Ngày 26/4, tại nhà riêng cố Nhạc sĩ Hoàng Vân, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (UBQG), đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm, chúc mừng Giáo sư, Nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai cố Nhạc sĩ Hoàng Vân nhân dịp Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Tư liệu Thế giới.
Tham dự buổi gặp mặt còn có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam; bà Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa, Tổng Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam; ông Đào Quyền Trưởng, Phó Chủ tịch UBQG Chương trình Ký ức Thế giới của Việt Nam; Tiến sĩ Vũ Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức Thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương...

TS.Trần Việt Hoa – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, TS.Vũ Thị Minh Hương - Nguyên Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Uỷ viên Ủy ban tư vấn quốc tế của Chương trình Ký ức thế giới UNESCO cùng TS.Y Linh (con gái nhạc sĩ Hoàng Vân) bên những bản phác thảo nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: TTXVN
Về phía gia đình cố Nhạc sĩ Hoàng Vân có sự hiện diện của Giáo sư, Nhạc trưởng Lê Phi Phi; ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới gia đình cố Nhạc sĩ Hoàng Vân, đồng thời nhấn mạnh: Việc UNESCO chính thức ghi danh "Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân" vào Danh mục Di sản Tư liệu Thế giới không chỉ là sự vinh danh đối với cá nhân cố nhạc sĩ và gia đình, mà còn là sự khẳng định tầm vóc và giá trị bền vững của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - dòng âm nhạc vừa kế thừa sâu sắc tinh hoa khí nhạc dân tộc, vừa phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hàn lâm. Sự kiện này góp phần tôn vinh nền văn hóa Việt Nam trong kho tàng di sản trí tuệ của nhân loại, thể hiện sinh động tinh thần Việt Nam chủ động, trách nhiệm và đóng góp cho nền văn minh thế giới - như thông điệp Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong chuyến thăm UNESCO vào tháng 10/2024.

Bìa tác phẩm "Guồng nước quay" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nêu rõ, sự ghi danh này mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra đúng vào dịp đất nước kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất, hướng tới 80 năm Quốc khánh và 95 năm ngày sinh của Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2025). Ông trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ, tâm huyết của gia đình cố Nhạc sĩ Hoàng Vân trong việc gìn giữ, sẵn sàng chia sẻ rộng rãi và quốc tế hóa bộ sưu tập quý báu này, qua đó góp phần đưa di sản âm nhạc Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ, hòa mình vào dòng chảy chung của văn hóa thế giới.
Ông mong muốn gia đình tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị di sản, đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, giáo dục và quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam ra trường quốc tế. Thành công này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của việc "Bộ sưu tập của Nhạc sĩ Hoàng Vân" trở thành Di sản Tư liệu Thế giới đầu tiên trong lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam và duy nhất trong khu vực cho đến thời điểm hiện nay. Kết quả này không chỉ ghi nhận đóng góp xuất sắc của một tài năng lớn đối với nền âm nhạc dân tộc mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế. Sự vinh danh này càng thêm ý nghĩa khi Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, lần đầu tiên dành riêng một chương cho di sản tư liệu, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Ông đánh giá cao nỗ lực của gia đình cố Nhạc sĩ Hoàng Vân trong việc số hóa toàn bộ bộ sưu tập, xây dựng hệ thống website giới thiệu bằng 5 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung), giúp lan tỏa giá trị di sản tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Việc tiếp cận rộng rãi này không chỉ giúp cộng đồng hiểu hơn về giá trị âm nhạc Việt Nam mà còn góp phần nâng cao ý thức gìn giữ di sản tư liệu, bồi đắp lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ.
Tiến sĩ Vũ Minh Hương, chuyên gia tư vấn UNESCO, cho biết, quá trình xây dựng hồ sơ gặp không ít khó khăn do yêu cầu rất cao đối với một hồ sơ tầm quốc tế, nhất là khi đây là hồ sơ đầu tiên do một gia đình tư nhân khởi xướng. Việc giải quyết các vấn đề về bản quyền, tư duy đưa di sản ra công chúng và cách thức thể hiện tầm vóc quốc tế trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của Nhạc sĩ Hoàng Vân là những thách thức lớn. Tuy vậy, thành công của hồ sơ này mở ra tiền lệ quan trọng, cho thấy tiềm năng lớn của Việt Nam trong việc xây dựng hồ sơ di sản tư liệu, không chỉ từ cơ quan nhà nước mà còn từ gia đình, dòng họ, tổ chức, đoàn thể.
Đại diện gia đình, Giáo sư, Nhạc trưởng Lê Phi Phi cảm ơn sâu sắc Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tận tâm hỗ trợ gia đình trong suốt quá trình hoàn thiện và đệ trình hồ sơ. Ông chia sẻ: "Việc bộ sưu tập của cha tôi được UNESCO ghi danh không chỉ là niềm vinh dự cho gia đình chúng tôi, mà còn là một nén tâm nhang thiêng liêng dâng lên cố Nhạc sĩ Hoàng Vân. Chúng tôi hiểu rõ rằng sự tôn vinh hôm nay không chỉ dành riêng cho gia đình mà còn là sự ghi nhận xứng đáng cho nền âm nhạc Việt Nam. Gia đình chúng tôi cam kết tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị di sản âm nhạc của cố Nhạc sĩ, lan tỏa đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế."
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2018) là một trong những tượng đài lớn của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, tác giả của nhiều ca khúc bất hủ như "Hò kéo pháo," "Quảng Bình quê ta ơi," "Bài ca xây dựng," “Người chiến sĩ ấy”… Ông đã có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giao hưởng, hợp xướng, nhạc phim và nhạc thiếu nhi, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ công chúng Việt Nam.