Từ câu chuyện của sách giáo khoa

Thứ Năm, 15/10/2020 08:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những tranh cãi về chất lượng của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới đang ngày loang rộng. Để rồi, từ một vấn đề tưởng như chỉ là việc riêng của ngành giáo dục, câu chuyện đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Bộ GDĐT sẽ mở rộng kênh để người dân 'nhặt sạn' sách giáo khoa

Bộ GDĐT sẽ mở rộng kênh để người dân 'nhặt sạn' sách giáo khoa

“Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các kênh để giáo viên và nhân dân tham gia góp ý, phản biện ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo sách giáo khoa. Nhiều người góp ý là để hạn chế lỗi nhỏ nhất, “những hạt sạn” xuất hiện trong sách”.

Ngày 13/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo về việc này. Như lời Thủ tướng, sách giáo khoa là vấn đề liên quan đến từng nhà, từng gia đình, cần tiết kiệm cho người dân, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu cần có bộ sách giáo khoa, sách tham khảo phù hợp với văn hóa Việt Nam, trẻ em Việt Nam.

Trước đó một ngày, khi chủ trì cuộc họp xử lý các vấn đề về bộ sách này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách cầu thị, khoa học những góp ý từ dư luận.

Chú thích ảnh

Cũng cần nhắc lại, bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - bộ sách Cánh Diều (do GS Nguyễn Minh Thuyết làm chủ biên), 1 trong 5 bộ sách được lựa chọn mới đưa vào trường học - đã nhận về một số ý kiến cho rằng cuốn sách có quá nhiều "hạt sạn", không ít bài tập đọc, truyện phóng tác không mang ý nghĩa giáo dục, nội dung thiếu phù hợp, từ ngữ khó hiểu...

Trong khi đó, bên cạnh những phản biện về chuyên môn của Hội đồng biên soạn, cũng đã có một số ý kiến cho rằng sách mới chỉ được sử dụng để giảng dạy thời gian ngắn và cần thêm thời gian để đánh giá chính xác. Đặc biệt, những phản ứng được đưa ra cũng vẫn là suy nghĩ chủ quan của một số bậc phụ huynh - tức là những “người lớn” - trong khi các học sinh nhỏ tuổi cũng cần được lên tiếng về khả năng tiếp nhận kiến thức từ sách, theo thế giới quan và tư duy ở độ tuổi của mình.

***

Phần nào, việc một vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn về giáo dục được “nâng tầm” và thu hút sự chú ý của toàn xã hội là một tín hiệu tích cực. Đó là câu chuyện về sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng với việc tiếp nhận kiến thức - cũng như sự nhiệt tình và tâm huyết trong việc muốn có những cuốn sách giáo khoa tốt nhất cho con em mình.

Nhưng ở hướng ngược lại, rõ ràng, những gì đang diễn ra cũng cho thấy sự lo lắng vốn được tích tụ từ rất lâu của dư luận với tất cả nhược điểm và sự chưa hoàn thiện trong ngành giáo dục hiện nay. Tâm lý ấy luôn gắn với một mê cung của những ý tưởng, của những cuộc tranh luận qua lại hay những lời than thở - điều đã từng diễn ra trong những năm vừa qua.

Đơn cử, chỉ riêng về vấn đề “nhặt sạn” trong sách giáo khoa, chúng ta gần đây cũng đã có cả loạt tranh cãi về việc viết sai tên vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn thành “Lí Thái Tổ”, “Lí Công Uẩn”, nhầm lẫn giữa 2 nhà thơ Đoàn Văn Cừ và Anh Thơ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, hay việc “thay đổi giới tính” của A Phủ trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12…

***

Cuộc tranh cãi xung quanh bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 vẫn còn kéo dài, chí ít cũng phải đến khi Hội đồng thẩm định có báo cáo chính thức sau khi rà soát lại... Nhưng có một điều chắc chắn, khi giáo dục vừa là một vấn đề xã hội, vừa là một vấn đề thiết thân đến mọi gia đình, chúng ta không thiếu sự tâm huyết, kiến thức và cả những nguồn lực mà cộng đồng dành cho nó.

Trong bối cảnh ấy, gợi ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 12/10 vừa qua rất cần được quan tâm. Theo Phó Thủ tướng, bằng ứng dụng công nghệ thông tin, ngay khi nộp cho Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, phía biên soạn cũng có thể đồng thời đưa lên mạng, kêu gọi giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng, đặc biệt các phụ huynh, cùng góp ý, “nhặt sạn” ngay từ đầu; qua đó, tạo thuận lợi cho nhà xuất bản, Hội đồng quốc gia thẩm định sách.

Như thế, rõ ràng, sẽ rất đáng tiếc nếu những vấn đề của giáo dục vẫn chỉ được coi là câu chuyện của số ít, câu chuyện của chuyên gia, mà bỏ qua sự nhiệt tình từ phía cộng đồng.

Anh Bảo

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›