Từ zero tới hero, cơ may nào cho những anh hùng tương lai?

Thứ Ba, 21/07/2015 12:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Zero To Hero là một khái niệm chỉ những người vươn lên từ hèn khó và trở thành sao sáng. Xưa, những zero đi lên từ giọng hát, còn bây giờ, thời thế thay đổi, những anh hùng tương lai đến với công chúng của mình chủ yếu bằng những chuyện ngoài lề...

Bạn cần dẫn chứng? Nhiều lắm.

Anh hùng thời kỳ mới

Có ai để ý những ngôi sao thành danh từ Vietnam Idol những mùa trước như Quốc Thiên hay Phương Vy suốt một thời gian sau đó phải rất vất vả để khẳng định tên tuổi của mình? Có ai còn nhớ Ngọc Ánh, á quân Vietnam Idol mùa đầu tiên, người đã từng được nhạc sĩ Quốc Dũng nhận xét là “chất giọng hay hiếm có, nếu không trở thành ngôi sao được quả là uổng phí”, giờ đang làm gì? Anh ấy giờ đang làm một công việc hoàn toàn ngoài âm nhạc.

Có ai còn nhớ Vietnam Idol 2012, người nổi trội nhất về giọng hát, Hoàng Quyên, cuối cùng lại thua Ya Suy?

Tất cả là bởi, họ đều thiếu một câu chuyện của mình.

Công chúng bây giờ quan tâm nhiều đến câu chuyện hơn là người hát cho họ nghe như thế nào trước màn hình ti-vi. Bạn có thể phản bác rằng Uyên Linh cũng từ zero tới hero đấy và cô ấy đâu có câu chuyện nào đính kèm mà vẫn thành quán quân đấy thôi? Câu trả lời là bản thân Uyên Linh không có câu chuyện nhưng lại gây ra được câu chuyện trong lòng công chúng.

Các cuộc thi hát đang nở rộ ra khắp nơi và những anh hùng tương lai vẫn chưa xuất hiện. Trái lại, chỉ cần đảo mắt sẽ thấy các zero nhảy từ cuộc thi này sang cuộc thi khác. Họ đang chờ những cơ may. Nhưng nếu họ không có câu chuyện, thì đa phần những cơ may ấy sẽ không xuất hiện. Để lấp hiện thực thiếu tài năng, các cuộc thi đang đưa những câu chuyện lên ngôi.


Những người bỏ tiền mua vé xem Hotboy kẹo kéo hát đều thất vọng 

Ya Suy hơn đứt Hoàng Quyên bởi ở hình tượng chàng làm rẫy biết hát và nếu chàng chiến thắng thì ai cũng có thể hát được. Điều đó sẽ khiến công chúng mủi lòng và những giấc mơ ngôi sao ca nhạc của đám đông lại có cơ hội được nhen nhúm.

Hương Giang Idol sẽ làm được gì nếu cô không khai thác rất tốt câu chuyện chuyển giới của mình?

Chàng hotboy kẹo kéo có cái tên Vĩnh Phúc gần đây cũng làm rối online khi đi thi Vietnam Idol. Câu chuyện của cậu là gì? Từ một thợ cắt tóc, với niềm đam mê âm nhạc, Vĩnh Phúc đã gắn bó với nghề hát dạo bán kẹo kéo. “Nghệ sĩ đường phố” mong muốn qua cuộc thi, anh có cơ hội được phát triển giọng hát và được nhiều người biết đến.

Tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn tình cảm gia đình, niềm đam mê ca hát, cùng nguy cơ mắc căn bệnh ung thư vòm họng trở thành câu chuyện của chàng hotboy kẹo kéo Vĩnh Phúc khiến 4 giám khảo Vietnam Idol liêu xiêu. Dù sau đó bị loại sớm nhưng Vĩnh Phúc đang bắt đầu thành công với nghiệp hát ở các phòng trà.

Xét cho cùng, đó cũng là một người có tố chất âm nhạc cho dù giám khảo Thu Minh băn khoăn đó là kiểu âm nhạc đường phố, sẽ rất khác khi đứng trên sân khấu như của Idol. Nhưng chỉ cần thế, cũng đủ để Phúc làm được điều gì đó ngoài hào quang Idol và bây giờ cậu đã đi hát tụ điểm khá nhiều.

Cạnh tranh những cơ may

Mariah Carey từng xuất thân chỉ là một ca sĩ hát bè vô danh tiểu tốt, chỉ trong vòng 1 năm đã trở thành diva, một hiện tượng toàn cầu. Mỹ Tâm trước khi trở thành nữ hoàng, gần 20 năm trước vẫn phải xếp hàng chờ hát ở phòng trà Nhiệt Đới.

Nhưng giờ sẽ khó xuất hiện trở lại một hình mẫu như Mariah Carey hay Mỹ Tâm. Bản thân công nghệ “chế biến” từ zero thành hero, giờ cũng đã rất khác xưa, đặc biệt khi những chương trình như Idol ra đời. Ngành ghi âm bây giờ chỉ còn hớt váng, có nghĩa thay vì tìm “gà” và phải mất rất nhiều công sức lăng-xê hàng năm trời, thì bây giờ ngồi chờ những ngôi sao mọc lên từ những cuộc thi hát, cuộc thi tìm kiếm tài năng và chỉ mất vài tháng là có thể bắt đầu hái được quả. Nhóm nhạc One Direction là một ví dụ như vậy.

Ở một thị trường nhỏ và thiếu chuyên nghiệp như Việt Nam, tính chụp giật cao hơn. Thị trường càng nhỏ thì lại càng cạnh tranh, giành giật cả ở mặt sòng phẳng lẫn tiêu cực hay manh mún. Và vì thế nó mới xảy ra những hiện tượng buồn cười như hotboy kẹo kéo hay Lệ Rơi.

Bởi vì cùng lúc có rất nhiều câu chuyện khác nhau cùng diễn ra, cùng lúc sẽ có nhiều người có những câu chuyện được phơi ra công chúng và tất cả cùng cạnh tranh nhau với những câu chuyện hấp dẫn. Bởi công chúng luôn có nhu cầu đi tìm kiếm những câu chuyện mới. Nhu cầu ấy giờ cao đến mức có thể giảm “thọ” câu chuyện của một ai đó ngày càng ngắn đi. Và để “thọ” hơn chính nhân vật hot tháng trước phải có sẵn thêm những câu chuyện hot cho những tháng tiếp theo. Nếu anh không có, sẽ có ngay người khác soán chỗ.

Cả hai chàng “kẹo kéo” đang gây sốt gần đây thật ra đều là những người có tố chất về giọng hát, có khả năng thu hút một đám đông nhất định bất chấp chuyện những nhà chuyên môn bảo họ giống người này người kia. Nhưng đám đông công chúng không “care” (quan tâm) chuyện giống hay không. Họ chỉ “care” câu chuyện mà họ thích và thỏa lòng khi được nghe diễn. Khi thỏa mãn, họ sẽ tìm người khác, một câu chuyện khác. Và chàng hero kia, muốn tiếp tục đi tiếp sẽ phải có thêm những câu chuyện khác...

Chính vì quá nhiều cạnh tranh, các anh hùng tương lai phải trông chờ thêm vào cơ may. Cơ may thể hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Cơ may cho anh đi sâu trong một cuộc thi hát. Cơ may anh trở thành trung tâm của một cuộc tranh cãi ầm ĩ… Còn nếu cơ may không xảy đến, những anh-hùng-tương-lai lại trở về zero tròn trĩnh.

Hiện tượng từ zero thành hero mà phong độ ổn định nhất tới hiện tại có lẽ mới chỉ có Phương Mỹ Chi. Người duy nhất không có câu chuyện đáng gây tò mò ngoài giọng hát của mình.

Ngay cả The Voice Mỹ cũng gặp phải những “vấn đề thời đại”. Bao nhiêu tài năng âm nhạc đi ra từ đấy hiện nay gần như không ai ra được thị trường lớn. Trong khi trước đó, chỉ cần thể hiện tốt ở vòng Giấu mặt, họ cũng đã khiến cả thế giới gần như phát rồ trước màn hình.

Truyền hình đã thay đổi diện mạo và cơ cấu của ngành giải trí rất nhiều. Nó khiến người ta cũng phải thay đổi cách nhìn nhận về khái niệm Zero To Hero. Mariah Carey trụ được lâu vì đó là một quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có sự điều nghiên về thị trường sâu sát để đảm bảo khi tung “sản phẩm” ấy ra thị trường thì giọng hát ấy phải là sản phẩm có một không hai, không có hình mẫu tương tự trước để có thể bị so sánh.

Ngay cả những cuộc thi nêu cao tinh thần zero to hero như Idol cũng chỉ đưa ra được một vài gương mặt trụ được đến bây giờ. Điểm chung của họ, Carrie Underwood, Kelly Clarkson…, là nổi từ những mùa đầu tiên khi mà American Idol gần như không có đối thủ tương tự. Và sau đó, khi những cuộc thi hát nở rộ thì giá trị của Idol bị chia sẻ.Tương tự nếu nhìn vào những chương trình mang tính tiên phong như Sao Mai - Điểm hẹn ở Việt Nam.

Điều này cũng sẽ lý giải phần nào màn khẩu chiến giữa Đàm Vĩnh Hưng và Quang Lê mới đây liên quan đến chàng bán kẹo kéo “có giọng hát giống nam ca sĩ hải ngoại Đan Nguyên”. Nó không chỉ phản ánh việc không tôn trọng giữa đàn anh và đàn em, địa bàn hoạt động nghệ thuật, mà cao hơn, nó cho thấy đi tìm hero bây giờ là rất khó.

Ai cũng biết mỗi một người thành danh từ những cuộc thi hát sẽ lựa chọn những con đường khác nhau để đi lên. Lựa chọn đấy có thể dẫn họ đến những mức độ thành công cũng khác nhau. Nhưng vấn đề là sau khi được chú ý, họ sẽ làm gì? Đa phần sẽ trả lời: “Tôi cần người chống lưng”. Nhưng ai cũng ngồi chờ chống lưng thì lấy đâu ra ngôi sao?

Cơ may là đã khó nhưng nó cũng sẽ dễ dàng mất đi nếu bản thân các anh hùng tương lai không chịu vận động, dấn thân.

Giờ đây, khi gần như mọi chiêu trò đã được kích hoạt, khi những câu chuyện đã bị mài mòn thì điều gì sẽ ở lại?

Chỉ còn giọng hát mà thôi.

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›