Tử thần trong bóng 'ma men'

Chủ nhật, 09/10/2016 09:12 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng nghìn vụ tai nạn thương tâm liên quan đến bia rượu xảy ra mỗi năm khiến cả xã hội xót xa cũng chưa thể thức tỉnh được người dân nhận ra tác hại của việc điều khiển phương tiện khi đã có hơi men trong người. 

Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông, nhưng những vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra hàng ngày và không có dấu hiệu suy giảm. 

Những nỗi đau phía sau…tay lái 

Tình trạng tham gia giao thông sau khi đã sử dụng bia rượu đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại nhiều nỗi đau dai dẳng… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khảo sát hơn 18 nghìn nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Việt Nam cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số người lái xe ô-tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. 


Tình trạng người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia. Hậu quả của tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. Nhẹ thì xây xát, nặng hơn thì “bán thân bất toại”, chấn thương sọ não hoặc tử vong, thiệt hại to lớn về cả tinh thần lẫn vật chất. Đôi khi, gánh nặng đó còn dai dẳng đè lên vai người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái và xã hội… 

Trường hợp của anh Nguyễn Bá Hưng ở làng Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội là một ví dụ điển hình về việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà người thân phải gánh chịu. Sự việc đã trôi qua gần 3 năm, nhưng gia đình và người thân của anh Hưng vẫn chưa thể nguôn ngoai do anh ra đi quá đột ngột và thương tâm. Chị Kiều Thị Nga, vợ anh Hưng chia sẻ: Hôm ấy, chồng tôi đi dự hai đám cưới trong làng, do uống quá nhiều rượu nên không đủ tỉnh táo để điều khiển xe máy và đã đâm vào thành cầu, bị vỡ đầu và tử vong tại chỗ. Anh Hưng là người có thu nhập chính trong gia đình, nên khi anh mất đi, 4 mẹ con tôi gặp rất nhiều khó khăn phải dựa vào sự giúp đỡ của các anh chị em trong gia đình. 

May mắn không bị mất mạng, nhưng anh Đỗ Xuân Hùng, ở Tây Hồ, Hà Nội đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn sau khi bị tai nạn giao thông, mà nguyên nhân cũng là do đã sử dụng rượu bia. Theo lời kể của anh, sau cả ngày tiếp bạn bè trên bàn nhậu, anh tự điều khiển xe máy trở về và gặp mưa đột ngột. Do không đủ tỉnh táo để xử lý nên anh đã đâm xe vào gốc cây ven đường khiến cánh tay trái bị gẫy đôi. Sau khi nhập viện một thời gian, vết thương không may bị nhiễm trùng dẫn đến viêm xương, anh Hùng phải xin nghỉ làm tới gần một năm để điều trị. Sau khi ra viện, anh được cơ quan điều chuyển về bộ phận khác, thuận lợi hơn trong công việc. 

Tuy nhiên, dù gặp may mắn và được lãnh đạo cơ quan tạo mọi điều kiện nhưng anh Hùng đã phải trải qua quá nhiều khó khăn và cánh tay trái của anh đã bị yếu đi rất nhiều so với trước đây. “Nếu hôm đó, tôi không vội về ngay sau khi uống khá nhiều rượu thì đã không xảy ra sự việc và để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy. Đây thực sự là một bài học đắt giá đối với tôi và mong rằng, tình trạng sử dụng rượu bia rồi tham gia giao thông sẽ được hạn chế”, anh Hùng chia sẻ. 

Nhận thức kém, gây cản trở lực lượng chức năng 

Trước tình trạng lạm dụng bia rượu khi tham gia giao thông dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng mở các đợt chuyên đề về tuyên truyền, xử lý những hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, cùng với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng để liên tục nhắc nhở, cảnh báo và đề cập đến những tác hại do việc lạm dụng rượu, bia khi tham gia giao thông…Thậm chí, ở nhiều địa phương, chính quyền đã phải ban hành “lệnh” cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa với hy vọng đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người dân khi tham gia giao thông. 

Tuy nhiên, với những thói quen và sở thích của mình, cùng với suy nghĩ chủ quan nên nhiều người vẫn bỏ qua tất cả, họ bất chấp quy định của pháp luật và tỏ ra xem thường tính mạng của bản thân và những người xung quanh. Họ có quá nhiều lý do để ngồi trên bàn nhậu, nhưng lại không có một lý lẽ nào có thể cản họ bước lên xe trong tình trạng say xỉn. Có lẽ nhiều năm sau nữa, người dân Hà Giang vẫn chưa thể quên được vụ tai nạn thảm khốc khiến sinh mạng của 6 cán bộ mãi mãi nằm lại dưới vực sâu trên Cao nguyên đá Đồng Văn mà thủ phạm cũng chính là rượu bia. Sau khi “giao lưu” với nhau trên bàn nhậu, đoàn khách đến từ tỉnh Cao Bằng xin phép về ngay và chỉ sau nửa tiếng, cả xe lẫn người cùng lao xuống vực sâu do tài xế không làm chủ được tốc độ. 

Theo các chuyên gia nghiên cứu của các cơ quan chức năng, nguyên nhân chính của việc này là do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là sau khi đã uống rượu, sự tỉnh táo bị giảm đi nên không nhận ra hành động của mình là vô cùng nguy hiểm. Kết quả nguyên cứu của Bộ Y tế cho thấy, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người uống bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ; nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân… 

Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông khẳng định, tình trạng người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chưa đầy một tháng thực hiện cao điểm xử phạt vi phạm nồng độ cồn, cả nước đã có gần 10.000 trường hợp bị xử phạt, trong đó tập trung chủ yếu tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc xử phạt vi phạm giao thông với những người có nồng độ cồn là rất khó khăn, họ thường có thái độ chống đối, cản trở, phải huy động nhiều lực lượng cùng tham gia xử lý. 

Trung úy Trịnh Văn Hải, Đội Cảnh sát Giao thông số 6, Công an thành phố Hà Nội cho biết việc xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn gặp rất nhiều có khăn do người vi phạm luôn tìm cách đối phó như gọi điện thoại cho người quen nhờ vả hay cự cãi, bỏ chạy... Nhiều trường hợp thậm chí còn không biết việc uống bia rượu rồi lưu thông phương tiện là vi phạm luật nên nhất định không chấp hành và cãi nhau với lực lượng công an đến cùng. 

Ông Nguyễn Phú Phúc, người dân ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, việc xử lý vẫn còn “nhẹ tay” nên các đối tượng vi phạm chưa đủ răn đe dẫn đến đến “nhờn” luật. Ông Phúc kiến nghị nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng xử lý hình sự hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, xem đây là lỗi cố ý, để tạo sức răn đe lớn, tránh hậu quả nghiêm trọng xảy ra mới xử lý. 

Lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Theo thống kê, hiện có tới 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia, gây thiệt hại 250 tỷ đồng/ngày. 

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm đủ mức răn đe. Tại Nghị định 46, hành vi vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính lên tới 18 triệu đồng. Đặc biệt, Luật Hình sự quy định mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác sẽ đưa ra chế tài xử lý hình sự. 

Ngày càng nhiều sâu rượu nhập viện tâm thần

Ngày càng nhiều sâu rượu nhập viện tâm thần

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết, các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít…

Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức của người dân cũng được xem là giải pháp trọng tâm. Các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cần có khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng trên sản phẩm để người sử dụng biết thông tin, chủ động khi uống. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền về mức xử phạt vi phạm của hành vi này nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của cộng đồng. Người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở, phản đối người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia…

Trong các nhà trường, cần lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của lạm dụng rượu, bia vào môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa phù hợp các cấp học, bậc học; chú trọng tuyên truyền, thông tin cho học sinh, sinh viên về tác hại của lạm dụng rượu, bia với sức khỏe con người, tác hại đối với từng lứa tuổi, độ tuổi được phép mua, uống rượu, bia; kỹ năng từ chối uống rượu, bia…

Đỗ Bình - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›