(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, hai câu chuyện liên quan tới việc vận chuyển hành lý tại sân bay cùng khiến dư luận nóng lên trong mấy ngày qua.
Cụ thể, ngày 18/2, trên facebook cá nhân, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn (Phó Tổng thư ký ASEAN) chia sẻ một câu chuyện liên quan tới việc ký gửi hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất. Như lời Đại sứ, 4 tháng qua, khi thường xuyên quá cảnh tại đây trong các chuyến công tác, có tới 3 chiếc vali và 1 thùng đồ của ông được nhận về trong cảnh hỏng, vỡ hoặc dập nát hoàn toàn.
Chỉ một ngày sau đó, liên quan tới một sân bay khác, SAGS (Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn, chi nhánh tại Đà Nẵng) công bố thông tin kỷ luật hai nam nhân viên tham gia vận chuyển hành lý.
Trong một clip được hành khách ghi lại trước đó, hai nhân viên này đã quăng các kiện hành lý ký gửi (được chuyển từ máy bay lên xe nâng) tại sân bay Đà Nẵng một cách rất cẩu thả và vô trách nhiệm. Như kết luận của SAGS, đây là hành vi hoàn toàn không tuân thủ đúng quy trình làm việc, có thể gây hư hỏng hành lý của khách hàng.
Thực tế, nếu tìm kiếm và thống kê, chúng ta cũng đủ cơ sở để nói rằng những sự cố kiểu này đã từng xảy ra như một tiền lệ.
Điển hình, ngay trước Tết âm lịch 2019, chính tại sân bay Đà Nẵng, một hành khách từng khiếu nại về việc nhận lại vali trong tình trạng bị vỡ nát, quần áo đồ dùng rơi ra ngoài. Sau đó, anh được bồi thường 760.000 đồng và phải dùng túi nilon để gói vật dụng mang đi.
Tệ hại hơn, không còn là chuyện thiếu ý thức, một nhân viên vận chuyển khác tại sân bay Tân Sơn Nhất từng bị phát hiện cố tình lấy trộm điện thoại trong vali của du khách vào khoảng 10 tháng trước, khi anh ta phát hiện vali này bị tuột khóa.
***
Người viết không định làm tiếp việc thống kê, khi những vụ việc tương tự không hề ít. Và cũng không định nói về hậu quả của câu chuyện. Bởi, chỉ một nhận xét, vẫn từ Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, là đủ để người đọc tự đánh giá: đó không chỉ là chuyện của ngành hàng không, mà còn là một trở ngại cho việc phát triển du lịch quốc tế hoặc thu hút đầu tư vào Việt Nam, khi bản thân hành khách Việt Nam còn ngần ngại với việc sử dụng dịch vụ của chính mình.
Nếu có gì bàn thêm, đó là cách mà 2 câu chuyện kể trên đến được với độc giả, qua con đường của mạng xã hội và internet.
Từ sự chủ động của Đại sứ Tuấn, cũng như của hành khách đã ghi lại clip ở sân bay Đà Nẵng, sự cố không còn là những câu chuyện riêng của mỗi người mà đã được cộng hưởng. Để rồi, khi dư luận và cộng đồng quan tâm, vấn đề thật sự trở thành trách nhiệm phải giải thích, xác minh mà phía cung cấp dịch vụ cần tuân thủ trước người tiêu dùng. (Hiện, phía có trách nhiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã khẳng định sẽ kiểm tra và xác minh trường hợp mà ông Tuấn nêu).
Không chỉ ở sân bay, rất nhiều vụ việc tương tự cũng được cộng đồng đặt ra - và được giải quyết - với sự hỗ trợ của internet và smartphone như thế. Đó là điều tất yếu, trong một giai đoạn mà công nghệ đang chi phối nhiều sự kiện trong xã hội.
Chúng ta đang nói rất nhiều tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự bùng nổ của công nghệ. Chắc chắn, trong cuộc cách mạng ấy, cộng đồng người tiêu dùng sẽ càng dễ dàng thực hiện những đòi hỏi về sự minh bạch, cũng như quyền được giám sát dịch vụ của mình.
Trên facebook, khi đưa ra những kiến nghị như thuê tư vấn độc lập (để đánh giá về vận chuyển, quản lý đồ đạc hành khách) hay lắp camera tại sân bay để du khách tự theo dõi việc vận chuyển hành lý, Đại sứ Tuấn gọi đó là công việc của thời kỳ 1.0 và 2.0. Ông nói: “Việc ngay trong tầm tay mà xử lý không nổi thì nói đến giấc mơ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ rất khó để thuyết phục”.
Quả thật, những công việc ở thời kỳ 1.0 và 2.0 ấy không khó để xử lý. Và lẽ ra, cần được xử lý sớm hơn, nếu người trong cuộc ý thức được rằng: bây giờ, để tìm sự minh bạch, cộng đồng đã biết cách đặt ra những yêu cầu khó từ chối.
Sơn Tùng
Tags