính người Mỹ là những kẻ xâm lược và kéo dài sự xung đột dân sự và thuộc địa, về cơ bản, họ là những kẻ đã ném bom rải thảm và sử dụng bom napalm để lại di chứng khủng khiếp cho nhiều thế hệ người Việt Nam. The Deer Hunter cá nhân hóa lịch sử, xây dựng một cuộc chiến trong đó những người Mỹ “thiện” đấu tranh sinh tồn chống lại những người Việt “ác”, trong khi lẽ ra phải ngược lại.
Trường đoạn gây sốc và ám ảnh nhất đối với người xem đó cảnh quân đội Bắc Việt bắt tù binh Mỹ phải chơi trò roulette Nga để họ cá cược – hoàn toàn là một ý tưởng hư cấu của đạo diễn Cimino. Để làm tăng thêm tính dữ dội của tình huống, Robert De Niro yêu cầu lắp một viên đạn thật chưa sử dụng trong khẩu súng lục ổ quay. Mặc dù đã kiểm soát kỹ đảm bảo viên đạn thật không nằm trong ổ tiếp theo, nhưng mỗi lần quay là cả đoàn phải nín thở! Trường đoạn gây căng thẳng dữ dội về cảm xúc này chính là “giọt nước tràn ly” gây ra một làn sóng phẫn nộ bộ phim kịch liệt trong và ngoài nước Mỹ. Peter Arnett, cựu phóng viên từng đoạt giải phóng sự chiến trường của hãng AP (Associated Press) đã phản ứng trên tờ Los Angeles Times: “Trong 20 năm chiến tranh Việt Nam, chưa có ghi nhận bất cứ trường hợp nào về trò roulette Nga… Chi tiết ẩn dụ trung tâm này của bộ phim đơn giản là một sự dối trá tàn nhẫn”.
Khúc vĩ thanh hỗn loạn… và điều hối hận của nhà sản xuất
Một mặt, The Deer Hunter đạt được mục đích chuyển tải một ý thức đơn lẻ về sự tàn phá tinh thần mà cuộc chiến Việt Nam đã “gây ra” cho nhiều người Mỹ. Tuy nhiên, ở phía ngược lại bộ phim đã khơi dậy làn sóng tranh cãi dữ dội. Đạo diễn Michael Cimino bị chỉ trích là kẻ phân biệt chủng tộc và dối trá! Dưới đầu đề đầy châm biếm, The Gook-Hunter (Kẻ săn người da vàng), tờ New York Times cũng lên tiếng gay gắt: “Để tưởng nhớ đến những người Mỹ đã bỏ mạng ở Việt Nam, thì The Deer Hunter là sự biện hộ đầy sỉ nhục!” Còn nhà phê bình phim của BBC là Mark Kermode được trích lời nhận xét rằng: “Bộ phim dài 3 tiếng này là một trong những phim tệ nhất từng được thực hiện. Một cuộc vui dài lê thê, bê tha, tự đề cao, ngấm vào cái thói phân biệt chủng tộc có tính toán…”.
Cao trào đỉnh điểm dẫn đến những cuộc biểu tình chống đối bởi những nhà hoạt động phản chiến tại Mỹ là khi The Deer Hunter được đề cử 9 giải Oscar năm 1978. Đêm 09/04/1979, những người được mời đến lễ trao giải Oscar đã thất kinh trước đám đông người biểu tình bao kín cửa vào hội trường Dorothy Chandler Pavillion. Hầu hết là những cựu binh phản chiến đến từ Los Angeles giương cao biểu ngữ “Không trao giải Oscar cho kẻ phân biệt chủng tộc”, “The Deer Hunter là một sự dối trá đẫm máu”… Cảnh sát và những người biểu tình đã xung đột dữ dội dẫn đến 13 người bị bắt.
Tại buổi lễ trao giải Oscar năm ấy, cả 2 bộ phim về chiến tranh Việt Nam (phim kia là Coming Home) đều là những ứng cử viên sáng giá so kè quyết liệt. Cuối cùng, The Deer Hunter đã đoạt 5 giải (Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam diễn viên phụ, Dựng phim và Âm thanh), nhưng Coming Home lại đoạt 2 giải quan trọng là Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Jon Voight và Jane Fonda), và một chi tiết thú vị đã xảy ra…
Theo lời Michael Cimino kể lại trên tờ People: Trên đường vào hậu trường để họp báo sau buổi lễ Oscar, Cimino đã chạy đến bắt tay chúc mừng Jane Fonda, nhưng bà khinh bỉ bước đi, thậm chí không thèm nhìn mặt Cimino khiến ông phải một phen tẽn tò. Jane Fonda là ngôi sao điện ảnh đã ủng hộ Việt Nam mãnh liệt trong cuộc chiến phi nghĩa này. Bà đã từng đến thăm Hà Nội trong những ngày bom đạn 1972, từ đó bà có biệt danh “Hanoi Jane”. Trong một cuộc phỏng vấn, Jane Fonda đã chỉ trích The Deer Hunter là phân biệt chủng tộc. Tại LHP quốc tế Berlin năm 1979, phái đoàn Liên Xô bày tỏ sự phẫn nộ đối với The Deer Hunter vì theo ý kiến của họ bộ phim đã bôi nhọ dân tộc Việt Nam trong khá nhiều cảnh. Các nước XHCN cảm thấy có trách nhiệm lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết của họ đối với “dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Tất cả đều phản đối việc trình chiếu, đống thời nhấn mạnh rằng bộ phim đã vi phạm quy chế của LHP, và tuyệt nhiên không góp phần vào việc cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Hiệu ứng domino xảy ra sau đó dẫn đến việc đổ ra đường tuần hành của một số nước… Thậm chí hai thành viên cầm cân nảy mực của LHP đã từ bỏ ghế giám khảo để bày tỏ sự tán thành với làn sóng phản đối dữ dội ấy!
… 30 năm sau, 2008, nhân dịp kỷ niệm 30 năm bộ phim The Deer Hunter và Coming Home – nhà sản xuất Barry Spikings đã thú nhận trên tờ Vanity Fair: “Có nhiều điều sai trái trong bộ phim The Deer Hunter, tôi mong được làm một bộ phim khác để chuộc lỗi với người Việt Nam. Chúng tôi đã bêu xấu họ và tôi vô cùng hối hận về điều đó!”.