(Thethaovanhoa.vn) - Báo cáo về tình hình ngập lụt do mưa lũ tại khu vực huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến thời điểm này, nước đã có dấu hiệu rút.
- Ứng phó với ngập lụt ở Chương Mỹ: Không có chuyện người dân thiếu nước uống, bị đói
- Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội
- Mưa dông, cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội
Nước đã có dấu hiệu rút
Sáng 1/8, Thủ tướng tiếp tục chủ trì ngày thứ hai của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng 2018 của đất nước.
Tại buổi làm việc sáng nay, báo cáo về tình hình ngập lụt do mưa lũ tại khu vực huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến thời điểm này, nước đã có dấu hiệu rút. Ông Hùng khẳng định, các cơ quan chức năng của thành phố vẫn đang kiểm soát được tình hình tại đây. Thành phố Hà Nội đã tổ chức gia cường và triển khai nhiều biện pháp khắc phục tình trạng ngập lụt, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của bà con nhân dân trong khu vực.
Cũng theo ông Hùng, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt đã tác động lớn đến đời sống nhân dân tại huyện Chương Mỹ. Trước tình hình này, thành phố đã chủ động chăm lo, đảm bảo đời sống người dân. Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội cho người dân khu vực chịu tác động của mưa lũ.
Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo thành phố Hà Nội cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong tháo gỡ khó khăn cho người dân trong vùng bị ngập, lụt. Đặc biệt, thành phố cần chú ý làm tốt hơn nữa việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực bị úng ngập để đảm bảo sức khỏe người dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo cung cấp 5.000 bình nước uống cho người dân ngay trong đêm 30 và sáng 31/7; đồng thời sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân đến nơi an toàn khi nước tiếp tục lên cao.
Theo PV TTXVN, ngày 31/7, trao đổi về thông tin liên quan đến công tác ứng phó với sự cố tràn đê Tả Bùi (Chương Mỹ) và cả dọc tuyến sông, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, không có chuyện người dân thiếu nước uống, bị đói. Ông Phong cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần tuyên truyền đúng sự nỗ lực của địa phương, động viên lực lượng tham gia ứng phó không quản ngày đêm, trong đó nhân dân đã rất chủ động, trách nhiệm tham gia vào chống úng, ngập, gia cố tràn đê Tả Bùi.
Cũng theo ông Phong, việc ngày hôm nay vẫn đưa thông tin, hình ảnh những ngày đầu ngập úng tại khu vực Chương Mỹ mà không cập nhập thường xuyên là chưa chính xác. Trong khi đó, nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn đê chính là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ông Phong cho rằng, thời gian mưa lũ vừa qua có rất nhiều thông tin từ cơ quan truyền thông góp phần tích cực trong việc phòng chống hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều thông tin chưa chuẩn xác, phiến diện, không đúng diễn biến tình hình hoặc sai sót dẫn tới ảnh hưởng công tác chỉ đạo điều hành của thành phố; làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, cũng như sự phân tâm đối với lực lượng tham gia giải quyết hậu quả của thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, theo dự báo năm nay mưa lớn kéo dài, ghi nhận cao hơn đỉnh lũ năm 2008, đe dọa nghiêm trọng đê Tả Bùi, huyện Chương Mỹ. Mưa to đến rất to, mực nước sông Bùi (tại Yên Duyệt hồi 17 giờ 00 phút ngày 30/7 là 7,51m, trên báo động 3 là 0,50m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m) đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân khu vực. Nếu xảy ra sự cố đê Tả Bùi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực trung tâm của huyện Chương Mỹ, cũng như toàn bộ quận Hà Đông, một phần huyện Thanh Oai. Đặc biệt, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nội đô của Thủ đô. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội và huyện Chương Mỹ đã theo sát, chủ động xây dựng kế hoạch, có phương án ứng phó.
Những ngày qua lượng mưa lớn, mực nước dâng cao, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, của nhân dân địa phương đã giữ được đê Tả Bùi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để có được những kết quả đó thì có rất nhiều yếu tố như: Thứ nhất, với phương châm “4 tại chỗ”, huyện và các xã có đê đã xây dựng được kế hoạch chi tiết, cụ thể, sẵn sàng ứng phó kịp thời với tình huống nước vượt báo động 3 sông Bùi. Thứ hai, phát huy được trách nhiệm, sự chủ động của người dân trong việc ứng phó với tràn đê. Thứ ba, phối hợp hiệu quả các lực lượng quân đội, công an cùng tham gia hỗ trợ. Thứ tư, với sự vào cuộc đồng bộ, một mặt đã đảm bảo an toàn đê Tả Bùi, mặt khác vẫn đảm cuộc sống sinh hoạt cho Nhân dân. Huyện đã hỗ trợ, cung cấp các nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt như: Nước uống, lương thực, mì tôm, lương khô…Thứ năm, khi xảy ra sự việc, huyện đã nhận được sự chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, từ thành phố, các sở, ngành, quận, huyện. Trong đó, ngay sáng 31/7, quận Thanh Xuân đã xuống tặng 500 triệu đồng và sẽ xây tặng một trường học tại vùng đê Hữu Bùi trị giá 35 – 40 tỷ đồng, Liên đoàn Lao động thành phố 100 triệu đồng, huyện Thanh Trì 50 triệu đồng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 20.000 chai nước loại 1,5 lít, trị giá 150 triệu đồng, Hapro 500 thùng nước lavie...
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai xã Thanh Bình đã chủ động huy động toàn bộ lực lượng, nhân dân tham gia chống tràn mà chưa cần đến sự hỗ trợ của lực lượng quân đội. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của bà con nhân dân thôn Kim Nê đã không quản ngại khó khăn tích cực chống tràn đê là đáng biểu dương, ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ.
Theo dự báo, diễn biến thời tiết còn nhiều phức tạp, chính quyền cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân cần chủ động di chuyển về người, tài sản đề phòng khi có tình huống nước tiếp tục dâng cao xảy ra để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Phong cũng thông tin, thành phố và huyện đã có phương án, ngay sau khi nước rút sẽ tập trung xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng…và quan tâm đến các trường học để sớm ổn định cho học sinh đến trường. Bên cạnh đó, Hà Nội đã cũng có ý kiến với bộ, ban, ngành Trung ương quy hoạch khu dân cư vùng úng ngập, nhất là nâng cấp đê đảm bảo an toàn trước các diễn biến phức tạp của thiên tai để ổn định đời sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân.
Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo để có những giải pháp tốt nhất cho huyện Chương Mỹ.
Tại đoạn đê Bùi qua thôn Kim Nê, xã Thanh Bình lúc cao điểm có gần 400 người gồm cán bộ, các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể bà con nhân dân thôn Kim Nê đã tham gia hộ đê, đã dùng bao tải đắp chống tràn được hơn 600m đê. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của xã Thanh Bình duy trì toàn bộ lực lượng để túc trực dọc tuyến đê tả Bùi qua địa bàn xã; đồng thời chuẩn bị phương tiện, vật tư và lực lượng sẵn sàng khi có tình huống xấu xảy ra.
Thông tin từ báo Hà Nội mới, tại hội nghị giao ban công tác tháng 7-2018 của UBND thành phố về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, ngày hôm nay 31/7, một trong những nhiệm vụ được UBND thành phố ưu tiên hàng đầu hiện nay là: Tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân.
Triển khai đồng bộ các phương án, bảo đảm đời sống người dân
Báo cáo về tình hình ngập, lụt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Chu Phú Mỹ cho biết, từ ngày 17-7 đến 21-7, trên địa bàn thành phố Hà Nội có lượng mưa xấp xỉ 300mm/h trong điều kiện bất lợi, do lúa vụ mùa vừa cấy xong.
Do mưa lớn ở các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) nên mực nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, tràn toàn bộ hệ thống đê Bùi; một phần đê tả Tích, đê bao sông Tích cũng bị tràn. Trước tình hình đó, Ủy ban Phòng chống thiên tai thành phố đã phối hợp chặt chẽ với huyện Chương Mỹ để tập trung xử lý, không để thiệt hại lớn; di dời dân, cơ sở sản xuất, chăn nuôi...
Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, khu vực Hà Nội tiếp tục có đợt mưa lớn, mực nước sông Bùi, sông Tích tiếp tục dâng cao, mực nước đã cao hơn năm 2008 (cao nhất ngày 30-7 tại sông Bùi là 7,52m, cao hơn báo động số 3 là 1m) và mực nước tràn qua đê tả Bùi, tả Tích.
Trước tình hình cấp bách, đêm 30-7, Sở NN&PTNT đã cung cấp đủ 1 vạn bao cát để 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô đắp đê chống tràn ở đê tả Bùi. Đến sáng 31-7, mực nước tại khu vực tả Bùi đã ổn định (7,42m), xuống được 10 cm nước, nhưng vẫn đáng lo ngại vì nước xuống rất chậm.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tiếp tục khảo sát toàn bộ đê hữu Bùi, hữu Tích và đê bao thuộc các xã của huyện Quốc Oai, Thạch Thất. Nếu nước tiếp tục lên cao, cần thiết Sở sẽ báo cáo UBND thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê tả Tích, tả Bùi không để ngập lụt vào nội đô cũng như cứu trợ đảm bảo cuộc sống người dân.
Sau khi nước rút, Sở NN&PTNT tập trung xử lý sự cố nước tràn đê bởi khi lũ tràn qua mái đê sẽ gây sạt lở ảnh hưởng an toàn đê; xử lý công trình khẩn cấp trên tuyến đê sông Hồng; tập trung đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả; hướng dẫn các huyện đánh giá thiệt hại do các đợt mưa gây ra; tập trung khôi phục sản xuất; xử lý môi trường các khu vực bị ngập.
Với các xã bị ngập, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Sở NN&PTNT, các huyện đã thực hiện công tác cứu trợ, tập hợp nhu cầu thiết yếu để cung cấp kịp thời, bảo đảm đời sống của người dân.
Tập trung phòng chống dịch bệnh
Về công tác phòng chống dịch bệnh trong khu vực bị ngập lụt, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở đã cử đoàn công tác cùng với Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt Hà Đông để tổ chức kiểm tra sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh trong mùa lũ.
Theo đó, đoàn công tác đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời, tăng cường hóa chất cho khu vực lũ; phối hợp khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ với mục tiêu "nước rút đến đâu thì triển khai phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường đến đó".
Thông tin về đời sống người dân vùng ngập, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Khuất Văn Thành cho biết, hiện huyện Chương Mỹ còn 2.408 hộ; hơn 1.900ha hoa màu, hơn 555ha thủy sản bị ngập úng. Huyện Chương Mỹ và các đã chủ động thực hiện cứu trợ hơn 6.300 nghìn thùng mỳ ăn liền, hơn 4.900 thùng nước; 20 tấn gạo và nến. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước, lương khô... cho bà con vùng ngập lụt.
Mặc dù huyện Chương Mỹ đang chủ động hỗ trợ cho người dân, nhưng Sở LĐ-TB&XH cũng đề xuất thành phố cung cấp thêm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân như nước uống, gạo, nến... để bảo đảm cuộc sống người dân vùng ngập lụt.
Tiếp tục ứng trực, ứng phó với mọi tình huống ở Chương Mỹ
Kết luận nội dung này tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị tập trung ứng phó với diễn biến thời tiết khi có mưa lớn, bão lũ. Cụ thể, các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Phúc Thọ khẩn trương giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập lụt.
Hiện tại, huyện Chương Mỹ còn 4 xã, với khoảng 1.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, đây là khu vực nằm trong vùng quy hoạch thoát lũ. Do đó, mặc dù thành phố đã chủ động ứng phó nhưng do lượng mưa lớn nên ngập úng vẫn xảy ra. Trong thời gian tới, các giải pháp để người dân sống chung với lũ như hệ thống cấp nước, nhà cửa, hạ tầng đi lại sẽ được thành phố quan tâm hơn.
Chủ tịch UBND thành phố giao các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố tiếp tục ứng trực, ứng phó với mọi tình huống ở Chương Mỹ. Hiện nước đã rút khoảng 10 cm và đang tiếp tục rút chậm nhưng cần đề phòng tình huống có mưa lớn trở lại để ứng phó tốt hơn nữa.
Các đơn vị đôn đốc cung cấp nước sạch cho người dân, tuyên truyền để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông đi lại. Khi nước rút, Sở Y tế chủ trì, giao Trung tâm Y tế dự phòng thành phố chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, cùng nhân dân tổ chức vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để bùng phát dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm.
Sở Giáo dục Đào tạo chuẩn bị mọi điều kiện, đôn đốc các trường chuẩn bị cho việc khai giảng năm học mới, sẵn sàng đón học sinh nhập học.
Tối 30/7, mực nước đê sông Tích, sông Bùi qua địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, thậm chí có điểm đê xung yếu tới mức cực kỳ nguy hiểm, có thể gây vỡ đê tả Bùi. Tinh thần chống ngập lụt của cán bộ và nhân dân huyện vẫn đang chủ động, hiệu quả, từng bước khống chế dòng nước dù đã và đang có diễn biến phức tạp.
Với tinh thần không chủ quan với mưa lũ, đặc biệt là trước diễn biến thời tiết có thể gây mưa lớn trong một vài ngày tới, ngay chiều 30/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp thị sát một số điểm trọng yếu trên đoạn đê tả sông Bùi, đoạn qua xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ.
Chiều 30/7, tại đoạn đê hữu Bùi (bến Cốc), mực nước đang ở mức rất cao, tương đương mức nước lũ năm 2008 và vượt nhiều so với trận mưa lũ năm 2017. Hàng trăm người dân ứng trực với hàng ngàn bao tải cát, cọc tre, sẵn sàng tham gia chống nước tràn đê. Ông Lưu Hữu Nhân, thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình, sống cạnh đê tả Bùi khoảng 100m cho biết, đêm 29/7, ngay sau khi biết thông tin nước lũ dâng cao, hàng trăm người dân trong khu vực các xã ven đê sông Bùi đã đánh kẻng, đánh trống huy động nhau ra bảo vệ đê. “Không ai bảo ai, khi có thông báo, các thanh niên vác vật dụng hộ đê trong tay, kịp thời có mặt bảo vệ đê”.
Nói về tinh thần huy động sức dân chống ngập, chống lũ, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhấn mạnh, chưa năm nào người dân chủ động như năm nay. Chỉ cần có lệnh là tất cả lực lượng đều có mặt đông đủ và bằng chứng là trong đêm 29/7, hơn 500 người dân đã tích cực, khẩn trương thực hiện các biện pháp chống lũ. Người dân chính là nhân tố quan trọng nhất trong chống ngập, chống lũ và qua đợt lũ này mới thấy được rõ tinh thần đoàn kết, chủ động của người dân.
Ông Hùng cho biết, đối với các xã ven đê hữu Bùi nằm trong quy hoạch vùng xả lũ của thành phố Hà Nội, khi có mưa to, nước ở các nơi tràn về có thể ngập. Tuy nhiên, để người dân chủ động đối phó với mưa lũ, huyện đã thông báo từ rất sớm nên không xảy ra thiệt hại lớn về người và của. Hơn nữa, hàng năm các xã trên đều tổ chức diễn tập phòng chống ngập, nên người dân hoàn toàn chủ động trước các tình huống lũ có thể xảy ra.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, khi bắt đầu mưa lũ, Thường trực Thành ủy, trực tiếp Bí thư Thành ủy chỉ đạo hai đồng chí Phó Bí thư Thành ủy trực tiếp vào kiểm tra, đôn đốc địa phương chủ động khắc phục và ứng phó với mưa lũ. Đánh giá cao cố gắng của người dân và chính quyền địa phương, nhưng đồng chí Chủ tịch vẫn nhấn mạnh hiện nay có hơn 1000 hộ dân ở tình trạng bị ngập sâu. Đặc biệt, đêm 29/7 có 2 trẻ em bị đuối nước, 1 người đánh cá gặp nạn, đây là điều rất đáng tiếc.
Có mặt tại hiện trường khu vực đê tả Bùi, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo cấp thêm 10.000 bao tải để huyện và các lực lượng liên quan tiếp tục đóng bao cát đắp tiếp nâng tuyến đê bao lên thêm 40cm. Việc này phải được tập trung thực hiện ngay trong đêm 30/7. Đồng thời, huyện phải cử ngay một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo thông báo cho các xã kê cao tài sản lên tầng 2, di dời dân đến vùng an toàn đề phòng nước dâng cao.
Đối với vấn đề thiếu thốn của bà con hiện nay là nước sạch, thành phố yêu cầu một số doanh nghiệp hỗ trợ nước sạch phải cấp phát ngay 5.000 bình nước. Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý phải tuyên truyền và kiểm tra ngăn chặn việc người dân đánh cá, nhất là trẻ em đi lại mất an toàn; đồng thời sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân đến nơi an toàn khi lũ tiếp tục lên cao.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo tiếp tục duy trì chặt chẽ 24/24 hệ thống điều hành bằng bộ đàm từ Chủ tịch UBND thành phố tới các lực lượng tại hiện trường.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, các cấp chính quyền địa phương phải tuyên truyền cho người dân hiểu rằng thành phố và huyện không bao giờ bỏ rơi bà con mà một số xã nằm trong vùng phân lũ, cho nên khi lũ lên cao bắt buộc phải xả nước để phục vụ phân lũ, không để xảy ra vỡ đê để tràn vào vùng nội thành. Trên tinh thần đó để người dân nhận thức được và phải chủ động di dời. Các lực lượng phải tăng cường tuần tra, bảo vệ tài sản cho người dân không để mất trộm, mất cắp. Hiện, thành phố đã chỉ đạo dừng toàn bộ hệ thống bơm ở Quốc Oai và Phúc Thọ không bơm vào sông Tích nữa.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sau đợt lũ này huyện phải chuẩn bị mọi phương án để đời sống bà con sớm ổn định, đặc biệt là các cháu kịp cho năm học mới; tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh đối với người dân và gia súc, gia cầm. Đồng thời, các lực lượng theo phân công, đôn đốc thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các phần việc. Ngoài số đèn pin của huyện đã cấp, thành phố tiếp tục bổ sung từ nguồn dự phòng cho các lực lượng tại hiện trường.
Hiện nay, tại Khu đô thị Ecopark đang kè bờ sông Bắc Hưng Hải nên sau đợt này UBND thành phố sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành phố thực hiện kè bằng cừ bê tông dự ứng lực khẩn cấp ngay tại đoạn đê tả Bùi; đồng thời, sẽ tập trung nạo hút lòng sông để khi lũ về thoát nước tốt hơn.
Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ 17h00’ ngày 18/7 đến 11h00’ ngày 30/7/2018 như sau: Tại Chúc Sơn 313mm; Hạ Dục 401mm; Trí Thủy 541mm; Đồng Sương 510mm (trung bình là 441,3mm). Mực nước sông Bùi (tại Yên Duyệt 7,50m hồi 11 giờ 00 phút ngày 30/7/2018, trên báo động 3 là 0,50m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m); mực nước các hồ: Hồ Miễu 39,6/39,5m; hồ Đồng Sương 18,35/18,2m; hồ Văn Sơn 19,75/19,5m. Nước nội đồng khu vực tả Bùi, hữu Đáy ổn định do các trạm bơm liên tục hoạt động, nước tại các khu dân cư và đồng ruộng khu vực hữu Bùi tiếp tục tăng do trên địa bàn có mưa và nước từ Hòa Bình, Thạch Thất, Quốc Oai tiếp tục dồn về. Lũ rừng ngang đã tràn qua các khu vực Tân Mai, Bùi Xá của thị trấn Xuân Mai, Xuân Linh, Bùi Xá của xã Thuỷ Xuân Tiên. Nước dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn của đê hữu Bùi, làm ngập đê Bùi 2 thuộc các xã: Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, đê Ao Đòng – xã Thanh Bình, đê Bối Bạt – xã Tốt Động, gây ngập úng cho hầu hết diện tích canh tác ở vùng hữu Bùi. Hiện nước đã tràn vào nhà 2.349 hộ của 10 xã, thị trấn. Các thôn Yên Trình, Thuần Lương – xã Hoàng Văn Thụ bị cô lập.
Đến 11 giờ 00 phút ngày 30/7/2018 có 1.664 hộ phải cắt điện để đảm bảo an toàn do ngập nước và 04 trạm bơm: Chi Lăng 1, Chi Lăng 2, Hạ Dục, Hoàng Diệu ( bơm tưới ven sông Đáy), nước dâng có nguy cơ ngập máy bơm và tủ điện.
Trước tình hình trên, ngay trưa 30/7, UBND huyện Chương Mỹ đã ra công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị của huyện chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa, lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ban Chỉ huy Quân sự huyện thường xuyên nắm chắc tình hình, chuẩn bị huy động lực lượng, phương tiện hiện có; phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thường trực sẵn sàng ứng cứu, xử lý kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra tình huống đột xuất bất ngờ; tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo kịp thời, chính xác. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện chủ động phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ, mức nước dâng trên sông, trên hồ chứa để chủ động đối phó, hỗ trợ lực lượng sơ tán dân theo phương án đã xây dựng; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình (đặc biệt là công trình đang thi công), hồ đập, công trình thủy lợi, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”...
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, theo thống kê sơ bộ, đã có gần 1.300 ha lúa, hơn 260 ha rau màu, 555 ha nuôi trồng thủy sản, 164 ha cây ăn quả bị thiệt hại do mưa lũ; 170 m2 nhà ở, gần 1.500 m tường bao, 3.300 m đường giao thông bị sạt lở, đổ sập; gần 9.400 m kênh mương hư hỏng, gần 9.500 đoạn đê, hồ, đập bị sạt lở; hỏng 33 cây cầu, đập; chết 339 con gia súc; chết và thất lạc hơn 49.000 con gia cầm; sập đổ gần 4.900m2 chuồng trại…
Đã rất lâu, bà con ở vùng "gánh lũ" cho Thủ đô mới phải đối mặt với tình trạng nước dâng cao như hiện nay. Khó khăn và các nguy cơ vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên có vào đến tận "vùng gánh lũ" mới thấy hết tinh thần chủ động, đoàn kết và sự gắn bó khăng khít giữa chính quyền và người dân trong tình huống khó khăn này. Tin rằng sắp tới dù diễn biến có thể còn "phức tạp" - như nhận định của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thì người dân ở đây vẫn không cô độc vì chính quyền và các lực lượng của thành phố vẫn luôn sát cánh để hỗ trợ và ứng cứu.
Lũ rừng ngang gây tái ngập lụt ở Quốc Oai và Chương Mỹ
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, 2 ngày qua, khu vực TP Hà Nội, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa lớn, gây ra lũ rừng ngang, khiến mực nước sông Tích, sông Bùi tăng nhanh làm tái ngập nhiều khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông ở huyện Quốc Oai và Chương Mỹ; không phải do nguyên nhân Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy gây ngập úng cho ngoại thành Hà Nội.
Tại huyện Quốc Oai, nước lũ tràn qua mặt đê Đồng Lọc, nối liền xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và xã Đông Yên, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội), gây ngập úng trên diện rộng. Nước lũ làm tỉnh lộ 421B thuộc địa bàn xã Cấn Hữu, dài khoảng 500m nối với thị trấn Quốc Oai, bị ngập sâu khoảng 0,5m.
Để ngăn nước lũ tràn xuống vùng hạ lưu, lực lượng chức năng của huyện Quốc Oai và 100 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 đã được huy động giúp dân di chuyển tài sản, sơ tán người dân và chống tràn đê sông Tích. Tuy nhiên, nước lũ rừng ngang tiếp tục dồn về gây ngập lụt trên diện rộng...
Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, do nước lũ rừng ngang dồn về khiến mực nước trên sông Bùi hôm qua tại trạm đo Yên Duyệt vượt báo động III là 0,51cm; 3 hồ chứa: Đồng Sương, Văn Sơn, Miễu làm nhiệm vụ cắt lũ rừng ngang đều vượt ngưỡng tràn.
Do mực nước tăng nên toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp, khu dân cư được tiêu úng trước đó của huyện Chương Mỹ bị ngập trở lại.
Để bảo vệ an toàn đê điều và khu vực nội thành, từ 19h ngày 29-7 đến 17h ngày 30-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ đã huy động 770 cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân thôn Kim Nê, xã Thanh Bình chống tràn 1.100m đê tả Bùi, đoạn cầu Bến Cốc. Bên cạnh đó, hơn 100 học viên của Trường Sĩ quan Đặc công đã tỏa xuống các khu dân cư ngập úng để hỗ trợ nhân dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn…
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, trong ngày 30-7, trên địa bàn thành phố còn 2.730ha sản xuất nông nghiệp bị ngập nước, chủ yếu thuộc địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì... Để tiêu úng cứu lúa, giảm ngập úng khu dân cư, trong ngày 30-7, 5 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 218 trạm, với 485 máy bơm các loại…
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên ngày mai (31-7), các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục xảy ra mưa vừa; khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ xảy ra mưa to; riêng tỉnh Hòa Bình lượng mưa từ đêm 30-7 đến ngày 31-7 phổ biến 50-100mm; khu vực TP Hà Nội có lúc có mưa rào. Dự báo mực nước trên sông Bùi tại trạm đo Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) sẽ đạt trên báo động III khoảng 1m vào sáng 31-7.
Để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra, chiều 30-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 25/CĐ-TƯ yêu cầu thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập úng, lụt, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực ngầm tràn, đường ngập nước, bến đò ngang, đò dọc… để hướng dẫn người dân đi lại; duy trì lực lượng, phương tiện tại chỗ, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn…
Trước đó, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai có Công điện số 24/CĐ-TƯ lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng toàn bộ cửa xả đáy vào hồi 10h ngày 30-7… (Theo Hà Nội mới)
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo ứng phó ngập lụt tại huyện Chương Mỹ
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, chiều 30-7, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với ngập lụt tại địa bàn huyện Chương Mỹ.
Trực tiếp thị sát khu vực đê tả Bùi (xã Thanh Bình), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cấp thêm 10.000 bao tải để các lực lượng đóng bao cát đắp, nâng tuyến đê bao lên thêm 40cm.
Việc này phải được tập trung thực hiện ngay trong đêm; đồng thời chỉ đạo một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp thông báo cho nhân dân các xã kê cao tài sản, di dời dân đến vùng an toàn đề phòng đêm nay tiếp tục mưa, nước dâng cao thêm.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cung cấp 5.000 bình nước uống. Ngay trong đêm nay và sáng mai, các lực lượng của huyện và thành phố sẽ cấp ngay cho các hộ gia đình. Chủ tịch UBND thành phố lưu ý chính quyền các địa phương phải tăng cường tuyên truyền và kiểm tra, ngăn chặn việc người dân đi đánh cá…; đồng thời sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân đến nơi an toàn khi nước tiếp tục lên cao.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, trong 24/24h phải duy trì hệ thống điều hành bằng bộ đàm từ Chủ tịch UBND thành phố tới các lực lượng tại hiện trường để kịp thời xử lý các tình huống, bảo đảm an toàn cho tuyến đê (Theo Hà Nội mới).
Hà Nội chủ động ứng phó với mực nước nhiều sông tăng nhanh
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, trưa 30/7, mực nước nhiều sông chính và nội địa, hồ chứa lớn tại Hà Nội đang lên cao.
Trong đó, nhiều sông, hồ có mực nước vượt ngưỡng thiết kế và gây ra 14 sự cố đê điều, công trình thủy lợi trên các tuyến đê sông: Hồng, Tích, Bùi, Nhuệ, Đáy thuộc địa phận các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh…
Do ảnh hưởng của bão số 3, nước đã tràn qua đê sông Bùi khiến các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) ngập cả tuần. Trước nguy cơ nước tràn qua đê sông Nứa, sáng 30/7, hàng trăm người dân và lực lượng chức năng đã được điều động tham gia đóng bao cát để gia cố mặt đê. Nếu nước tiếp tục tràn đê sông Nứa, các xã Thanh Bình, Trung Hòa ở vị trí cao hơn cũng đối diện với ngập úng.
Hiện nay, mưa bão đã gây ra sự cố trên đê hữu Bùi, thuộc địa phận xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ), xuất hiện cung sạt dài 30m, ăn sâu vào mặt đê khoảng 0,5m; sự cố sạt lở kè Đông Quang làm đổ tường rào, nứt công trình phụ của một hộ dân ở xã Đông Quang (huyện Ba Vì)… Hiện các sự cố trên đã được lực lượng chức năng của địa phương xử lý ngay từ giờ đầu. Riêng với sự cố kè Đông Quang, huyện Ba Vì, đã di chuyển người và tài sản của một gia đình ở xã Đông Quang ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng…
Trong số các sông chính, hiện mực nước sông Đáy ở trạm thủy văn Ba Thá (Ứng Hòa) đang ở trên báo động II 0,05m. Đối với các sông nội địa, hiện mực nước sông Nhuệ tại trạm Đồng Quan trên mức báo động I, sông Tích tại trạm Kim Quan trên mức báo động II, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt trên mức báo động III.
Trong khi đó, mực nước của 5/13 hồ chứa lớn trên địa bàn thành phố cũng đang vượt ngưỡng thiết kế. Cụ thể là các hồ: Kèo Cà, Quan Sơn, Văn Sơn, Miễu và Đồng Sương. Bên cạnh đó, hồ Tân Xã, cũng đang có mực nước ngang mức thiết kế.
Trong ngày 29/7, năm doanh nghiệp thủy lợi của thành phố tiếp tục vận hành 211 trạm với 535 máy bơm tiêu úng cứu lúa, hoa màu và giảm ngập khu dân cư. Tuy nhiên, do ngày 28 và 29/7, khu vực thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, tiếp tục xảy ra mưa lớn nên mực nước sông Tích, Bùi dâng cao, vượt báo động II và III.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, đợt mưa lớn đang xảy ra ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội sẽ kéo dài đến hết ngày 1/8. Thực tế này khiến các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì… đứng trước nguy cơ gia tăng diện tích bị ngập úng trong những ngày tới.
TTXVN
Tags