Từ Trần Đông Lan của 'X-Men: Apocalypse' nghĩ về 'Gốc Việt'

Thứ Sáu, 10/06/2016 08:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Lana Condor (tên thật: Trần Đông Lan), sinh năm 1996, vừa gây ấn tượng với vai dị nhân trong phim X- Men: Apocalypse. Bộ phim vừa công chiếu tại Mỹ ngày 27/5. Đáng nói, để bước trên thảm đỏ Hollywood trong buổi ra mắt phim, Lana đã trải qua một hành trình không tưởng.

Lana gắn liền những năm tháng đầu đời tại trại trẻ mồ côi, ở Cần Thơ. Sau đó, cô được một nhà báo Mỹ nhận về Mỹ nuôi. Năng khiếu diễn xuất của Lana được thể hiện trong những lần diễn hài nhỏ, trong gia đình. Và, bố mẹ Mỹ của Lana đã vui vẻ chấp nhận cho con mình theo con đường nghệ thuật, bất chấp chiều cao của cô chỉ 1,57m.

Hết lần casting này tới lần casting khác, cô gái nhỏ bé người Cần Thơ liên tiếp thất bại trong việc đóng phim. Cô thấy nản. Nhưng bố mẹ người Mỹ vẫn luôn động viên con gái. Lana lại tiếp tục thử vai. Đến lần thứ 3, vận may mỉm cười. Chính vóc người nhỏ bé đã trở thành ưu điểm lớn của Lana.


Lana Condor (tên thật: Trần Đông Lan) trên thảm xanh ra mắt "X-Men: Apocalypse" hôm 9/5

Đạo diễn Bryan Singer công bố Lana Condor là diễn viên mới tham gia dự án X-Men và đóng vai dị nhân Jubilee. Lana đã trở thành người gốc Việt hiếm hoi đang diễn xuất tại phim trường hàng đầu thế giới: Hollywood.

Và gốc Việt là cụm từ mà chúng ta đã nhiều lần tự hào, bởi sự thành công của những bà con xa xứ như Lana.

Cũng trong tuần qua, vở kịch múa 800 năm hẹn ước trở lại với khán giả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vở kịch kể về hoàng tử Lý Long Tường, người đã phải tha hương vì những biến động lịch sử thế kỷ 13. Ông cùng gia tộc đã vượt biển, sinh sống và lập nghiệp tại Cao Ly (Hàn Quốc ngày nay).

Với việc lãnh đạo dân quân địa phương đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược Cao Ly, hoàng tử Lý Long Tường được vua Cao Ly trọng vọng. Song, mọi bổng lộc đều không làm ông quên nguồn gốc của mình. Ngày ngày, hoàng tử Lý Long Tường đều lên “Vọng Quốc Đàn” vái vọng về quê nhà.


Nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh (trái) vừa là biên đạo vừa là diễn viên chính của tác phẩm kịch múa "800 năm hẹn ước"

Và nỗi nhớ quê đau đáu đó đã được dòng họ Lý tại Cao Ly trao truyền từ đời này tới đời khác. Tới gần 8 thế kỷ sau, năm 2010, ông Lý Xương Căn, hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường đã có cuộc đoàn viên trọn vẹn với đất mẹ Việt Nam. Điều làm hậu duệ nhà Lý thấy tự hào nhất, ông được mang quốc tịch Việt.

Hai câu chuyện, nhiều thân phận với biết bao nỗi niềm riêng đều cho thấy một điều, người Việt dù phiêu bạt nơi chân trời góc bể vẫn tận lực lao động để thể hiện phẩm giá Việt, năng lực Việt. Và, có gì không đáng tự hào khi những con người mang dòng máu Việt đang là vô vàn đại sứ hình ảnh đẹp để thế giới biết về con người Việt Nam?

Cũng trong tháng 6 này, có hiều thông tin về bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương kể về thân phận của 2 vạn người Việt bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh trong cuộc chiến Pháp- Đức trong thế chiến thứ 2. Những con người này sau đó đều đã lập nghiệp, sinh con đẻ cái trên đất Pháp. Câu chuyện được “hé lộ” rằng sẽ buồn nhiều hơn vui.

Nhưng dù buồn hay vui, thì những người Việt ở xa xứ hay những người gốc Việt vẫn là một phần của dân tộc Việt. Và, người Việt hãy cứ tự hào, hãy cứ vui buồn cùng nhau, mà đừng đắn đo không gian sinh sống. Vì dẫu có thế nào, chúng ta đều mang dòng máu Việt.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›