Qua mỗi thập kỷ, các vận động viên hàng đầu dường như ngày càng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và, có thể nói, xuất sắc hơn. Nhưng trong khi các kỷ lục liên tục bị xô đổ, một số dường như vượt ngoài sức tưởng tượng.
Thực tế, đó cũng từng là suy nghĩ của nhiều người về kỷ lục ghi bàn tại NHL của Wayne Gretzky, cho đến khi Alexander Ovechkin xuất hiện. Trong 31 năm, Gretzky giữ vị trí tay ghi bàn hàng đầu mọi thời đại tại NHL với 894 bàn thắng. Nhưng vào ngày 7/4 vừa rồi, Ovechkin, 39 tuổi, của Washington Capitals đã vượt qua cột mốc này. Dù vậy, Gretzky vẫn nắm giữ một số kỷ lục được coi là bất khả xâm phạm, chẳng hạn như con số 1.963 đường kiến tạo trong sự nghiệp - một thành tích khó tin.
Điều này khiến chúng ta nghĩ đến những kỷ lục khác trong thể thao vốn được xem là khó có khả năng bị phá vỡ. Liệu chúng có thể bị vượt qua một ngày nào đó, hay sẽ mãi mãi nằm trong sách sử?
Bóng đá
Bàn thắng xa nhất: 96,01 mét (104,9 yard). Dù có chủ ý hay không, vào tháng 1/2021, thủ môn Tom King của Newport County - với sự hỗ trợ từ độ nảy của bóng và gió - đã ghi bàn từ một cú phát bóng. Thành tích này lập kỷ lục thế giới, vượt qua bàn thắng 91,9 mét (100,5 yard) của cựu thủ môn Stoke City, Asmir Begovic, vào tháng 11/2013. Để phá kỷ lục cú sút xa của King, cần rất nhiều sự táo bạo (và cả sự trợ giúp từ thời tiết).
Khoảng thời gian ngắn nhất giữa 2 bàn thắng: 9 giây. 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Chỉ mất vài giây để đếm những con số này. Thật khó tin, Wycombe Wanderers đã ghi 2 bàn chỉ trong 9 giây trong trận đấu với Peterborough United vào tháng 9/2000. Bàn đầu tiên đến từ một quả đá phạt, và bàn thứ 2, ngay sau giờ nghỉ giữa hiệp, là một pha solo xuất sắc của Jermaine McSporran, ghi bàn ngay từ cú giao bóng. Peterborough United thậm chí không chạm được bóng giữa 2 bàn thắng, với khoảng cách thời gian chỉ 9 giây – một kỷ lục thế giới mới.
Tỷ số cao nhất: 149-0. Đội vô địch giải hạng nhất Madagascar, Stade Olympique de l'Emyrne (SOE), bước vào trận đấu với đối thủ truyền kiếp AS Adema vào tháng 11/2002 với tâm trạng bất mãn. Ở trận trước đó, SOE cho rằng một quyết định phạt đền đã chống lại họ, khiến họ không thể bảo vệ danh hiệu vì không giành được chiến thắng cần thiết. Đã thế, AS Adema lại được trao ngôi vô địch. Để trả đũa, SOE cố tình thua trận tiếp theo với Adema như một hình thức phản đối trọng tài mà họ cho là đã cướp đi danh hiệu của mình. Sau khi giành được bóng, họ tự sút vào lưới nhà 149 bàn với tốc độ trung bình cứ 36 giây một bàn – một kịch tính mà ngay cả truyền hình thực tế cũng phải thán phục.

Rất khó để xô đổ kỷ lục 23 HCV của Michael Phelps
Olympic
Huy chương vàng: 23. Michael Phelps có thể sẽ đau cổ nếu đeo cả 23 HCV Olympic của mình. Có 6 VĐV đạt được 9 HCV, bao gồm 2 kình ngư Mỹ còn thi đấu là Katie Ledecky và Caeleb Dressel, nhưng họ vẫn còn cách xa Phelps - người từng giành 8 HCV chỉ trong một kỳ Olympic Bắc Kinh 2008. Việc bơi lội cho phép thi đấu ở nhiều nội dung và cự ly khác nhau đã giúp ích, nhưng không kình ngư nào trong lịch sử có được sự toàn diện như Phelps, cả về các nội dung anh xuất sắc lẫn khoảng thời gian anh ở đỉnh cao - thống trị qua 4 kỳ Olympic ở nhiều nội dung.
Dù Ledecky là một kình ngư xuất sắc, cô chỉ nổi bật ở các nội dung tự do cự ly dài. Tương tự, Dressel là chuyên gia ở các nội dung nước rút. Leon Marchand, 22 tuổi, người Pháp, đã giành 4 HCV ở Paris năm ngoái, vẫn còn thời gian và tài năng. Nhưng ngay cả khi các nội dung bơi nước rút 50m được bổ sung vào chương trình Olympic ở Los Angeles, việc một VĐV tiến gần đến kỷ lục của Phelps vẫn là một thành tựu phi thường.
Kỷ lục 100m nữ: 10,49 giây. Florence Griffith Joyner, biệt danh "Flo-Jo," từng giành huy chương bạc Olympic 1984 và World Championships 1987 ở nội dung 200m. Nhưng năm 1988, cô trở thành ngôi sao toàn cầu khi phá kỷ lục thế giới 100m và vượt xa thành tích cá nhân tốt nhất tại vòng loại Olympic Mỹ. Có tranh cãi về tốc độ gió - trên đường chạy ghi nhận 0,0 nhưng thiết bị nhảy ba gần đó ghi nhận 4,3 mét/giây - nhưng kỷ lục vẫn được công nhận. Cho đến nay, không ai tiếp cận được thời gian của cô gái California này, khi cả kỷ lục 100m và 200m (21,34 giây) của cô vẫn còn tồn tại. Elaine Thompson-Herah là người tiến gần nhất đến kỷ lục 100m, khi vận động viên Jamaica này chạy 10,54 giây vào năm 2021.
Quần vợt
Calendar Golden Grand Slam. Năm 1988, Steffi Graf, khi đó 19 tuổi, đã có một năm hoàn hảo nhất trong lịch sử quần vợt. Tay vợt người Đức đạt được cú Calendar Golden Grand Slam, vô địch cả 4 giải lớn - Úc mở rộng, Pháp mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng - cùng HCV Olympic trong cùng một năm. Cô là tay vợt đơn duy nhất đạt được kỳ tích này, và kỷ lục của cô càng khó bị phá vỡ hơn khi Olympic chỉ diễn ra 4 năm một lần.
NBA & NFL
Số điểm cao nhất trong một trận: 100 điểm. Một trong những bức ảnh biểu tượng nhất lịch sử NBA là hình ảnh đen trắng của Wilt Chamberlain cầm tờ giấy ghi số "100" sau đêm lịch sử vào tháng 3/1962. Không có đoạn phim truyền hình nào ghi lại trận đấu 100 điểm của Chamberlain cho Philadelphia Warriors trước New York Knicks, vì thời đó nhiều trận NBA không được phát sóng. Gần đây, một số người nghi ngờ liệu điều đó có thực sự xảy ra. Chamberlain lập kỷ lục mà không có vạch 3 điểm - thứ NBA đưa vào từ mùa 1979-1980. Anh ghi 36/63 cú ném xa và 28/32 cú ném phạt. Năm đó, anh còn đạt trung bình 50,4 điểm mỗi trận, góp phần lớn vào việc tăng độ phổ biến của NBA.

Le Bron James thi đấu cùng con trai Bronny
Tay ghi điểm hàng đầu mọi thời đại: Hơn 42.170 điểm. LeBron James đang ở mùa giải NBA thứ 22. Ở tuổi 40, anh đã dành hơn nửa cuộc đời tại giải đấu này - và sự trường thọ của anh thậm chí cho phép anh thi đấu cùng con trai, Bronny James. Qua 22 mùa giải, anh luôn là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất - 21 lần vào đội hình All-Star và dẫn đầu về điểm số vào năm 2008. Sự bền bỉ và khả năng phi thường đã giúp anh trở thành tay ghi điểm hàng đầu mọi thời đại của NBA vào ngày 7/2/2023, vượt qua Kareem Abdul-Jabbar - người giữ kỷ lục suốt 39 năm. Tính cả vòng play-off, James là cầu thủ NBA đầu tiên vượt mốc 50.000 điểm.
Sự trường thọ của anh có thể so sánh với Jerry Rice – một cầu thủ bóng bầu dục ở vị trí wide receiver. Rice, thi đấu 20 mùa tại NFL và giành 3 Super Bowl với San Francisco 49ers, đang giữ kỷ lục về số lần bắt bóng (1.549), số yard nhận bóng (22.895) và số lần ghi touchdown nhận bóng (197).
Đua xe F1
Số cuộc đua nhiều nhất mà không có podium: 231. Đã tham gia 231 chặng đua Grand Prix tính đến nay, Nico Hülkenberg là một trong những tay đua giàu kinh nghiệm nhất lịch sử đua xe F1. Tuy nhiên, anh chưa từng đứng trong Top 3. Kể từ khi ra mắt F1 năm 2010, tay đua 37 tuổi này thường giành điểm ở giữa bảng xếp hạng cho các đội như Williams, Force India, Renault, Racing Point, Aston Martin, Haas và hiện tại là Sauber. Qua sự nghiệp dài, khả năng tích lũy điểm của "Hulk" khiến anh trở thành một tay đua giá trị cho các đội tầm trung, nhưng thành tích tốt nhất anh đạt được chỉ là 3 lần về thứ tư.
Tay đua trẻ nhất ghi điểm: 17 tuổi, 180 ngày. Max Verstappen là người rất quen thuộc với podium. Tính đến thời điểm bài viết, nhà vô địch thế giới 4 lần này đã thắng 64 chặng đua F1 và là tay đua trẻ nhất, tay đua trẻ nhất ghi điểm cũng như trẻ nhất thắng một chặng đua trong lịch sử F1. Tay đua người Hà Lan ghi điểm đầu tiên tại Malaysian Grand Prix 2015, về thứ 7 cho Toro Rosso khi mới 17 tuổi, 180 ngày. Đây là một kỷ lục khó phá. Năm 2016, Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA) đã đặt độ tuổi tối thiểu là 18 tại F1, dù quy định sau đó được điều chỉnh, cho phép các tay đua 17 tuổi xin Giấy phép Siêu cấp FIA, mà FIA sẽ cấp theo quyết định của mình.
Tags