(Thethaovanhoa.vn) - Nửa thập kỷ sau ngày Thể Công giải thể, bóng đá Việt Nam đã coi trung tâm đào tạo Viettel là hậu duệ chính thống của Thể Công, nhưng sự thật là Thể Công lừng lẫy ấy không chỉ có một người kế thừa.
Năm 2009, Thể Công được chuyển giao cho Tổng Công ty Viettel quản lý, và trong khi các cầu thủ ở đội một thi đấu tại V-League được chuyển tiếp cho Thanh Hóa, thì đội trẻ mang tên Viettel tiếp tục thi đấu ở giải hạng Nhất.
Một năm sau, đội bóng hậu duệ ấy cũng biến mất trên bản đồ bóng đá khi bị Hà Nội.T&T mua lại. Từ đó trở đi, lò đào tạo trẻ Hà Nội.T&T và trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Viettel bắt đầu phát triển song song. Mỗi cơ sở đều lưu giữ những cá tính riêng, là những hậu duệ của huyền thoại Thể Công.
Hàng loạt HLV, cầu thủ Thể Công cũ chuyển sang biên chế lò đào tạo T&T và đội trẻ T&T. Lãnh đạo CLB Hà Nội.T&T, đứng đầu là bầu Hiển, đồng ý với chính sách du nhập tư tưởng và phương thức đào tạo của Thể Công vì 2 lý do.
Thứ nhất, tư duy, truyền thống và phương pháp làm việc danh tiếng của những chuyên gia từ Thể Công sẽ mang tới sức mạnh cho hệ thống đào tạo trẻ của T&T, vốn mới hình thành được vài năm.
Lý do thứ 2, quan trọng hơn, sự du nhập những con người từ Thể Công sẽ giúp Hà Nội.T&T lấy được phần nào cảm tình từ người hâm mộ Thủ đô, vốn luôn coi Thể Công như là biểu tượng của bóng đá Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ T&T Nguyễn Đức Thắng thừa nhận: “Đây là chiến lược của CLB. Bóng đá Hà Nội được xây dựng nhờ các HLV cũ từ Thể Công ra. Các HLV đó cũng là người của bóng đá Thủ đô. Thành tích của Hà Nội.T&T là thành tích của bóng đá Thủ đô".
Trên quan điểm chiến lược ấy, Giám đốc đầu tiên của lò đào tạo T&T là HLV Triệu Quang Hà, một người cũ của Thể Công. Sau khi HLV Quang Hà rời đội bóng, người thay thế anh là Trương Việt Hoàng. Trong quá trình phát triển, Hà Nội T&T cũng chiêu mộ hàng loạt HLV, chuyên gia khác từ Thể Công như Phạm Như Thuần, Trần Tiến Anh, Đinh Thế Nam, Nguyễn Ngọc Dũng...
Tính cách Thể Công thậm chí còn in đậm ở đội một Hà Nội.T&T với sự có mặt của bộ ba Quốc Long, Ngọc Duy, Văn Quyết, nhưng chúng ta sẽ nói về họ trong một số báo khác.
Trở lại với những ngày đầu thành lập, HLV Quang Hà chia sẻ: "Khi mới thành lập (2006), lò đào tạo mới có 2 tuyến. Khi tôi rời đội một V-League (2009), tôi cũng tách riêng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ với đội V-League. Lý do là bởi tôi muốn T&T có hệ thống đào tạo trẻ tốt, có hệ thống, có kế cận. Tôi nghĩ chuyên nghiệp là phải làm như vậy. Với một CLB chuyên nghiệp, đội trẻ rất quan trọng”.
Cựu tuyển thủ quốc gia Việt Nam tiếp tục: “Giống như Thể Công trong quá khứ, chúng tôi dạy rất nhiều về kỹ thuật. Khi thi đấu trên sân, các cầu thủ có kỹ thuật cao, vòng đời cầu thủ sẽ dài hơn. Nền tảng kỹ thuật đó cộng với các kỹ năng khác rèn giũa qua quá trình thi đấu sẽ giúp cầu thủ phát huy tối đa khả năng của mình”.
Đó là nguyên nhân khiến lò đào tạo T&T liên tục sản sinh ra những cầu thủ kỹ thuật và chất lượng. Đức Huy, Duy Mạnh, Quang Hải hay Ngọc Đức đều là những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân điêu luyện.
Nhưng đó không phải là tố chất duy nhất mà T&T thừa hưởng từ lò đào tạo Thể Công. Thủ thành Văn Công, người được HLV Trần Tiến Anh trực tiếp chỉ dạy, chia sẻ: “HLV Thể Công khác với các HLV khác là họ cứng rắn. Ở Nghệ An, nếu mệt, mình có thể xin nghỉ. Nhưng với họ, mệt cũng phải cố”.
Sự tương đồng về phong cách và ảnh hưởng đậm nét từ Thể Công là nguyên nhân khiến lối chơi của các đội trẻ T&T và Viettel có sự tương đồng. HLV Đức Thắng tiết lộ: “Chúng tôi có những phẩm chất kỷ luật, sáng tạo của người lính. Triết lý của chúng tôi là triết lý bóng ngắn, ưu tiên kiểm soát, sử dụng các cầu thủ có kỹ thuật, chơi phối hợp. Lối chơi của chúng tôi giống Viettel. Nhưng Viettel chưa thành công như T&T do họ chưa có đội đá ở hạng đấu cao nhất, bản sắc lối chơi chưa được xây dựng”.
Sau 5 năm tồn tại, lò đào tạo Hà Nội.T&T đã gặt hái được hàng loạt thành công. Khi Thể Công đã trở thành quá khứ, họ mới là đội bóng số một của Hà Nội lúc này.
Kỳ 3: Triết lý bóng ngắn và sự toàn diện của lò Hà Nội.T&T
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags