(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 18/3, tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư. Là Tổng thống thứ hai của Nga thời kỳ hậu Xô Viết trải qua 3 nhiệm kỳ với gần 15 năm, ngài Vladimir Putin đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên chính trường và được người dân yêu mến.
- GS Đại học lý giải sức hút của Tổng thống Putin với người dân Nga
- Nước Nga ngập cờ hoa mừng chiến thắng của Tổng thống Vladimir Putin
- Tổng thống Nga Vladimir Putin chiến thắng áp đảo, tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4
Vladimir Putin bước chân vào chính trường quy mô quốc gia từ năm 1999, khi đó ông trở thành Phó Thủ tướng đầu tiên của Nga, sau đó là quyền Thủ tướng và cuối cùng chính thức làm Thủ tướng. Tổng thống đầu tiên của Nga thời kỳ hậu Xô Viết Boris Yeltsin trong bài phát biểu chúc mừng Năm mới 2000 đã tuyên bố từ chức. Thủ tướng Putin trở thành Tổng thống lâm thời. Sau cuộc bầu cử tháng 3/2000, ông chính thức trở thành Tổng thống và giữ chức vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Sự xuất hiện của Tổng thống Putin trên đấu trường chính trị khiến tất cả mọi người ngạc nhiên. Phóng viên Mỹ Trudy Rubin thể hiện phản ứng của các quốc gia phương Tây lúc bấy giờ khi đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos một cách cực kỳ khéo léo.
“Ngài Putin là ai?”, nữ phóng viên hỏi phái đoàn Nga, khiến cả khán phòng cười rộ. Một năm rưỡi sau đó, cô có cơ hội được đích thân gặp mặt và phỏng vấn ngài khi tham dự một cuộc họp báo chí lớn. Tổng thống Putin đã trả lời câu hỏi đó một lần nữa sau 7 năm, tại một cuộc họp báo tổ chức tháng 2/2008.
Ông hóm hỉnh trả lời: “Tôi nghĩ tôi đã trả lời câu hỏi này trong suốt 8 năm qua, không qua lời nói mà là bằng tất cả những gì tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình dưới tư cách là người đứng đầu đất nước. Theo quan điểm của mình, tôi chưa từng phản bội niềm tin tưởng, hi vọng của công dân Liên bang Nga”.
Vực nền kinh tế nước Nga sau cú sốc cải cách
Tổng thống Putin nhận vị trí lãnh đạo một quốc gia vừa mới trải qua một cuộc cải cách kinh tế không hiệu quả, gây ra tình trạng lạm phát và khủng hoảng tài chính 1998, kèm theo những vết nứt sâu trong bộ máy chính trị.
“Ông ấy ngay lập tức khẳng định mình là một nhà lãnh đạo đất nước, có khả năng hợp nhất đất nước và thiết lập lại trật tự”, Nikolai Mironov – người đứng đầu Trung tâm Cải cách Kinh tế và Chính trị nhận định.
Tổng thống Putin dành nguyên nhiệm kỳ đầu tiên để áp dụng những cải cách kinh tế cần thiết, liên quan đến chi trả thuế, ngân hàng và tiền lương hưu. Một trong những thách thức lớn nhất mà ông phải đối mặt trong nhiệm kỳ đầu tiên là vấn đề chính sách ly khai Chechen, sau này kéo theo các cuộc tấn công khủng bố tại Moskva và các thành phố khác trong nước Nga.
“Chúng ta sẽ tiêu diệt bọn khủng bố ở khắp mọi nơi. Nếu phát hiện chúng ở sân bay, hãy tới sân bay… và vấn đề được giải quyết”, Tổng thống Putin tuyên bố vào tháng 9/1999 khi còn là Thủ tướng.
Kể từ đó đến nay, quan điểm của Tổng thống Putin về chủ nghĩa khủng bố không hề thay đổi, thậm chí sau cả các cuộc tấn công tàu điện ngầm Moskva năm 2010 và vụ máy bay Airbus A321 gặp nạn tại Bán đảo Sinai (Ai Cập) năm 2016.
Tổng thống Putin rời khỏi vị trí vào năm 2008, sau khi lãnh đạo đất nước hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ông trao chức vụ cho ngài Dmitry Medvedev và tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng, tự giao cho mình nhiệm vụ giải quyết hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính tòan cầu 2008 gây ra.
“Công việc của tôi trong chính phủ vào những năm tháng khó khăn đó có thể coi là một thử thách đặc biệt. Tôi đã học được rất nhiều điều tự sự kiện đó”, Tổng thống Putin hồi tưởng lại những khó khăn khi làm Thủ tướng sau 2008.
Tại hội nghị đảng Nước Nga Thống nhất tổ chức trong tháng 9/2011, ông Putin chấp thuận tranh cử vị trí Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2012. Lại một lần nữa ông đắc cử, và lần này nhiệm kỳ kéo dài 6 năm.
Vào ngày nhậm chức, Tổng thống Putin ký một chương trình đảm bảo xã hội quy mô lớn bao gồm việc xây dựng 200 công trình, còn được gọi là Sắc lệnh tháng Năm.
Trong nhiệm kỳ thứ ba, Tổng thống Putin tập trung giải quyết các vấn đề địa chính trị. Thế giới bắt đầu nhìn nhận ông là một nhà chính trị đi theo giá trị truyền thống và bảo thủ. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới tình trạng Mỹ gây sức ép về mặt chính trị và kinh tế lên Nga.
Đưa Nga trở thành “người chơi địa chính trị chủ chốt”
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich năm 2007, Tổng thống Putin chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ và sáng kiến về một thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ. Ông tuyên bố mô hình này cực kỳ nguy hiểm và không có gì gọi là đồng nhất với nền dân chủ mà Mỹ khẳng định. “Chúng ta luôn được dạy về sự dân chủ… nhưng vì một số lí do nào đó, những người dạy chúng ta lại không muốn bản thân họ như vậy”, ông lên án.
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh nước Nga sẽ không đi ngược truyền thống áp dụng chính sách ngoại giao độc lập.
Thời gian sau, Tổng thống Nga tiếp tục tích cực góp phần nâng cao lợi ích của nước Nga trên sàn đấu quốc tế. Đặc biệt là sau sự kiện Crimea trưng cầu dân ý sát nhập Nga sau bất ổn tại Ukraine năm 2014, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng đi xuống.
Đến năm 2015, Nga triển khai Chiến dịch Không quân tại Syria theo lời đề nghị của Tổng thống nước này Bashar Assad. Đầu tháng 12, Tổng thống Putin tuyên bố với sự trợ giúp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Syria khỏi tay bọn khủng bố.
Rất nhiều hãng truyền thông phương Tây nhấn mạnh chiến dịch Syria là một thành công của Điện Kremlin và là một bước đi quảng bá cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khiến vị thế của Nga tại Trung Đông càng được khẳng định.
“Sự tham gia của chúng tôi tại Syria một lần nữa khẳng định vai trò của Nga như một cường quốc thế giới, mà không có chúng tôi, chẳng có vấn đề nghiêm trọng nào trên thế giới được giải quyết triệt để”, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko tự hào.
Vận động viên và một người say công việc
Rất nhiều người ngưỡng mộ khả năng làm việc phi thường của Tổng thống Putin. Một ngày làm việc của ông tại Điện Kremlin thường kéo dài qua đêm và kết thúc vào rạng sáng hôm sau, mặc cho lịch di chuyển dày đặc. Bất ngờ hơn nữa ông vẫn có đủ thời gian để bảo đảm sức khỏe của mình.
“Tổng thống Putin là một người sinh hoạt tuân thủ theo đúng lịch trình mà ông đã đề ra. Kể cả khi ngày làm việc của ông kéo dài sang sáng hôm sau, ông cũng vẫn đi bơi và luyện tập trong phòng gym”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Các môn thể thao được coi là một trong những sở thích chính của Tổng thống Putin. Bên cạnh là bậc thầy của môn võ Judo và nhu đạo, ông còn có thể trượt băng, chơi hockey một cách thuần thục.
Lãnh đạo nước Nga còn được biết đến với lòng yêu thương các con vật. Trong những cuộc gặp mặt ngoại giao, ông thường xuyên được các lãnh đạo các nước tặng quà là thú nuôi, lúc thì là chó, lúc là một chú hổ nhỏ Ussuri, thậm chí có lần là một con cá sấu.
Với thân hình cường tráng khỏe mạnh, Tổng thống Putin không ngần ngại tham gia các hoạt động cần sự linh hoạt của cơ bắp. Có lần ông đích thân dập lửa trong đám cháy rừng khu vực Ryazan, lặn sâu xuống dưới đáy hồ Baikal và Biển Đen, ngồi sau tay lái một chiếc xe đua công thức 1, ngồi thử nghiệm trên máy bay chiến đấu đánh chặn Su-27 và lái thử máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tags