Từ chỗ đá 6 trận nhưng chỉ ghi được 1 bàn thắng trong hiệp 1, đến việc 4 trận đấu gần nhất của đội tuyển Việt Nam, có đến 5 bàn thắng được ghi sau phút 90, những con số chưa nói được hết nhưng cũng phần nào hình dung về cách mà thầy trò HLV Kim Sang Sik đi đến trận đấu cuối cùng, cho dù có những lăn tăn nhất định khi chúng ta vướng nhiều chấn thương cuối trận bán kết lượt về.
Việc ghi các bàn thắng muộn thường không phải là điều dễ dàng. Nhìn chung, trong bóng đá đỉnh cao, ghi bàn và có các bàn thắng quyết định khi trận đấu gần khép lại luôn được đánh giá cao.
Đầu tiên, đó là năng lực tinh thần và thái độ chơi bóng vượt trội. Kế đến, xét về chuyên môn, thì các đội bóng muốn ghi bàn phút cuối thường phải có thể lực tốt, chiều sâu đội hình ổn và đang có một thế trận thực sự tốt hơn đối thủ mới kiên trì tìm kiếm bàn thắng. Tóm lại, đó là các phẩm chất của một đội bóng mạnh hơn.
Sau trận thua Việt Nam, báo chí Singapore bên cạnh việc chỉ trích các quyết định của VAR, thì cũng phải thừa nhận khả năng tập trung của đội nhà không tốt. Đá 6 trận, Singapore thủng lưới đến 10 bàn và phân nửa là sau phút bù giờ, đó là 2 bàn thua trước Thái Lan và 3 bàn trước Việt Nam. Những chi tiết đó phản ảnh một Singapore chưa đủ tầm để tranh chấp chức vô địch. Họ rất tốt, nhưng chưa đủ sức.
Ở phía ngược lại, ngay bàn thắng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong hiệp một tính đến nay, cũng được thực hiện sau giờ đá chính thức. Từ đầu giải đến nay, chúng ta có đến 8 bàn thắng được ghi từ phút 75 trở đi và trong đó có đến 3 bàn mang yếu tố quyết định trước Indonesia, Philippines và Singapore (bán kết lượt đi).
Trong khi đó, nếu không tính 2 trận đấu vòng loại World Cup khi mà HLV Kim Sang Sik chỉ mới đến và chưa có quá trình xây dựng đội tuyển cho riêng mình, thì ở 3 trận giao hữu chính thức sau đó trước Nga, Thái Lan và Ấn Độ thì chúng ta không có nổi bàn thắng nào trong hiệp 2.
Phải xâu chuỗi các con số đó thì sẽ dễ hình dung rõ ràng hơn những tiến bộ mà HLV Kim Sang Sik đã đạt được kể từ khi ông chính thức bắt tay tạo ra "triều đại" của mình. Có thể cho đến nay, ở góc độ trình diễn, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa thực sự gọn gàng, rõ nét về chiến thuật lẫn những miếng đánh sở trường, nhưng bù lại, đây là một tập thể có sức chiến đấu ngày càng cao, tăng dần qua từng trận đấu.
Thứ tinh thần không bỏ cuộc ấy chính là điều tạo ra "kỳ tích Thường Châu" để khởi đầu một giai đoạn huy hoàng, và đã từng lụi tàn ở phần cuối nhiệm kỳ thứ 2 của HLV Park Hang Seo. Từ một đội bóng không dễ bị đánh bại, Việt Nam chuyển thành một đội không còn khả năng giành chiến thắng, mà dễ thấy nhất là 3 trận thua liên tiếp trước Indonesia dưới thời HLV Philippe Troussier.
Thế nên có thể nói, thành công lớn nhất của HLV Kim Sang Sik đến lúc này không phải là tấm vé vào chung kết theo đúng kế hoạch, mà là ông đã tái tạo được thứ phẩm chất quan trọng nhất của "Những chiến binh sao vàng".
Thế nên, dù rất đáng tiếc, nhưng cũng hiểu được phần nào nguyên nhân mà nhiều cầu thủ lại chơi quá "máu" đến mức dính chấn thương cuối trận đấu với Singapore. Nếu toan tính một chút, có lẽ chúng ta chỉ cần "câu giờ", điều mà các cầu thủ đang chơi như thói quen ở V-League, thì đã đủng đỉnh vào chung kết, chứ không đến mức lo lắng cho 2 cánh của đội tuyển như hiện nay.
Nhưng như đã nói, ở khiá cạnh xây dựng đội bóng, rất khó để HLV Kim Sang Sik yêu cầu các cầu thủ của mình làm ngược với thứ mà ông muốn họ cố gắng mỗi ngày. Hành trình của đội tuyển tại ASEAN Cup 2024 là một biểu đồ đang hướng đi lên. Cách ông Kim Sang Sik bất chấp rủi ro để xoay tua đội hình cũng là phương pháp để ông ép mỗi cầu thủ khi được đưa vào sân phải "cháy" cho hết vì không ai là không thể bị thay thế.
Thứ bóng đá ấy, tinh thần ấy chính là cơ sở để chúng ta luôn có thể ghi bàn, miễn là trọng tài chưa thổi còi kết thúc.
Nói cách khác, ông Kim Sang Sik đang "đánh cược" với sự nghiệp của mình bằng một cách kiên trì theo đuổi những chọn lựa để xây dựng đội bóng chiến thắng, và không có gì bất ngờ khi chính những học trò của ông cũng phải "lao" vào ngọn lửa mà chính ông thầy người Hàn Quốc tạo nên.
Tags