Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 12): Kiểu rìu chiến Đông Sơn dữ dội nhất

Thứ Năm, 24/04/2025 06:33 GMT+7

Google News

Tiếp tục dõi theo những lưỡi rìu chiến Đông Sơn, buổi "Rì rầm" hôm nay sẽ mời các bạn chiêm ngưỡng bộ rìu chiến rất độc đáo được phát hiện chủ yếu ở vùng miền núi Thanh Nghệ, nơi được nhiều nhà nghiên cứu gọi tên bằng thuật ngữ phân vùng văn hóa địa phương Đông Sơn: loại hình Đông Sơn Làng Vạc.

1. Trong các loại hình rìu chiến Đông Sơn, có lẽ rìu chiến lưỡi xéo loại hình Làng Vạc được cho là tạo hình đẹp và "chiến" nhất. Các loại rìu chiến Đông Sơn khác, cho dù đã chuyên biệt, nhưng đều gần với rìu chặt thông thường. Có nghĩa, người chiến binh có thể dùng rìu chiến của mình để chặt cây, đẽo cột khi cần. Rìu chiến Đông Sơn kiểu Làng Vạc với dáng hình đặc trưng cho thấy gần như chúng được chế ra chỉ để dùng trong chiến đấu, tương tự chức năng chuyên biệt của một lưỡi qua đồng mà tôi sẽ dành riêng khảo tả trong tuần tới.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 12): Kiểu rìu chiến Đông Sơn dữ dội nhất - Ảnh 1.

Lưỡi rìu chiến kiểu Đông Sơn Làng Vạc trong sưu tập CQK (California, Mỹ)

Đây là một dạng rìu có phần họng tra cán ngắn, thường đúc hình xẻ đuôi cá (hay đuôi én). Phần bản lưỡi hẹp nhưng kéo dài, hơi hất lên về phía mũi như một chiếc giày mũi dài, nhọn.

Tiêu bản rìu chiến trơn không trang trí thuộc sưu tập bảo tàng Phạm Huy Thông (Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Kim Bôi, Hòa Bình) đại diện cho loại hình rìu chiến này. Rìu cao 8cm, rộng ngang 17cm. Khi thực hành tra cán, do phần họng khá nông (chỉ 4cm), chúng tôi nghĩ đến việc thời xưa phải dùng một loại keo nhựa nào đó hỗ trợ với gia cố bằng dây rừng mới đủ chắc khi chiến đấu.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 12): Kiểu rìu chiến Đông Sơn dữ dội nhất - Ảnh 2.

Hai mặt trang trí hoa văn của chiếc rìu chiến Đông Sơn Làng Vạc dạng lưỡi xéo vớt sông Chu (Thanh Hóa), sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng (TP.HCM)

Đa số loại rìu chiến lưỡi xéo Đông Sơn kiểu Làng Vạc có trang trí hình thú đúc chìm ở cả hai bản mặt: Bản mặt chính hướng về phía chủ nhân khi thuận cầm cán tay phải và bản mặt bên kia. Kiểu trang trí hai mặt này một lần nữa cho thấy sự gần gũi với phong cách rìu chiến vùng sông Mã sông Chu.

Kiểu trang trí phổ biến nhất trên rìu chiến lưỡi xéo kiểu Làng Vạc là dùng hai tiểu giao long (cá sấu) án ngữ ở cả hai mặt của phần họng tra cán hình đuôi cá, đồng thời hai cá sấu lớn trườn sát cạnh trên và cạnh sau gót bản lưỡi rìu. Trên diện tích còn lại của bản rìu thường là hình hổ, đôi khi cả hình chó đuổi huơu.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 12): Kiểu rìu chiến Đông Sơn dữ dội nhất - Ảnh 3.

Chiếc rìu chiến kiểu mũi hài vuốt cao mang tính lễ nghi trong sưu tập Đông Sơn của bảo tàng Barbier-Mueller (Geneva, Thụy Sĩ), có thể so sánh với kiểu rìu chiến lưỡi xéo Đông Sơn Làng Vạc cùng mang tính lễ nghi trong sưu tập Nguyễn Đông Nhựt (TP.HCM)

Tiêu bản rìu chiến Đông Sơn kiểu Làng Vạc có dáng đẹp của sưu tập CQK (California, Mỹ) với họng đuôi cá rất đẹp, trên bản mặt có hình hổ đón hươu. Ngấn nổi chặn giữa phần họng tra cán và bản lưỡi của loại rìu này khiến không thể không liên hệ truyền thống với các kiểu rìu sông Mã, sông Chu xứ Thanh.

Một chiếc rìu chiến tương tự vừa được bảo tàng Nghệ An sưu tập có xuất xứ từ vùng Làng Vạc mang dáng dấp rất giống rìu của sưu tập CQK kể trên. Tuy nhiên, hình khắc chìm trang trí trên bản lưỡi lại là hình ba chiến binh hóa trang nhảy múa. Sự lạc lõng về phong cách khiến nhiều người nghi ngờ tính nguyên bản của chúng.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 12): Kiểu rìu chiến Đông Sơn dữ dội nhất - Ảnh 4.

Chiếc rìu chiến lưỡi xéo kiểu Đông Sơn Làng Vạc với mũi cong vút mang đậm chất lễ nghi (sưu tập Nguyễn Đông Nhựt, TP.HCM)

2. Chiếc rìu vớt sông Chu trong sưu tập Đông Sơn của Mai Sĩ Tất Thắng (TP.HCM) với lối trang trí đặc trưng gồm cá sấu và hổ xác nhận tính "vùng văn hóa" Đông Sơn giữa sông Chu (Thanh Hóa) và sông Hiếu (Nghệ An) - nơi phân bố chính của loại hình Đông Sơn Làng Vạc. Rìu họ Mai được trang trí cả hai mặt với đề tài truyền thống - cá sấu và hổ, hươu - nhưng không có ngấn nổi ngăn họng và lưỡi. Phần họng tạo hình đuôi cá rất mờ nhạt. Hai chiếc rìu tương tự hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và trong sưu tập Kính Hoa (Hà Nội).

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình (kỳ 12): Kiểu rìu chiến Đông Sơn dữ dội nhất - Ảnh 5.

Cảnh lễ hiến tế trên thân trống đồng Kính Hoa (Hà Nội) và đặc tả chiến binh đang dùng rìu chiến lưỡi xéo kiểu Làng Vạc hành quyết vật hiến tế

Chiếc rìu mang tính lễ nghi nhất trong bộ rìu chiến Đông Sơn kiểu Làng Vạc từng thấy trong sưu tập của Nguyễn Đông Nhựt (TP.HCM). Tương tự rìu chiến Đông Sơn kiểu mũi hài trong sưu tập Bảo tàng Barbier-Muller (Geneva, Thụy Sĩ), rìu chiến Đông Sơn kiểu Làng Vạc của Nguyễn Đông Nhật cũng có phần mũi vuốt cao, họng tra cán đuôi én rất rõ nét và hai mặt phủ kín hoa văn thú trong khung bao trám lồng rất tinh tế, tạo cảm giác như được chúng được cấy sửa thêm vào với sự thăng hoa của thợ ngày nay. Nếu được xác định nguyên bản thì chiếc rìu này xứng hàng bảo vật quốc gia bởi sự tinh tế và vẹn toàn của nó.

Có lẽ, do chịu ảnh hưởng của các thủ lĩnh Đông Sơn Âu Lạc từ làn sóng di tản về phía Nam trốn khỏi truy sát của quân nhà Hán do Lộ Bác Đức và Mã Viện chỉ huy trong những thế kỷ trước sau Công nguyên, chúng ta bắt gặp trong sưu tập đồ đồng Indonesia kiểu rìu chiến mang phong cách Đông Sơn Làng Vạc: Rìu đồng lưỡi xéo cong như lưỡi liềm với họng tra cán xẻ hình đuôi cá bên cạnh những vòng đồng ốp tay và khá nhiều trống đồng Đông Sơn.

"Trong các loại hình rìu chiến Đông Sơn, có lẽ rìu chiến lưỡi xéo loại hình Làng Vạc được cho là tạo hình đẹp và "chiến" nhất" - TS Nguyễn Việt.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›