"Dọn mình" từ cuối mùa Đông bằng những bài thơ đón Xuân khi lòng vẫn luyến lưu năm cũ. Tiếc thời gian lắm, nên tôi không khi nào mong Tết đến mau. Chưa bao giờ tôi thấy năm qua nhanh như 2022. Một con hổ thu mình cho bước nhảy vụt như mũi tên đoán được hướng lao mà không cách nào tránh nổi. Đông đến muộn vì chờ lâu mới có ngày giá lạnh, mà năm thì mau. Năm 2023 là chú mèo tinh anh đã đến ngay bậc cửa.
1. Mỗi mùa đều ẩn hiện vẻ đẹp riêng, đem lại cảm xúc, cảm hứng cho toàn cầu, những kỷ niệm cho nhân loại. Mùa đầu tiên nhiều tên gọi nhất.
Một xu hướng, bộ phận không thích Tết cổ truyền, cho rằng mệt, tốn kém tiền - thời gian - phiền phức. Còn tôi, thích Tết, vì nhiều lẽ: Con còn nhỏ (muốn vui cùng con, tạo ký ức thơ ấu cho con); tâm hồn đương diệp lục. Và hơn hết, tôi thích Xuân như mùa thi ca. Sống cả mùa thứ 5 cho thơ thì đâu nệ mùa đầu mới phún chồi thi hứng; song sự lan tỏa ánh sáng phương Đông và phương Tây coi Xuân là mùa của các nhà thơ, khiến tôi nhận cảm: Xuân sẽ thiếu phong vị nếu thiếu thơ và mơ ước!
Thật may, khi Việt Nam còn giữ phong tục Tết Nguyên đán cổ truyền theo nguyệt lịch. Có Tết, tình người ấm hơn, tình đời đẹp hơn. Vẻ đẹp nhân văn của Tết là lời chúc từ tâm thế lạc quan, từ lòng sẻ chia, trao tặng, sự quan tâm ấm áp cộng hưởng toàn xã hội.
Có Tết, là nuôi giữ được những tinh hoa ẩm thực, văn hóa, mỹ tục trao truyền. Đón Tết, đâu chỉ mua sắm mọi bề dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng không gian lớn nhỏ, tân trang nhan sắc, phục sức đầu tư...Mà đón mùa mới, năm mới, Xuân mới, tuổi mới, cần tinh thần - tư duy - sinh khí mới.
2. Chẳng thể nào "hóa thân" thành cô Nga trong thơ Nguyên Sa "Như con mèo ngái ngủ trên tay anh" với một người triền miên đói ngủ. Ngủ ít, nàng nhiều giấc mơ. Nàng gửi vào thơ qua 27 năm. Nàng cùng thơ đi qua tuổi trẻ. Sống thơ, tôi góp mạch hồng cầu chữ vào phong vị Tết Việt để duy trì đặc sản tuyệt vời: Thơ và báo Tết. Báo Tết (tính mọi loại hình nhé: Giấy, điện tử, truyền hình, phát thanh) là bữa tiệc nghệ thuật của thi ca, văn chương, họa, ảnh, nhạc. Nổi bật nhất là thơ Xuân và tranh con giáp.
Tết truyền thống phổ thời khóa biểu trường mầm non. Con trai tôi năm nào cũng được gói bánh chưng và nhận bánh trước ngày ông Táo. Trường Anh quốc tổ chức chợ quê chiều 11/1 và dạy các cháu về mâm ngũ quả 13/1. Còn Tiểu học Dịch Vọng B của con gái tôi thì dành cả ngày thứ Hai, 9/1, cho chuỗi hoạt động đặc sắc: Sáng - chương trình văn nghệ chào Xuân, tặng quà cho học sinh nghèo; chiều - phiên chợ Tết mở cho tất cả cha mẹ, người thân của học sinh, mà tiền thu được sẽ giúp trẻ khó khăn nơi miền núi còn thiếu thốn. Các học sinh nam nữ được khuyến khích mặc áo dài dân tộc, xúng xính háo hức mà bậc sinh thành vui lây, tạm quên lắng những lo toan, gánh nặng.
Quê, phải là chợ quê thì mới sôi nổi không khí rộn ràng vì chan hòa tương tác, từ cách bài trí đến bán mua, chợ quê vui hơn siêu thị nhiều lần.
3. Tết đến từ ngày lạnh nhất. Xuân tới ngay khi chúng ta hy vọng ở ngày mai chứ đâu phải chờ chuông điểm 0 giờ vật lý đồng loạt triệu triệu đồng hồ. Tình yêu lớn nhất chính là tình yêu sự sống. Không thể tiến về phía trước mà không niềm tin ở ngày mai. Không thể đến "Ga Tương lai", ga xép gần hay ga lớn xa, nếu thiếu hành lý ký ức.
Sở hữu bộ nhớ tốt, nào chỉ nhờ gen, thiên bẩm, mà còn bởi sức nhớ, bảo vệ bộ nhớ bằng cách biết quên. Trong cuộc sống nhiều áp lực này, chúng ta cần tự thẩm lọc khắt khe và liên tục. Lắm công việc, trĩu gánh trách nhiệm dễ quá tải, bỏ sót, quên hoặc khó chu toàn mọi mặt. Đôi khi cần "tập lơđãng" mảng này, chi tiết nọ để tập trung cao độ vào một kế hoạch, dự án hay có thể chỉ là chuyên chú cho một món ăn, một tiết mục, một tác phẩm.
Sân khấu thế giới định giờ mở màn, suất diễn; còn sân khấu đời thì liên miên. Lúc ngủ, có lẽ là thời gian duy nhất người ta được tạm quên guồng quay khốc liệt, nhọc mệt bộn bề, gác lại các vai mình phải sắm mỗi ngày. Thời gian ngủ dài không phải lý tưởng, cần chất lượng ngủ, ngủ sâu và ngon thì không ác mộng, mơ ít và thậm chí không mơ, hay có mà quên nhanh. Tôi coi ngủ ngon là khi mơ đẹp.
Giấc mơ đẹp không nhất thiết phải chuẩn bị bối cảnh căn phòng đẹp, thơm giữa không gian thơ mộng. Giấc mơ đẹp sẽ đến khi ta hằng nuôi ý nghĩ và chờ đón. Đấy không chỉ là tái hiện vô thức trên vỏ não hay phân tâm học của S.Freud (1856 - 1939), mà là cuộc "mix" kỳ ảo của linh giác. Thật ấm áp và xúc động khi được gặp lại người ta mong gặp; được hội ngộ ông bà thương nhớ; thấy lại chính ta ngày thơ ấu.
Con đường trở lại những ngày đẹp đẽ là con đường mơ trong hành trình thơ.
Giấc thơ thức động theo từng giây tha thiết sống.
24 giờ/ngày không đủ cho những ai ham việc. Ham lao động, khát khao sáng tạo, cống hiến khác sự vô đáy của lòng tham. Tôi vẫn ước giờ thứ 25. Và dã sử có giờ đó, tôi cũng biết mình không thể không nghĩ về thơ.
4. Thơ, có phải chỉ là công phu khám phá và tạo nên vẻ đẹp tiếng Việt với 24 chữ cái đâu. Thơ, là mắt trong đỡ hạt sương hôn búp hồng. Thơ, vòng tay đỡ những đau thương số phận. Thơ, cánh vỗ vượt bụi bặm u tối ác tàn bi kịch. Thơ - xuyên không mọi chiêm bao ẩn hiện của mọi lịch sử trong lịch sử loài người. Thơ, là bài ca bất tận của tâm hồn.
Tôi làm thơ suốt cuộc đời mình, không khi nào cần ghi đề tặng cụ thể ai khi đăng tác phẩm. Xuất bản tác phẩm là dành cho độc giả, và họ không chỉ đọc thơ, mà thơđọc họ, tôi đọc chính mình.
Xuân là bài thơ lớn, cho thế giới nhiều nhan đề. Mùa sinh sôi, mùa hoa, mùa hội hè, mùa đoàn tụ, mùa hy vọng, mùa ký ức, mùa tương lai... như muôn dòng ánh sáng quang hợp qua mọi giác quan chúng ta. Mùa định nghĩa lại màu xanh bằng sức sống của cây cỏ ở mọi hoàn cảnh đều bật chồi trổ lá nở hoa. Mùa định nghĩa lại yên tĩnh bằng buối sáng đầu năm thiêng liêng trinh bạch. Mùa tăng tuổi cho vạn vật, tung hiệu lệnh xuất phát cho hành trình mới, cho mọi khởi đầu. Mùa cho ta thêm trải nghiệm, làm lành nguôi các vết thương và cũng bồi phù sa của đợi chờ điều đẹp đẽ phía trước. Một phía trước bất ngờ ánh sáng hân hoan sẽ bắt đầu từ khoảnh khắc đếm ngược, dám ngược dòng, dám quả cảm, tận lực hiến dâng.
Xuân là quê hương. Chương trình Xuân quê hương tổ chức hằng năm dịp cuối tháng Chạp đón Tết cổ truyền của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức, dành cho kiều bào, luôn hội tụ đầy tầng ý nghĩa cho những người con nước Việt xa Tổ quốc. TS Đinh Thanh Hương bạn tôi, người con gái quê gốc cố đô Ninh Bình, cựu SV trường ĐH Thương mại Hà Nội trúng học bổng sang Pháp từ năm 2000. Hương cùng chồng – GS-TS Nguyễn Đức Khương (đồng môn, cựu Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp) - tích cực hoạt động cho khoa học, trí thức Việt Nam tại Pháp, hỗ trợ chồng thành công khi sáng lập và Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp.
Sống 23 năm tại Paris, họ không nhập quốc tịch Pháp. Cuối mùa Hè 2022, Hương sinh con trai thứ 5 tại Paris. TS Kinh tế Đinh Thanh Hương, tuổi 45, bà mẹ của 5 con trai, vừa dự chương trình Xuân quê hương, với thôi thúc dự định làm cho đất nước. Đón Tết Quý Mão ở Việt Nam là món quà gia đình Hương - Khương mừng tuổi mình và đội "5 chàng trai trẻ".
5. Bây giờ, trước ngày bận nhất, quan trọng nhất năm, ngày Tất niên, tôi hồi hộp tỏ tình bằng im lặng.
"Im lặng là cuộc trò chuyện của những người yêu nhau. Điều quan trọng không phải là những gì được nói, mà là những gì không cần phải nói".
Albert Camus (1913 - 1960) khẳng định thế. Chúng ta làm sao có thể sống khi không yêu, không có tình yêu, không dám yêu hoặc để chai sạn cảm nhận thương yêu.
Xuân đã hôn tôi bằng gió và mưa phùn bay.
Xuân vừa hôn tay bằng chậu hồng xanh cả bông lẫn nụ.
Xuân vừa ấp vào ta mềm như con mèo nũng nịu buổi tối hương lá mùi tỏa không tạp âm tạp cảm.
Khẽ khép mắt để mở ngàn cánh cửa màu nhiệm của đời thường bằng giác quan vừa tắm Xuân tươi mới.
Khép mắt cho mọi giấc thơ nở theo sóng vĩ cầm mà mùi Tết, mùi của nụ yêu mãi còn lưu não...
"Im lặng là cuộc trò chuyện của những người yêu nhau. Điều quan trọng không phải là những gì được nói, mà là những gì không cần phải nói" – nhà văn Albert Camus.
Tags