(Thethaovanhoa.vn) - “Phụ nữ Hàn Quốc đang sống trong một cái lồng, nơi họ nỗ lực để lý tưởng hóa vẻ ngoài của mình theo cách mà truyền thông đang tô vẽ” - Ji Yeo, nhiếp ảnh gia người Hàn đang học ở Mỹ, phát biểu thông điệp sau bộ ảnh của cô.
Khi nhiếp ảnh gia người Hàn Quốc Ji Yeo chuyển đến Mỹ sống, cô nhận thấy một sự khác biệt rõ rệt trong quan niệm về phẫu thuật thẩm mỹ của người phương Tây và người phương Đông. Thống kê năm 2010 của Hiệp hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Quốc tế khẳng định Hàn Quốc là nước có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới.
Phẫu thuật thẩm mỹ = nhạt nhòa bản sắc Á Đông
Theo Huffington Post, bộ ảnh vừa được công bố của nữ nhiếp ảnh gia trẻ Ji Yeo, Beauty Recovery Room (Phòng phục hồi nhan sắc) theo đuổi một đề tài đáng chú ý: chụp các phụ nữ Hàn Quốc trong các gian phòng khách sạn, khi họ đang nghỉ ngơi chờ phục hồi sau các công đoạn phẫu thuật thẩm mỹ. Bộ ảnh không né tránh những hình ảnh đau đớn, thương tích gây sốc, có hiệu ứng thị giác mạnh.
Để bổ trợ cho chủ đề triển lãm ảnh, Yeo cũng thực hiện một tiết mục trình diễn ngoài trời khá táo bạo. Cô mặc quần áo giả nude, đứng trên một cây cầu đông người qua lại, đặt bên cạnh mình tấm bảng có dòng chữ “Tôi muốn có vẻ ngoài hoàn hảo. Hãy vẽ lên người tôi, ở nơi bạn nghĩ là tôi nên chỉnh sửa thẩm mỹ”.
|
Để tìm hiểu nỗi ám ảnh của đất nước quê hương mình với phẫu thuật thẩm mỹ, Yeo đã gặp gỡ những phụ nữ Hàn Quốc trước khi họ tiến hành phẫu thuật và đề nghị chăm sóc họ, với điều kiện họ đồng ý cho cô chụp ảnh để đưa vào triển lãm Beauty Recovery Room.
Nữ nhiếp ảnh gia đã nấu đồ ăn, mang thuốc cho các nhân vật để được phép vào phòng điều trị nơi “những người đẹp tương lai” đang trong quá trình hoàn thiện vẻ đẹp: họ mang đầy sẹo, vết sưng, vết thâm tím và băng bó khắp người.
Yeo bày tỏ suy nghĩ: “Tôi thấy sốc khi người dân ở đây cảm thấy phẫu thuật thẩm mỹ là một điều quá quen thuộc và thông thường. Tôi cũng sốc khi thấy việc phẫu thuật thành công mang lại cho họ niềm thỏa mãn và vui sướng lớn đến nhường nào. Trong quá trình thực hiện bộ ảnh, ngay cả khi họ đang phải chịu những cơn đau khủng khiếp, tôi vẫn cảm nhận được niềm phấn khích của họ, niềm phấn khích của hy vọng có được vẻ ngoài hoàn hảo”.
Bi kịch của phụ nữ Hàn Quốc
Trong tuyên ngôn về bộ ảnh của mình đăng trên trang web riêng (jiyeo.com), Ji Yeo cũng nói rõ, tác phẩm của cô không đổ lỗi cho các nhân vật. Thay vào đó, qua bộ ảnh, cô muốn nói lên “áp lực xã hội” mà người dân Hàn Quốc trong thời đại này, nhất là phụ nữ, đang phải chịu đựng.
Theo nữ nghệ sĩ, phẫu thuật thẩm mỹ là một “nét văn hóa” không thể thiếu của đất nước Hàn Quốc hiện nay, là một bước không thể bỏ qua trong quá trình cải thiện bản thân. Chấp nhận chạm dao kéo vào người, chịu đựng những cơn đau và các vết sẹo, những lần gây mê đã không còn bị coi là nguy hiểm hay ngông cuồng. Tất cả đều nằm trong kế hoạch phát triển bản thân của người Hàn Quốc.
“Đất nước này là nơi người ta đánh giá đàn ông qua khả năng tài chính và phụ nữ qua vẻ bề ngoài. Các phương tiện truyền thông do nam giới chi phối không ngừng củng cố cho công chúng về hình mẫu người phụ nữ lý tưởng: phải xinh đẹp đến hoàn hảo” - Yeo viết.
“Kết quả của sự áp chế văn hóa đó là Hàn Quốc trở thành một xã hội tôn sùng vẻ ngoài, nhân cách cũng bị coi nhẹ khi đặt cạnh vẻ ngoài. Các yếu tố trên gộp lại dẫn đến một ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ cực kỳ phát triển trong khi vẫn tạo ra một loạt tiêu chuẩn bắt phụ nữ phải tuân theo”.
Ji Yeo - cái đẹp ở “những thời khắc khó tin” Nhiếp ảnh gia Ji Yeo hiện theo học lấy bằng tiến sĩ về nhiếp ảnh tại Trường thiết kế Rhode Island (RISD) ở thành phố Providence thuộc bang Rhode Island, Mỹ. Các tác phẩm gần đây (nhiếp ảnh và trình diễn) của Yeo đều tập trung vào chủ đề “vẻ đẹp” trong văn hóa đương đại, đặc biệt là quan niệm của phụ nữ đương đại về cái đẹp. Riêng cô, cô coi trọng vẻ đẹp thuộc về bản chất con người và tìm kiếm cái đẹp ở những thời khắc khó tin nhất: rối loạn cảm xúc, những cấm kỵ xã hội, phá vỡ cấm kỵ, cái chết. |
Dưới đây là những hình ảnh gây sốc:
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa