(Thethaovanhoa.vn) - Chị là nhà vô địch SEA Games đầu tiên của điền kinh Việt Nam. Sau đúng 20 năm, chị lại là hiện thân cho số phận nghiệt ngã, đầy bi kịch của một ngôi sao thể thao. Hình ảnh của người phụ nữ khốn khố chống nạng tiễn con trai lên đường dự SEA Games, rồi đẫm nước mắt lê từng bước lên nhận hỗ trợ trong buổi lễ tổng kết đoàn TTVN đã thực sự tạo nên một cơn bão lòng, nhức nhối và ám ảnh với giới chuyên môn và người hâm mộ cả nước.
Cách đây không lâu nhiều người đã mừng cho Hường vì sau bao nỗ lực phấn đấu, cuộc sống của chị coi như tạm ổn. Vợ chồng chị có thêm cậu con trai thứ 2, rồi xây được 1 căn nhà khá khang trang trên phần đất bố mẹ để lại nằm trong phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Tổ ấm của họ càng thêm hạnh phúc khi cậu cả Ngọc Quang bén gót mẹ trên đường chạy, không chỉ đam mê và còn liên tục tiến bộ để trở thành một nhân tố mới thực sự ở nội dung rào nam.
20 năm trước là một Vũ Bích Hường từng mạnh mẽ trên đường chạy để mang về cho TTVN tấm HCV SEA Games đầu tiên
Vậy mà chỉ 3 năm trở lại đây, sự đen đủi lại liên tiếp đổ xuống gia đình Hường, đến mức giờ nhiều khi chị vẫn không tin đó là sự thật. Đầu tiên là việc cậu con trai nhỏ Phú Vinh có những biểu hiện của bệnh tự kỷ, lúc đầu tưởng nhẹ ai dè thuộc diện khó chữa, rất tốn kém lại đòi hỏi lâu dài. Thời gian đầu còn cố gắng thu xếp vay mượn để chữa trị cho con nhưng rồi không thể nữa, vì chỉ tính riêng số tiền để đưa Vinh đến học lớp dành riêng cho trẻ tự kỷ đã mất hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi cả nhà chỉ trông chờ vào mỗi thu nhập 5 triệu đồng của chị. Rốt cuộc, vợ chồng chị đã phải quyết định bán nhà, với tâm niệm quyết tâm chữa khỏi bệnh cho con, rồi xin mua nhà thu nhập thấp để ở.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, tai họa kinh hoàng lại xảy đến. Chồng Hường đổ bệnh nặng phải vào viện cấp cứu, rồi phát hiện bị ung thư phổi. Anh nhất định không vào nằm viện vì biết nhà chẳng có tiền, Hường phải giấu mãi, đảm bảo chồng đó chỉ là bệnh thường chữa sẽ nhanh khỏi anh mới chịu.
Rồi anh sớm bỏ mẹ con chị ra đi mãi mãi. Cũng còn chút an ủi khi chị đã kịp được xét mua trả góp một căn hộ giá rẻ để người chồng đau được ở bên gia đình trong những tháng ngày cuối, cũng như có chỗ hương khói sau này. Khổ nỗi, tiếng là nhà thu nhập thấp song chị lại mua ở lúc giá đỉnh nhất, mà so với bây giờ chẳng khác gì mua đắt, trong khi phải gánh khoản nợ mấy trăm triệu đồng.
20 năm sau là những giọt nước mắt của người đàn bà thép
Khi mà người đàn bà “thép” vẫn gồng mình từng ngày để nuôi con, trả nợ, huấn luyện, một tai nạn giao thông ngay trước Tết Nguyên đán đã khiến nhà vô địch SEA Games đầu tiên của điền kinh Việt Nam sụp đốt sống số 4, số 5, với cái chân trái bị teo dần.
Nỗi đau, sự mất mát của Vũ Bích Hường dường như vượt quá giới hạn chịu đựng của một con người. Thế nhưng, chân chạy rào lẫy lừng ngày nào vẫn chứng tỏ nội lực phải nói là kỳ diệu ở mình để vượt lên nghịch cảnh và thử thách quá lớn, vì bản thân mình, vì các con và cả nghiệp thể thao. Nhờ ý chí và nỗ lực phi thường, thời điểm này, chị đã có thể bắt đầu bỏ nạng, vịn cầu thang tự đi lại, làm những việc nhẹ nhàng. Với Hường, cũng giống như trên đường chạy, chị luôn tự nhủ chỉ cần dừng lại mình sẽ thua.
Và thật khó tin, trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa cuối tuần, người ta không còn thấy sự than oán, khổ đau của một cựu kỷ lục gia khốn khổ, bất hạnh nhất làng thể thao, mà thay vào đó là một niềm tin, sự lạc quan cùng tình yêu vô bờ với nghiệp thể thao mà bản thân trả giá quá nhiều.
Cái phận tôi nó thế, đến đường chạy còn đen đủi
Với Vũ Bích Hường, điều khiến mọi người đều luôn có cảm giác day dứt, bất công là tại sao số phận lại có thể trút lên đầu chị những nỗi đau và sự mất mát đến thế. Đủ biết sự thật nó phũ phàng và nặng nề với chị như thế nào...
Vũ Bích Hường: Thực sự chính tôi, nhiều khi cũng bàng hoàng về những gì mình phải trải qua và đối mặt. Có lẽ cái phận của tôi nó hẩm hiu. Đến ngay đường chạy, tưởng vinh quanh thế song cũng rất đen đủi. Sau tấm HCV SEA Games 1995, tôi đã biết bao lần phải nuối nước mắt khi mà mọi quyết tâm, nỗ lực đã trôi ra sông bể chỉ vì sự xuất hiện của VĐV người Mỹ nhập tịch Trecia Robert.
Nhưng Vũ Bích Hường không hề mất niềm tin khi tất cả kỳ vọng được đặt vào cậu con trai theo nghiệp mẹ
Đúng là có những thời điểm không thể tránh được cảm giác tuyệt vọng, oán trách số phận quá nghiệt ngã với mình song tôi lại phải lập tức tự “xốc” lại tinh thần. Tôi hiểu rằng trước đây là chồng khi lâm trọng bệnh, giờ là các con và chính bản thân đều chỉ có thể dựa vào mình, cho nên kiểu gì cũng phải trụ vững bằng được.
Có bao giờ chị nghĩ rằng, nếu như không theo nghiệp thể thao, cuộc đời của mình sẽ có thể rất khác?
Tôi không biết liệu mình không theo thể thao cuộc sống của mình sẽ như thế nào, và tôi cũng chưa từng mảy may đặt ra tình huống ấy. Với tôi, thể thao vẫn luôn là một số phận ngọt ngào. Thể thao đã cho tôi rất nhiều đấy chứ, một cái tên, một sự nghiệp của đam mê. Quãng thời gian đẹp, ý nghĩa nhất của tôi cũng như cả gia đình đều gắn với thể thao. Tính cách và con người của mình cũng được hình thành qua đó.
Nói thật chính nghiệp thể thao, cùng tình cảm, sự quan tâm của các đồng nghiệp, học trò đã trở thành một động lực lớn lao để tôi luôn có thể vượt lên và trụ vững trước bao giông bão. Nhiều người có thể không tin, chứ điều tôi đặc biệt hài lòng và tự hào chính là việc con trai cả của mình đã nối tiếp nghiệp của mẹ.
Nhưng nói gì thì nói, thể thao vẫn còn những câu chuyện của sự đãi ngộ, của chế độ chính sách, những mặt trái, đơn giản nhất về sức khỏe, của việc tập luyện thi đấu. Và có vẻ như nhà vô địch SEA Games đầu tiên của điền kinh Việt Nam đã phải chịu nhiều thiệt thòi?
Cũng có thể có điều này điều khác chưa hài lòng hay thậm chí chịu thiệt thòi song nói thật là tôi không hề oán thán hay hối tiếc gì khi gắn bó với thể thao. Mình phải có một cái nhìn rộng hơn trường hợp của chính mình. Nếu có chọn lại tôi vẫn sẽ chọn thể thao. Tôi thấy rất buồn khi mình được đưa ra như một dẫn chứng cho sự “bạc” của thể thao.
Lo nhất không biết bao giờ trả hết nợ mua nhà
Nhiều người đã rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh của tượng đài điền kinh lẫy lừng ngày nào giờ lưng cong, chân teo phải chống nạng, và cũng mừng đến phát khóc trước sự bình phục nhanh chóng của chị...
Đúng là Trời cũng không lấy của ai hết khi tôi gặp được một lương y giỏi đã hết lòng chữa trị cho tôi, và quan trọng hơn cả phương pháp và thuốc thang rất hợp. Tôi hồi phục được như thế này cũng một phần nhờ vào “gốc” và khả năng thể thao đấy.
Thời gian qua, tôi đã luôn khổ sở đau đớn mỗi khi động tay, nhấc chân hay đi lại vừa phải vịn vừa như lết. Nhưng tất cả tôi đều tự làm cho bằng được, chứ không nhờ ai cả. Cũng may nhờ tôi có niềm tin và sự lạc quan, nhất là trước quan tâm hỗ trợ của mọi người, mình không thể không nỗ lực phấn đấu tới cùng được.
Thực tế cũng chưa biết thế nào cả và còn phải chiến đấu dài dài nhưng tôi hy vọng mình sẽ sớm trở lại bình thường để tiếp tục lo cho các con, quay lại với các đồng nghiệp, học trò trên đường chạy. Dịp SEA Games vừa rồi, khi xem các cuộc tranh tài, tôi đã nhiều lần chảy nước mắt vì nghĩ đến tình cảnh bi đát của mình, vì nhớ đường chạy, với nỗi lo mình sẽ phải rời xa mãi.
Đâu là điều mà chị lo lắng nhất hiện giờ?
Điều mà mình mong nhất là sẽ sớm hồi phục để trở lại với cuộc sống và công việc bình thường. Còn nói thật, đáng lo nhất hiện giờ với tôi chính là khoản nợ hơn 200 triệu đồng, nợ từ hồi mua nhà trả góp. Thực sự với thu nhập khoảng 8 triệu đồng 1 tháng ( được ngành thể thao Hà Nội giữ nguyên khi dưỡng bệnh), trong khi mỗi tháng phải trả 7 triệu đồng, tôi cũng không biết sẽ xoay sở thế nào. Khi mình đang khỏe mạnh, làm việc bình thường, tôi chẳng sợ gì cả. Nhưng tình trạng bệnh tật như thế này, nếu lỡ như thế nào, tôi rất lo cho các con. Cháu Quang cũng là VĐV của Hà Nội vừa dự SEA Games vừa rồi song hiện tại cũng mới chỉ có thể cố gắng lo cho gia đình nhỏ của mình.
Tôi cũng đang rất lo lắng và sốt ruột cho các học trò của mình. Các em mới 12-13 tuổi, đều đang cần chăm bẵm từng li từng tí về chuyên môn và sinh hoạt mà tôi lại đang phải nằm nhà như thế này. Hôm nào tôi cũng phải gọi điện họi thăm tình hình, và dặn đi dặn lại “càng không có cô, các em càng phải tự giác và cố gắng đấy”.
Thế còn cậu học trò đặc biệt Nguyễn Ngọc Quang. Chị có lo không bởi dường như anh đã rất buồn và suy sụp khi thất bại tại SEA Games 28, cuộc đấu mà Quang quyết giành huy chương về tặng mẹ?
Tôi rất mong, hy vọng song không hề buồn và trách Quang khi đã không thành công. Tôi vẫn nói với cháu, điều quyết định nhất là mình đã nỗ lực hết sức rồi biết đứng lên sau thất bại. Vẫn biến cháu rất muốn dành thời gian để tập trung chăm lo cho mẹ, nhưng tôi đã động viên hay nói chính xác hơn là yêu cầu Quang phải quay trở lại với guồng tập luyện với sự nỗ lực, tập trung tối đa.
.... cùng sự động viên của những lớp tuyển thủ trẻ hôm nay
Nên có quỹ hỗ trợ VĐV của quốc gia và từng địa phương
Bản thân chị không công nhận và rất dị ứng khi được đưa ra làm điển hình của phận “bạc” thể thao. Nhưng chắc chẳn từ những trải nghiệm của mình, có thể là ngọt ngào hay cay đắng, chị cũng sẽ có những lời khuyên gì với các VĐV trẻ hay đề xuất gì với ngành thể thao?
Tôi không muốn nói, và thực tế cũng luôn tránh nói về những mất mát, đau khổ của mình. Ngay cả trong những thời điểm cùng cực nhất cuộc đời, với thể thao, tôi cũng chỉ luôn cố gắng nghĩ và nói về đam mê của mình, về những chiến tích của mình, về những giá trị mà chỉ riêng thể thao có được. Tôi muốn truyền đam mê cho các em trẻ. Ngoài ra, nếu có một điều gì đó nhắn gửi khác chính là việc các VĐV trẻ phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện cho tương lai lâu dài, cụ thể sau khi giải nghệ. Trong đó, họ cần phải tích cực học tập văn hóa, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, một cách thực thụ nghiêm túc chứ không phải đối phó.
Tất nhiên, đó cũng chính là trách nhiệm của ngành thể thao và các địa phương. Tôi rất mong rằng bên cạnh chuyện ngày càng nâng cao chế độ chính sách đối với VĐV, TTVN sẽ được sự quan tâm, đầu tư để tìm ra được phương hướng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các VĐV. Nếu VĐV nào cũng chỉ có lối ra duy nhất là trở thành VĐV thì quá khó khăn.
Cũng từ trường hợp của chị, rất nhiều ý kiến cho rằng ngành thể thao cần có một Quỹ hỗ trợ VĐV?
Tôi vô cùng biết ơn và trân trọng những tình cảm và sự hỗ trợ của mọi người dành cho mình. Và quả thật, nếu như có quỹ hỗ trợ VĐV thì quá tốt, và đáng ra chúng ta phải làm từ lâu. Cần có quỹ của ngành thể thao, của từng địa phương dựa vào các nguồn lực xã hội, theo nhiều hình thức khác nhau.
Với quỹ này, tôi cho rằng sẽ không chỉ giúp cho các VĐV bệnh tật, chấn thương mà còn có thể hỗ trợ nhiều mặt khác như đào tạo nghề, việc làm, thậm chí vốn kinh doanh.
Tường Nhi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags