(Thethaovanhoa.vn) - Đúng một thập kỷ sau khi gia nhập Man United từ Everton, Wayne Rooney có thể sẽ sớm trở thành chân sút xuất sắc nhất mọi thời ở Old Trafford. Nhưng đến tận lúc này, chẳng ai rõ, Rooney là "của nợ" hay "của quý" của Quỷ đỏ!
Rooney đã ghi 218 bàn trong 446 trận ra sân, chỉ còn kém Denis Law 19 bàn và kém kỷ lục mọi thời của Sir Bobby Charlton 31 bàn. Law, vị "vua" của Stretford End, ghi số bàn đó chỉ trong 404 trận, trong khi Charlton cần tới 759 trận.
Dù Louis van Gaal, HLV Man United hiện giờ, coi Radamel Falcao là một tiền đạo đáng tin cậy hơn, nhưng việc ông vẫn sử dụng Rooney cho vị trí số 10, như ở các trận gặp West Ham và Leicester City mới đây, là đủ để Wayne vượt qua 2 người tiền bối từng là thành viên của “bộ ba thần thánh” tại Man United. Người kia, George Best, đã bị Rooney vượt qua về số bàn thắng cho "Quỷ đỏ" rồi.
“Vì Rooney sinh ra ở Liverpool”?
Một bức tượng Law hiện đang đứng ở phần mái che trước khi vào sân bên phía khán đài Stretford End, trong khi một quần thể tượng của bộ ba, đều từng giành Cúp C1 khi chơi cho Man United, đứng sừng sững bên ngoài Old Trafford. Không có gì bảo đảm Rooney sẽ nhận được vinh dự tương ứng.
Charlton suốt cả sự nghiệp chỉ chơi cho một đội bóng. Giống như Ryan Giggs, người đang giữ kỷ lục về số trận ra sân cho CLB, Charlton là cậu bé, và người đàn ông của Quỷ đỏ. Ở tuổi 76, ông vẫn là Giám đốc, đại sứ và một nhân vật cực kỳ quan trọng với đội bóng, người mà Ed Woodward, Phó Chủ tịch điều hành vẫn thường xuyên hỏi ý kiến trước các quyết định quan trọng. Charlton đơn giản là một huyền thoại, và Giggs, với những bê bối đời tư, cũng thế. Nhưng Rooney? Trong mắt các CĐV áo đỏ, có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ ở cùng một đẳng cấp với Charlton và Giggs.
Sinh ra ở Liverpool là điều anh không thể lựa chọn, nhưng những lựa chọn sau này của anh, khi Rooney hai lần yêu sách đòi rời CLB, đã chống lại anh. Thật ra, Man United đã biết tới Rooney từ lâu trước khi anh nổi lên ở Everton. “Chúng tôi đánh giá nhiều yếu tố khi tiếp cận một cầu thủ trẻ” - Brian McClair, Giám đốc đào tạo trẻ của Man United - nói. “Có những người có tốc độ tốt, kỹ thuật tốt hoặc thái độ tốt. Chúng tôi cũng đánh giá rất cao việc họ có biết cư xử hay không. Nếu họ là những kẻ quậy phá năm 14 tuổi, thì tới đây năm 16 tuổi chẳng có ích gì cho ai, vì họ sẽ gây ra bất ổn cho những người khác. Nếu họ tài năng nhưng không biết cách cư xử, họ không thể trở thành cầu thủ giỏi. Rất hiếm khi bạn có được một cầu thủ với tất cả những điều đó, một người đặc biệt. Và chúng tôi có một người như thế: Wayne Rooney”.
Với lòng tin đó từ đội bóng, Rooney suýt nữa đã gia nhập Man City năm 2010. Hay theo lời những người ủng hộ anh, đó là chiêu trò của Sir Alex Ferguson để giữ lại cầu thủ giỏi nhất của ông lúc bấy giờ, một năm sau khi đã bán đi Cristiano Ronaldo.
3 năm sau, quan hệ giữa Rooney và Ferguson thật sự đổ vỡ, và lần này anh lại đòi ra đi, nhưng ngay cả ở những thời điểm mà tiếng tăm của anh xuống thấp nhất, Rooney vẫn có người ủng hộ. “Tôi rất ngưỡng mộ Wayne”, HLV thủ môn Eric Steele nói tháng 8/2013. “Khi các CĐV đòi bán anh ấy đi, họ nên nhớ lại những bàn thắng của anh ấy. Chúng tôi đã sắp thua ở trận chung kết Champions League 2011, rồi Wayne ghi bàn. Hãy nhớ lại xem ai là người vực CLB dậy khi Robin (van Persie) trải qua 9 trận không ghi bàn (mùa 2012-13). Đó là Wayne”.
Tại sao mối quan hệ lại xấu đi?
“Wayne có phần kiêu ngạo và rất thẳng tính, nhưng anh ấy luôn muốn ra sân trong mọi trận đấu kể từ khi mới 17 tuổi”, Steele giải thích. “Tôi cho rằng anh ấy muốn những thử thách mới, và điều đó có gì sai? Anh ấy đã giành được mọi danh hiệu ở đây, với Man United. Mà thật ra, anh ấy cũng chưa bao giờ thực sự nói rằng mình muốn ra đi, nhưng vẫn phải nhận rất nhiều chỉ trích”.
Không sai, Wayne không thực sự nói anh muốn ra đi, nhưng những người cố vấn cho anh, nhất là tay cò Paul Stretford, đã gần như công khai điều đó. Các đồng đội của Rooney cũng nghĩ anh muốn ra đi. “Nếu anh ấy ra đi, anh ấy sẽ đến trước máy quay và giải thích điều đó”, Steele khẳng định. “Nếu anh ấy không làm thế, tức là anh ấy sẽ không đi đâu. Và mỗi khi anh ấy ghi một bàn đẹp mắt, hay trong một trận đấu lớn, những chỉ trích lại bị dập tắt. Đối thủ sẽ rất vui mừng nếu anh ấy rời Man United”.
Những gì xảy ra sau đó đầy kịch tính, một ví dụ về việc thế giới thực khác với thế giới trên mạng ra sao. Man United chơi trận Premier League đầu tiên của họ dưới thời HLV David Moyes trong một buổi chiều mưa ở Swansea tháng 8/2013. Rooney không đá chính, nhưng khi anh bắt đầu khởi động để vào sân thay người trong hiệp 2, một cảm giác bối rối lan trên phần khán đài đội khách, rồi vài tiếng vỗ tay lẻ tẻ vang lên. Rất rõ ràng, trên mạng, người ta chửi bới anh không ra gì, nhưng khi anh khoác lên người chiếc áo đỏ và bước vào sân, phản ứng hoàn toàn ngược lại.
Trong trận đấu đấu đó, Rooney đã chơi ảm đạm không kém thời tiết tại xứ Wales, nhưng không ai phàn nàn, không ai huýt sáo hay la ó. Các đồng đội cũng rất sẵn lòng hỗ trợ anh, như thể những gì xảy ra hồi mùa Hè 2013 là ở một thế giới khác. Steele đã có lý. Chừng nào Rooney còn ghi bàn, các CĐV Man United sẽ còn hát bài hát “Pele trắng” quen thuộc mà họ vẫn dùng để ca ngợi anh bao nhiêu năm qua.
Rốt cuộc, Rooney ký một hợp đồng mới với CLB cùng khoản tiền lương khổng lồ, và khi Moyes bị sa thải, Van Gaal tới, trao cho anh băng đội trưởng. Ở tuổi 28, trong khi những kỹ năng của Rooney không còn như xưa, tầm ảnh hưởng của anh đã trở nên lớn hơn. Chắc chắn vẫn còn nhiều người yêu mến anh ở Man United, áo đấu với tên Rooney vẫn bán chạy nhất ở Old Trafford mùa vừa rồi, và anh thậm chí nhận được những tràng pháo tay, thành thật, không phải mỉa mai, khi rời sân sau chiếc thẻ đỏ có phần ngớ ngẩn ở trận gặp West Ham thứ Bảy vừa rồi.
Rooney có thể sẽ không bao giờ là một Charlton hay Giggs ở Old Trafford, nhưng chắc chắn là anh không thua kém họ bao nhiêu, chừng nào anh còn ghi bàn. Chỉ có điều, Rooney khó lòng được dựng tượng ngoài cửa sân Old Trafford, vì anh vẫn chưa thực sự là biểu tượng!
Trần Trọng
Thể thao& Văn hóa
Tags