Từ trái tim dẫn lối trái tim

Thứ Sáu, 15/12/2023 08:04 GMT+7

Google News

Như đã hẹn, tiếp theo cuốn Những bức thư ôm lấy bạn (6/2023), TS toán học, nhà thơ Đinh Hoàng Anh vừa cho ra mắt cuốn thứ 2 mang tên Những bức thư dẫn lối trái tim (NXB Dân Trí). Đó vẫn là những lời chia sẻ, đối thoại của chị về các vấn đề tâm lý, tình cảm được viết dưới dạng "những bức thư" và dự kiến sẽ kéo dài tới 7 cuốn. Xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Lê Văn Hảo.

1. Tôi đã đọc Những bức thư dẫn lối trái tim, một cuốn sách gần 300 trang của TS Đinh Hoàng Anh với cảm xúc và suy ngẫm.

Cuốn sách gồm 3 phần. Phần 1 (Những tiếng vọng từ hành trình) là những phân tích, chiêm nghiệm rất sâu sắc một số điều cốt yếu được đúc kết từ hành trình sống về tình yêu, về những số phận, về vẻ đẹp và sức mạnh nội tâm của con người.

Phần này bao gồm 24 bức thư, cứ 1 tháng 2 bức, gửi trong 1 năm, và rất đặc biệt đó là Năm vô tận… Tôi nghĩ tác giả muốn người đọc hiểu rằng hành trình này sẽ xảy ra ở rất nhiều thế hệ, rất nhiều thời đại, rất nhiều lứa tuổi khác nhau… không bao giờ kết thúc. Có nhiều bức thư trong phần này gây cho tôi ấn tượng sâu sắc, ví dụ như trong Bức thư thứ 15, tác giả viết:

Từ trái tim dẫn lối trái tim - Ảnh 1.

Tác giả Đinh Hoàng Anh cùng chồng là họa sĩ Thái Tĩnh tại buổi ra mắt sách

"… Bởi vì chăm sóc thái quá là biểu hiện tinh vi của sự sở hữu. Bạn muốn người bạn yêu thương như con nhộng nằm trong cái kén dệt bằng sự tận tình của bạn. Miếng ăn, giấc ngủ, chiếc áo, những cái vuốt ve, những giọt nước mắt, sự chờ đợi, sự ân cần, sự tha thứ... đâu đâu cũng là bạn, đâu đâu bạn cũng hiện diện và không để lại khoảng trống nào cho người bạn yêu được hoàn toàn một mình.

Làm sao người bạn yêu có thể tỏa sáng, có thể vươn đôi cánh trong bầu trời mùa Xuân khoáng đạt? Thế mà mỗi tâm hồn đều vươn tới tự do, không khí, nắng, gió... Mỗi người, dù ta yêu đến mấy cần được quên ta đi trong những quãng thời gian nhất định để có thể yêu được ta. Cũng như ta cần quên người ta yêu trong chốc lát để có thể không biến tình yêu thành nghĩa vụ và sự nhàm chán.

Trong sự tận tình thái quá không có tình yêu đâu. Tình yêu như đứa trẻ hồn nhiên, ngỗ nghịch, đôi khi chểnh mảng, lười biếng, đôi khi nóng nảy thất thường, đôi khi bỏ đi chơi xa rồi lại trở về... Tình yêu là bản nhạc cần những quãng nghỉ để đi từ cao trào đến giai âm tinh tế và sâu sắc nhất. Như là ngày và đêm, như là 4 mùa, như là dây đàn căng rồi phải chùng xuống nếu không muốn bị đứt…".

Thật là những lời chân thật, giản dị mà vô cùng sâu sắc. Phải đi đến những chiều sâu của trải nghiệm và thấu hiểu thì mới viết được như vậy.

Phần 2 (Nỗi niềm từ những người đang tìm kiếm tình yêu) bàn về các vấn đề hay thách thức mà con người có thể phải đối mặt trên con đường tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc thực sự, với những chỉ dẫn tinh tế, cụ thể.

Trong phần này, vẫn là 24 bức thư viết đều đặn trong 12 tháng của Năm vô tận ấy, nhưng là gửi cho những người bạn cụ thể, những người đã đến với tác giả bằng những câu hỏi và nhận được câu trả lời, nhưng với ý nghĩa sâu rộng hơn rất nhiều so với vấn đề người hỏi đặt ra.

Có lẽ khi trả lời các câu hỏi ấy, tác giả đã học hỏi và chiêm nghiệm được nhiều điều quý giá cho chính bản thân mình. Ví dụ như trong bức thư thứ 14, tác giả viết bằng những lời mạnh mẽ từ một trái tim phụ nữ độc lập và dũng cảm. Lời của một con người từng trải và vẫn tràn đầy nhiệt huyết cũng như niềm tin vào sức mạnh nội tâm của mỗi cá nhân.

"…Việc biến đổi người khác hầu như là vô vọng nếu bên kia không có thiện chí. Cho nên tôi nghĩ phụ nữ chỉ có thể biến đổi bản thân thôi, thay đổi cách tư duy đi, sống cho mình đi, khơi dậy và vun xới lòng tự tôn đi. Và hãy nói không với mọi thứ nửa vời: Tình yêu nửa vời, gia đình nửa vời, sự thật nửa vời, nhân cách nửa vời... Để dành bản thân cho người yêu trọn vẹn, bạn đời trọn vẹn, sự hòa hợp trọn vẹn. Dù một phút một giây cũng phải là trọn vẹn.

Từ trái tim dẫn lối trái tim - Ảnh 2.

Cuốn “Những bức thư dẫn lối trái tim" (NXB Dân Trí)

Nếu bạn có thể quyết liệt trong việc tự tôn như vậy, sẽ xuất hiện người thực sự yêu bạn và trân trọng bạn. Bởi vì bằng việc nhận biết phẩm giá của chính mình và kính trọng bản thân mình, bạn đã lan tỏa một cách thầm lặng sự kính trọng ấy sang người bên cạnh. Người ấy sẽ tự biết dừng lại trước ranh giới giữa sự hòa hợp với niềm tự hào và sự độc lập trong mỗi con người, rằng tình yêu của bạn không thỏa hiệp với sự lệ thuộc đớn hèn, rằng để có thể sánh vai cùng bạn thì người ấy phải sải cánh vào bầu trời tự do vì bạn đã sẵn sàng cho đường bay của chính mình.

Lửa chỉ có thể bùng lên khi có gió mạnh, phải vậy không? Và cần củi khô nữa, củi đó chính là những thành kiến, ảo vọng, sự thỏa hiệp... những thứ nửa vời mà bạn muốn thay thế tình yêu nhưng đã được bạn sàng lọc theo thời gian…".

Phần 3 (Những câu chuyện giản dị) chia sẻ các tâm tình chân thực của tác giả, nhưng cũng thấm đẫm các triết lý, bài học sâu lắng, xoay quanh chủ đề xuyên suốt của cuốn sách: Tình yêu.

Những câu chuyện li ti, tưởng như giản đơn, nhưng lại giàu tầng nghĩa. Mới đọc cảm thấy chúng rất bình dị, nhẹ nhàng, nhưng đâu đó trong câu chữ có chút gì bí ẩn, và ta cảm giác như chưa hiểu hết, và muốn đọc lại, để rồi tìm thấy một thông điệp khác, nho nhỏ thôi mà sâu lắng.

2. Một điều người đọc có thể nhận ra sau khi gấp lại cuốn sách. Mọi khó khăn, thử thách là một phần trong tất cả các mối quan hệ liên cá nhân, bao gồm cả các mối quan hệ thân mật, gần gũi như cha mẹ-con cái hay trong tình yêu, hôn nhân. Nhưng quy luật tự nhiên đã mách bảo ta rằng trong các thách thức đó, luôn ẩn chứa một cơ hội thay đổi và phát triển. Yêu thương không đúng cách có thể dẫn tới đau đớn cho cả mình và người khác. Muốn yêu thương thực sự, cần thấu hiểu, thấu hiểu mình để thấu hiểu người khác, yêu thương mình (và thay đổi nếu cần) để yêu thương (và giúp thay đổi) người khác.

Từ trái tim dẫn lối trái tim - Ảnh 3.

PGS-TS Lê Văn Hảo, tác giả bài viết, phát biểu tại buổi ra mắt sách

Cuốn sách chứa đựng rất nhiều triết lý sâu sắc, nhưng người đọc cũng tìm được nhiều chỉ dẫn thực tế, chi tiết, cụ thể trong nhiều vấn đề, nhiều chiều cạnh của mối quan hệ liên cá nhân nói chung và mối quan hệ thân mật nói riêng. Chính vì thế, nhiều đoạn, trang hay bức thư tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần.

Mặc dù những gì được viết trong cuốn sách dường như xuất phát từ quan sát, trải nghiệm, tương tác cá nhân, nhưng đó là các trải nghiệm rất giàu có, sâu sắc và chân thực của tác giả. Nhiều chắt lọc và ý tưởng trong cuốn sách có giá trị khai sáng và chuyển hóa. Vì có hiểu biết và thực hành ít nhiều về lĩnh vực khoa học tâm lý, tôi cũng cũng nhận ra rằng một số cách tiếp cận, hóa giải vấn đề hay các giải pháp mà tác giả gợi ý đã được chứng thực ở đâu đó trong tâm lý học tham vấn hay trị liệu. Ví dụ như theo liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), chính các suy nghĩ hay niềm tin (mong cầu chẳng hạn) dẫn đến cảm xúc lo lắng, thất vọng… của con người. Người đọc có thể tìm thấy nhiều trường hợp tương tự trong cả cuốn sách.

Cuốn sách dẫn lối và thúc đẩy cho con người, đặc biệt là phụ nữ, vươn tới tự do, hiện thực hóa khát vọng tự do của con người. Hình ảnh mà tác giả mô tả và diễn giải trong cuốn sách như bầu trời, đôi cánh, dòng sông, lựa chọn…thật đẹp và truyền cảm hứng về tự do. Tự do khỏi các lề thói cũ không còn phù hợp, tự do khỏi các định khuôn, định kiến và ép buộc để giải phóng mình. Phá đi những đập chắn đó để các dòng suối, dòng sông đều chảy. Vươn tới tự do thường là khát vọng và hành động của những trái tim can đảm.

3. Còn một điều không thể không nhắc đến về cuốn sách: Phong cách thể hiện của tác giả. Đúng là những bức thư từ trái tim, và chắc chắn sẽ dẫn lối tới trái tim nên chúng thấm đẫm cảm xúc. Chúng được diễn đạt không chỉ bằng ngôn từ mà hầu như mỗi dòng, mỗi trang đều chứa đựng vẻ đẹp và sức mạnh của ngôn ngữ âm nhạc và hình ảnh thi ca. Một sự hòa quyện tuyệt vời.

Cuốn sách của TS Đinh Hoàng Anh đã đem lại cho tôi nhiều điều mới mẻ, đặc biệt là cách tiếp cận, phân tích và hóa giải vấn đề con người đối mặt trong mối quan hệ thân mật liên cá nhân.

"… Bởi vì chăm sóc thái quá là biểu hiện tinh vi của sự sở hữu. Bạn muốn người bạn yêu thương như con nhộng nằm trong cái kén dệt bằng sự tận tình của bạn..." - tác giả Đinh Hoàng Anh.

PGS-TS Lê Văn Hảo

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›