Thất bại 0-4 trước U17 Nhật Bản chưa làm tắt cơ hội đi tiếp của đội bóng trẻ do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt nhưng nó cũng phản ánh một vấn đề, đó là khả năng thành công của các đội tuyển Việt Nam ở sân chơi châu lục không còn nhẹ nhàng nữa, thậm chí mọi thứ còn khó khăn hơn trong tương lai nếu chúng ta không có những thay đổi mạnh mẽ ở các tuyến U.
1. Theo điều lệ giải, chỉ cần thắng Uzbekistan ở lượt trận cuối cùng diễn ra vào ngày hôm nay, 23/6, thì U17 Việt Nam sẽ vào vòng sau, tiếp cận đến tấm vé dự U17 World Cup. Đó là một nhiệm vụ không phải bất khả thi nhưng có thể là rất xa tầm với.
Thông thường, ở các kỳ giải U có chức năng tuyển chọn các suất dự World Cup thì các nền bóng đá hàng đầu châu lục đều đưa đội hình mạnh nhất đến dự giải. Các cầu thủ trẻ này sẽ đến từ các CLB chuyên nghiệp, trong khi ở những kỳ giải không có yếu tố tranh suất chất lượng đội hình sẽ thấp hơn. Ví dụ như Nhật Bản, có kỳ họ toàn đưa đội tuyển học sinh đi đá, hoặc giải U23 thì cử cầu thủ 18-20 đi dự. Nghĩa là họ không quan tâm đến các thành tích ở tuổi U, ngoại trừ bắt buộc phải đạt được mục đích dự World Cup.
Điều này có nghĩa là thất bại 0-4 trước Nhật Bản phản ảnh chính xác năng lực đôi bên. Người Nhật bắt buộc thắng và phải thắng đậm vì họ chưa bảo đảm suất vào vòng kế tiếp do bất ngờ bị Uzbekistan cầm hòa ở trận đầu tiên. Chính kết quả ấy mới là điều đáng mừng cho bóng đá Việt Nam.
Chuyện chúng ta thua Nhật Bản là bình thường, thua đậm, cũng chẳng phải là chuyện to tát. Điều quan trọng là phải nhìn nhận những thất bại ấy như kiểu một mục tiêu chứ không phải đơn thuần là vấn đề thắng – thua. Mục tiêu của chúng ta là xác định được các khoảng cách, sau đó mới tính đến chuyện thu hẹp. Còn việc có cân bằng được hay không thì nó là kết quả sau cùng và chỉ có thời gian mới trả lời được.
Nói như vậy để có sự tỉnh táo khi đánh giá trận đấu với Uzbekistan sắp tới. Đây là nền bóng đá có khoảng cách không lớn với Việt Nam. Ở tầm U23 hay đội tuyển, chúng ta có thể "đá được" với họ. Tuy nhiên, trường hợp của Uzbekistan cũng giống như Thái Lan, tức là trên Việt Nam một chút và dưới nhóm Big 5 của châu Á (Saudi Arabia, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Australia) một chút. Chúng ta có thể chấp nhận được trận thua đậm trước U17 Nhật Bản, nhưng nếu cầm hòa hay thắng Uzbekistan thì sẽ là mục tiêu.
2. Như đã có lần đề cập, cách chúng ta đặt mục tiêu, đầu tư cho những đội U17, U19 sẽ phản ảnh được chiến lược của giấc mơ World Cup và đó là câu chuyện của 10 năm, 20 năm. Tại sao chúng ta không nói về hiện tại? Đơn giản là vì V-League của chúng ta chưa thật sự ở đẳng cấp châu Á. Một đội tuyển dự World Cup thì phải dựa trên nền tảng sức mạnh của giải vô địch quốc gia, hay chính xác hơn là hệ thống chất lượng CLB nhà nghề.
Loại trừ những câu chuyện về kỳ tích, cổ tích thì công thức chung của các nền bóng đá dự World Cup là giải đấu cấp CLB phải mạnh. Căn cứ vào yếu tố này, đừng vội kỳ vọng là bóng đá Việt Nam sẽ dự World Cup sớm khi mà V-League vẫn chưa tạo được dấu ấn nào ở đấu trường AFC Champions League. Hãy thực tế về chuyện này.
Nên điều dễ dàng hơn, chính là đặt trọng tâm vào những tuyến U. Khi chưa thể thay đổi chất lượng và đẳng cấp của một giải đấu thì cần thay đổi chất lượng con người. Các đội U càng thu ngắn khoảng cách với châu lục thì khi họ trưởng thành, sẽ bù đắp được điểm yếu của giải VĐQG.
Điều này cũng tương tự như "chiến lược xuất ngoại" vậy, lấy việc phát triển con người làm trọng tâm trong khi chờ đợi V-League sẽ tiến bộ. Cứ lấy ví dụ về lứa cầu thủ dự U20 World Cup và giải U23 châu Á thì rõ. Khi họ tiếp cận được đỉnh cao ở tuổi U thì ít hay nhiều, chúng ta cũng có một đội tuyển chất lượng cao.
Thực tế cho thấy ở tuổi U, chúng ta vẫn còn khoảng cách xa với Nhật Bản. Nghĩa là chúng ta chưa tiến bộ quá nhiều dù các đội U hiện đã thường xuyên dự Asian Cup trẻ. Điều này buộc các nhà quản lý ở VFF phải tìm cách cải tiến hệ thống thi đấu các giải trẻ, một nhiệm vụ dễ hơn nhiều so với "ép" V-League phải dùng các cầu thủ U.
3. Trở lại với "mệnh lệnh phải thắng" ở trận đấu trước Uzbekistan. Một lần nữa, hi vọng HLV Hoàng Anh Tuấn đã chọn điểm rơi cho các học trò của mình ở trận đấu này nên thất bại 0-4 trước Nhật Bản không làm suy sụp tinh thần các cầu thủ. Không chỉ là đối thủ có thể thắng, quan sát các cầu thủ Uzbekistan thi đấu, họ vẫn còn non kinh nghiệm.
Bóng đá đất nước Trung Á cũng không có hệ thống thi đấu trẻ phát triển. Cầu thủ của họ chủ yếu phát triển từ bóng đá học đường. Trận cầu gần nhất, dù đặt mục tiêu phải thắng Ấn Độ bằng mọi giá nhưng phải đến phút 81 Uzbelistan mới có bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Đây là một chi tiết đáng chú ý, vì họ cầm hòa Nhật Bản cũng nhờ bàn thắng muộn ở thời gian tương tự. Điều này đồng nghĩa Uzbekistan có nền tảng thể lực rất tốt trong khi các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn thì ngược lại.
Về cơ hội thì 2 bên cân bằng, nhưng xét về các yếu tố phụ, thì U17 Việt Nam đang bất lợi hơn khi đối thủ chỉ cần một trận hòa. Tình huống này gần giống với đội U20 cũng cho HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt đá giải châu Á hồi đầu năm.
Sẽ cần một lựa chọn khôn ngoan và thực dụng hơn từ nhà cầm quân người Khánh Hòa trong trận đấu này, nhưng như đã nói, mục tiêu lớn nhất của chúng ta là phải thu hẹp khoảng cách chứ không phải cố gắng thắng bằng mọi giá tại sân chơi U17. Dù sao đi nữa, công bằng mà nói, bóng đá Việt Nam đã và đang "vét" hết mọi vốn liếng của mình trong khoảng 5 năm trở lại đây. Chúng ta chưa hoàn toàn xuống dốc nhưng cũng không chưa biết lúc nào quay trở lại đỉnh cao. Cứ nhìn vào danh sách U17 Việt Nam thì biết, 40% cầu thủ trong tay ông Hoàng Anh Tuấn đến từ các đội bóng không đá ở V-League và chủ yếu là "quân" từ các lò đào tạo trẻ. Đây là hệ quả của việc giải U17 quốc gia vốn không được các CLB chuyên nghiệp mặn mà tham gia…
Tags