Thời gian đã cách biệt gần 70 năm, nhưng những ưu việt của mô hình trường Học sinh miền Nam ngày ấy vẫn là cái gì rất tuyệt vời, cần được tham khảo một cách sâu sắc. Trong giai đoạn 1954-1975, đã có hơn 32.000 học sinh miền Nam đã học tập trong hàng chục trường Học sinh miền Nam, nội trú trên nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc.
1. Ngày ấy, cách đây đã gần 70 năm (vào năm 1955), tôi cùng các bạn học đồng trang lứa, vừa tập kết ra Bắc chưa bao lâu, đã được vào các trường Học sinh miền Nam ở miền Bắc. Một số học sinh nhỏ tuổi, trong đó có tôi, được đưa sang học ở Khu học xá Việt Nam tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Khu học xá lúc đó gần như một “khu tự trị” của Học sinh miền Nam vậy. Chúng tôi ở tập thể, mọi sinh hoạt đều tập thể, mỗi lớp đều có thầy chủ nhiệm phụ trách, và học theo chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thời ấy ông Nguyễn Văn Huyên là Bộ trưởng.
Do phải di chuyển nhiều trong và sau tập kết, tôi vẫn học lớp 1 khi sang Khu học xá Nam Ninh. Học lớp 1, nhưng chúng tôi đã làm quen rất nhanh với việc học tập và mọi sinh hoạt tập thể ở đây. Buổi sáng học “chính khóa”, buổi chiều nghỉ học, nhưng tham gia lao động (trồng và chăm vườn rau của lớp), hoặc chơi thể thao (đá bóng, đá cầu, bơi lội ở bể bơi của trường…).
Còn buổi tối, đó mới là “thời gian thần tiên” của trẻ nhỏ chúng tôi. Xếp hàng đi từ khu nhà ở lên trường, chúng tôi hoặc tự học (thực ra lớp 1 thì cũng chẳng tự học gì mấy), hoặc thú vị nhất, được nghe các thầy… kể chuyện. Hồi đó chẳng có tivi hoặc radio gì cả, nhưng lại có các thầy chuyên kể chuyện, khối lớp 1 chúng tôi có 2 thầy chuyên kể chuyện cực hay. Đó là những chuyện như Tạ Đình Đề bảo vệ Bác Hồ, chuyện tình báo, chuyện chiến đấu, chuyện… ma. Toàn là những chuyện khiến đám trẻ chúng tôi mê tít.
Tối thứ Tư hàng tuần, chúng tôi được xem phim, hồi đó có nhiều phim Liên Xô rất hay, kể cả những phim kinh điển cũng được chiếu cho đám trẻ chúng tôi xem. Chính tôi được xem phim Ruồi Trâu do Liên Xô sản xuất trong “buổi chiếu phim tối thứ Tư” hàng tuần này. Và nhân vật “Ruồi Trâu” đã trở thành thần tượng của bọn trẻ chúng tôi.
Chiều thứ Bảy hàng tuần thì được nhận quà, trái cây và bánh kẹo. Đó là thời điểm hạnh phúc nhất của bọn trẻ chúng tôi. Tết Trung Thu, chúng tôi được vui chơi phá cỗ trăng rằm. Có lẽ đời tôi chưa bao giờ được dự một bữa cỗ Trung Thu đẹp và vui như thế. Các cô khéo tay đã làm những con chó con thỏ bằng những tép quả bưởi, vừa đẹp vừa ngon. Đến bữa ăn cơm trưa, các bác cấp dưỡng người Trung Quốc thường chiên lại những phần cơm còn dư hôm trước để bọn trẻ chúng tôi ăn thêm cho lạ miệng. Thật quá thú vị. Đám trẻ chúng tôi chen lấn nhau, nằm đè lên nhau quanh thùng cơm rang bằng gỗ để múc cơm. Vui đáo để. Có bạn còn làm được hai câu vè lục bát về cảnh tượng này: “Chiến trường đâu phải cơm rang/ Mà ta chiến đấu gian nan thế này”, nghe vừa hài hước vừa mô tả hiện thực sinh động.
2. Vâng, được học trong môi trường tập thể vui thế đấy. Thỉnh thoảng cũng có đánh lộn, nhưng rất ít thôi. Và cách nhà trường quản lý học sinh nhỏ chúng tôi khá giống với mô hình trường thiếu sinh quân, nhưng cởi mở hơn. Buổi sáng, cứ đúng 5 giờ là còi báo hiệu vang lên, tất cả học sinh nằm giường tầng đều nhanh nhẹn thức dậy. Đi tập thể dục, sau đó tưới rau, quét dọn nhà cửa. Khi đến lớp thì các tổ trực nhật làm nhiệm vụ quét lớp, lau bảng đen. Những “công tác lao động” ấy chúng tôi rất quen làm. Bây giờ có thể nói, không lao động thì không thể thành người đúng nghĩa. “Lao động là vinh quang”, nhưng vinh quang không bằng nên người. Lao động sẽ làm con người ta hướng thiện, sống tốt, năng động và biết chia sẻ. Tôi rất ngạc nhiên khi bây giờ, có những em học trung học phổ thông rồi mà không biết làm gì cả, chỉ biết học thêm. Các hội phụ huynh học sinh đã xin đảm nhiệm việc góp tiền thuê lao công quét dọn lớp, thậm chí, lau bảng đen. Trong khi ngày xưa đó, mới học lớp 4 (tiểu học), chúng tôi đã được tổ chức đưa về quê giúp bà con nông dân thu hoạch lúa, làm tất mọi việc từ gặt lúa, bó lúa, gánh lúa về sân phơi của hợp tác xã. Ở đó, chúng tôi được học đập lúa… Những việc người lớn nông dân quen làm, chúng tôi đều học để làm được. Bà con nông dân rất vui, khen chúng tôi, khiến chúng tôi càng phấn khởi, thi đua nhau lao động. Khi còn nhỏ mà đã làm quen với những kỹ năng trên chân ruộng của nông dân, chúng tôi cảm thấy mình lớn lên rất nhiều.
Bây giờ, có thể những cơ hội để lao động như chúng tôi ngày ấy khó thực hiện hơn. Nhưng cũng còn rất nhiều việc mà những ngôi trường dạy học tập thể nội trú như trường Hy vọng có thể tổ chức để các em tham gia lao động, vừa vui, vừa khỏe người, lại chóng trưởng thành và hiểu được những vất vả của người nông dân, người lao động.
Ngoài lao động, thì thể dục thể thao là môn học và chơi rất phổ biến ở các trường Học sinh miền Nam. Ngày tôi về nước và học tại Liên trường Học sinh miền Nam 23, 24, 25, 26 ở Chương Mỹ (Hà Đông), ngay cạnh dòng sông Đáy trong xanh, thì các đội bóng đá của từng trường đã thi đấu rất “ác liệt”, những đội bóng lớp cũng hoạt động sôi nổi, còn đội thể dục dụng cụ (gồm xà đơn, xà kép, cầu thăng bằng, ngựa tay quay, nhào lộn…) của Liên trường thì trình độ chơi thể dục dụng cụ của các anh lớn đã khiến đám trẻ chúng tôi vô cùng thán phục. Đội thể dục dụng cụ Liên trường này từng đi thi đấu và biểu diễn ở rất nhiều nơi, kể cả các trường ở Hà Nội.
Học ở trường tập thể còn có một ưu điểm nữa là các thầy dạy bộ môn hoặc phụ trách lớp am hiểu tính tình từng em, nên cách giáo dục tới từng học sinh như thế sẽ giúp tiến bộ vững chắc.
3. Trường Hy vọng (Hope School), do Tập đoàn FPT tổ chức dành cho các em mồ côi cha mẹ trong đại dịch Covid-19 vừa qua, có thể thu nạp 1.000 em học sinh theo học, được nuôi dưỡng theo mô hình trường tập thể, gần với mô hình trường thiếu sinh quân. Tại đây có thể nuôi dạy các em cho tới trưởng thành, học qua đại học, ra làm việc, như một người được giáo dục bài bản và rành rẽ các kỹ năng làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau.
muốn viết khá kỹ về mô hình trường Học sinh miền Nam mà thuở nhỏ chúng tôi từng học để Tập đoàn FPT và mọi người quan tâm đến ngôi trường Hy vọng này tham khảo thêm. Thời gian đã cách biệt gần 70 năm, nhưng những ưu việt của mô hình trường Học sinh miền Nam ngày ấy vẫn là cái gì rất tuyệt vời, cần được tham khảo một cách sâu sắc. Và nếu ứng dụng được vào mô hình trường Hy vọng, thì tôi nghĩ, sẽ còn tuyệt vời hơn nữa. Vì ở thời đại 4.0 này, mọi thứ đều đã khác, cơ hội để trường Hy vọng phát triển thì có rất nhiều.
Vài nét về Trường Nội trú Hy vọng (Hope School) Trường Nội trú Hy vọng (Hope School) vừa đón 200 học sinh đến từ 41 tỉnh, thành phố trên cả nước nhập trường năm học 2022-2023. Đây là các em nhỏ mồ côi vì đại dịch Covid-19. Ngôi trường tọa lạc tại tòa nhà FPT Smart Nano, thuộc khu đô thị FPT City, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Chào đón những học sinh về với ngôi nhà mới, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch sáng lập Trường Nội trú Hy vọng và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT) chia sẻ: “Bằng tình yêu, các thầy cô sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ để các con nên người. Hơn thế, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các con theo đuổi đam mê của mình, khoa học hoặc công nghệ, nghệ thuật hoặc thể thao, kinh tế hoặc xã hội”. Trường Nội trú Hy vọng được thành lập bởi Tập đoàn FPT và Quỹ Hy vọng, nhằm nuôi dưỡng, đào tạo các em học sinh mất cha mẹ vì đại dịch Covid-19, với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em. PV (tổng hợp) |
Nhà thơ Thanh Thảo
Tags