Đó là một số chương trình truyền hình cũng bắt đầu để cái mới xuất hiện, với mong muốn ươm mầm giống lành mạnh hơn.
|
Giới trẻ cũng thích trở về nhạc xưa. Nhạc tiền chiến vốn kén giọng, nhưng nhiều ca sĩ trẻ, trước yêu cầu của công chúng, cũng đã thử sức mình ở nhiều bài hát của những tác giả nhạc xưa. Ngay cả những giọng ca “quái , lạ” như Tùng Dương, Thanh Lam cũng không bỏ qua “thị phần” này. Riêng Tùng Dương, đã tổ chức thêm 2 đêm nhạc ở TPHCM trong tháng 12.2012. Tại đây, anh hát nhạc của Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Nhiều ca sĩ khác trang bị thêm hành trang của mình là những album nhạc xưa. Trở lại nhạc xưa với sự hỗ trợ của nhạc trưởng nước ngoài và dàn giao hưởng có đẳng cấp, Đức Tuấn ghi dấu ấn của mình hơn cả nhạc trẻ mà anh từng thể nghiệm.
Đặc biệt, dòng nhạc Trịnh vẫn âm thầm có đất sống từ trước đến nay, với cuộc thử sức của hàng loạt ca sĩ hàng đầu. Trong chương trình “Trịnh Công Sơn in the spotlight” vào tháng 12.2012, nhiều ca sĩ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương... đều có một cảm xúc chung là hát nhạc Trịnh cần nhất tấm lòng và sự giản dị, nhưng hãy để cho họ - lớp ca sĩ hôm nay có cách thể hiện riêng, thổi vào hơi thở đương đại, chứ đừng đóng khung nhạc Trịnh theo một giọng hát kinh điển kiểu Khánh Ly. Bởi nhạc Trịnh cũng cần được làm mới từ phong cách hòa âm, phối khí đến cảm thức đương đại. Miễn là đừng nhập đồng, đừng phá cách quá mức như Thanh Lam từng làm, đã nhận phải phản ứng dữ dội từ phía dư luận.
Đến lúc này, nhiều người hiểu rằng, âm nhạc đang phải trả giá, song dù gì cũng là động lực để thay đổi, để ươm mầm cái mới trên nền tảng vững chắc của những cái đẹp kinh điển. Các nhà quản lý văn hóa đừng cấm cản nhiều thứ khác mà lại quên hẳn đi loại âm nhạc “thảm họa” đang lan tràn. Trường học cũng nên quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ cho học sinh từ khi còn nhỏ, chứ không chỉ dạy cho các em biết chơi đàn. Còn với công chúng trẻ, khi trưởng thành dần, khi nhận được sự giáo dục tử tế, họ tự biết lựa chọn loại âm nhạc phù hợp và tự nâng mình lên trong gu thưởng thức âm nhạc.
Theo Lao động