U17 Việt Nam là 'ngọn lửa ấm' trong 'mùa đông lạnh' của bóng đá Việt Nam

Thứ Ba, 29/10/2024 13:15 GMT+7

Google News

Trong bức tranh chung có phần lạnh lẽo của bóng đá Việt Nam, việc U17 Việt Nam giành vé dự giải châu Á là ngọn lửa ấm tạm xua đi lạnh giá của đêm mùa Đông.

Đã bao lâu rồi mới có một đội tuyển Việt Nam đem niềm vui đến cho người hâm mộ?

Đó hẳn không phải đội tuyển Việt Nam của HLVPhilippe Troussier hay cả HLVKim Sang Sik, vốn đang chật vật đi tìm bản ngã mới của mình. Đó không phải U23 Việt Nam đã thua ở SEA Games và dừng bước tại tứ kết giải châu Á. Đó càng chẳng phải U20 Việt Nam vừa mất vé dự giải châu Á hồi tháng trước. Tấm vé của U17 Việt Nam dù nhọc nhằn vẫn là niềm vui hiếm hoi mà một đội tuyển Việt Nam mang tới thời gian qua.

Tấm vé ấy đảm bảo cho lứa U17 một vé dự giải châu Á, đồng thời mở ra cơ hội đi U17 World Cup trong bối cảnh giải đấu nâng số đội tham dự từ 16 lên 24. Tấm vé ấy đảm bảo lứa cầu thủ này sẽ được chơi, được trải nghiệm ở các sân chơi hàng đầu. Từ đó, họ sẽ có cơ hội tiến bộ, duy trì được mạch kết nối mà mới đây đã bị chững lại sau việc U20 Việt Nam không giành được vé tới giải châu Á.

Trong những ngày u ám của bóng đá Việt Nam, tấm vé từng là đương nhiên ấy giờ cũng mang tới sự động viên.

Bối cảnh U17 Việt Nam giành được tấm vé ấy cũng thật thú vị. Đội bóng của HLV Cristiano Roland tưởng như đã hết hy vọng khi bị Kyrgyzstan cầm hòa ngay lượt trận mở màn bảng I vòng loại U17 châu Á 2025. Kết quả ấy cộng với chiến thắng hủy diệt 6-1 của Yemen trước Myanmar đồng nghĩa U17 Việt Nam nhiều khả năng phải tranh vé đi tiếp với tư cách một trong những đội hạng nhì.

U17 Việt Nam và ngọn lửa ấm… - Ảnh 1.

Lâu lắm rồi mới có một đội tuyển Việt Nam đem tới niềm vui cho người hâm mộ ở sân chơi quốc tế. Ảnh: Kim Như

Đó không hề là con đường U17 Việt Nam muốn đi với tư cách đội chủ nhà. Hướng đi ấy cũng gợi mở dự cảm không lành bởi trước đó chỉ một tháng, U20 Việt Nam phải tranh vé theo cách tương tự và đã thất bại.

Dự cảm ấy chưa hề giảm đi sau lượt trận 2. U17 Việt Nam chỉ thắng Myanmar 2-0 trong khi Kyrgyzstan gây ấn tượng bằng trận thua sát nút 2-3 trước Yemen. Với U17 Việt Nam lúc này, giành ngôi nhì bảng cũng khó chứ chưa nói tới chuyện hiệu số.

Ấy vậy mà điều thần kỳ đã diễn ra. Kyrgyzstan vổn rất mạnh ở 2 lượt đầu bỗng sảy chân tại trận cuối. Đội bóng Trung Á thậm chí đã dẫn Myanmar đến tận phút 86. Nhưng 2 bàn thua ở cuối trận bất ngờ đẩy họ xuống vị trí cuối bảng. Myanmar, bại tướng của U17 Việt Nam, bất ngờ có được vị trí thứ 3.

Kết quả gây sốc ở trận đấu lúc 16h lập tức làm thay đổi tính toán của Yemen và Việt Nam, vốn ra sân vào lúc 19h. U17 Yemen mở tỷ số trước nhưng đội trưởng Lê Huy Việt Anh ghi bàn gỡ hòa cho U17 Việt Nam. Bất chấp những tranh cãi về lối chơi của 2 đội ở hiệp sau, U17 Việt Nam và Yemen đều đã đạt được mục tiêu. Yemen dẫn đầu, U17 Việt Nam nhì bảng I, đồng thời xếp nhì trong các đội hạng hai có thành tích tốt, hiên ngang giành vé tới Saudi Arabia vào năm sau.

Đây là thắng lợi chiến lược, quan trọng cả với U17 và VFF. Chiến lược của VFF khóa IX là "Các đội tuyển trẻ thường xuyên tham dự VCK các giải trẻ châu Á". VFF tin rằng khi chưa thể vươn tới đẳng cấp châu Á, việc liên tục được cọ xát, thi đấu với các đối thủ này là yêu cầu tiên quyết. Qua đó, các đội tuyển Việt Nam sẽ từng bước tiến bộ và ngày nào đó sẽ chạm tới đẳng cấp của họ. Ý nghĩa của việc U17 hay U20 phải dự giải châu Á là vậy.

Nhiệm vụ này với U17 Việt Nam đã hoàn thành, cả nhờ thực lực lẫn may mắn. Điểm sáng hôm nay có thể mở đường cho bước phát triển rực rỡ hơn của lứa cầu thủ này trong tương lai.

Thanh Hà

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›