Sự gắn bó khăng khít, chí tình giữa Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304 trong hơn nửa thế kỷ qua là hình mẫu đẹp về tình cảm quân dân.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều đại biểu đã khẳng định như vậy tại cuộc giao lưu kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304 do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ngày 15/4 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam qua các thời kỳ; các nhà báo chiến trường, thân nhân nhà báo liệt sỹ và đông đảo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 304 tham dự buổi giao lưu.
Trong không khí thân tình, ấm áp, các đại biểu xúc động ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên về năm tháng đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc, về mối quan hệ gắn bó mật thiết, nghĩa tình giữa Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304; đặc biệt là những kỷ niệm của các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thế hệ lãnh đạo, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên lãnh đạo Sư đoàn 304, cho rằng tình cảm kết nghĩa giữa Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304 - nơi ra đời của phong trào thi đua ba nhất “nhanh nhất, đều nhất, giỏi nhất,” đã thể hiện tình quân dân mẫu mực. Bắt đầu từ đây, phong trào kết nghĩa với các đơn vị quân đội được mở rộng ở nhiều địa phương, góp phần động viên tinh thần chiến sỹ, gắn chặt tình đoàn kết quân dân.
Nguyên Tổng Bí Lê Khả Phiêu chia sẻ, ấn tượng nhất là sau mỗi trận đánh lại được nghe tin tức của Thông tấn xã Việt Nam, mỗi người lính Sư đoàn 304 như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu và lại thêm nhớ Thông tấn xã Việt Nam, nhớ sự gắn bó giữa hai đơn vị và những lời ân cần, những món quà các lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam trao tặng trước khi ra trận…
Nguyên Tổng Bí thư mong muốn, thời gian tới, mối quan hệ gắn bó giữa hai đơn vị ngày càng hiệu quả và bền vững, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, mối quan hệ gắn bó mật thiết không thể tách rời giữa quân và dân…
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh đánh giá cao tình cảm thắm thiết giữa Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304, cho rằng đây là tình cảm sâu nặng, được kết tinh bằng máu và nước mắt của những chiến sỹ Sư đoàn 304, của những nhà báo chiến trường Thông tấn xã Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đỗ Phượng, Trần Mai Hưởng, nhà báo Đinh Quang Thành đã chia sẻ những kỷ niệm đẹp về tình cảm gắn bó mật thiết, sự quan tâm, chăm sóc như anh em ruột thịt và đặc biệt là tạo điều kiện tác nghiệp cho phóng viên chiến trường Thông tấn xã Việt Nam của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 304 trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
“Thông tấn xã Việt Nam luôn động viên các chiến sỹ Sư đoàn; các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam luôn bám sát đơn vị trong mỗi trận đánh, kịp thời đưa tin, ảnh, bài về gương điển hình của Sư đoàn, góp phần động viên tinh thần các chiến sỹ. Đặc biệt, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam còn là người cung cấp thông tin, bản đồ chỉ đường, giúp cho Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tiến nhanh vào Sài Gòn…,” Trung tướng Phạm Xuân Thệ khẳng định.
Phát biểu tại cuộc giao lưu, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh 55 năm, hơn nửa thế kỷ kết nghĩa với những giá trị tinh thần to lớn là tài sản vô giá làm nên truyền thống vẻ vang của hai đơn vị anh hùng đã được nhiều thế hệ của lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304 trân trọng, giữ gìn và phát huy. Cuộc giao lưu lần này là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, có ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ phóng biên, biên tập viên trẻ của Thông tấn xã Việt Nam.
“Mối quan hệ thủy chung, trong sáng, sắt son giữa hai đơn vị là tài sản quý báu mà Thông tấn xã Việt Nam và Sư đoàn 304 sẽ luôn trân trọng gìn giữ và phát huy…,” Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam đã khánh thành Phòng truyền thống của ngành tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Phòng truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam gồm sáu chủ đề giới thiệu những hiện vật, bút tích, những bức ảnh, tư liệu quý của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước đối với Thông tấn xã Việt Nam; các hiện vật gốc là máy móc, bản tin, quyết định, những con dấu, sơ đồ… phác họa hình ảnh Thông tấn xã Việt Nam trong những ngày đầu thành lập. Đặc biệt, tại đây trưng bày toàn văn bản tin về Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử của Việt Nam bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, thông báo với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới.
Phòng truyền thống cũng trưng bày các tư liệu về sự phát triển của Thông tấn xã Việt Nam trong giai đoạn từ 1954-1975; từ 1975 đến nay; các hoạt động tri ân liệt sỹ; giao lưu với bạn đọc, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế... Ngoài ra, Phòng truyền thống còn giới thiệu các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước của các thế hệ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam và hình ảnh các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trên mọi nẻo đường.
Những tấm ảnh, tư liệu, hiện vật trong Phòng truyền thống góp phần phản ánh đầy đủ và sinh động về bước phát triển của Thông tấn xã Việt Nam, từ chỗ chỉ gồm một nhóm nhỏ cán bộ biết nghiệp vụ báo chí với một ít thiết bị thô sơ đến một tổ hợp truyền thông có số sản phẩm và loại hình thông tin nhiều nhất cả nước.
Thông tấn xã Việt Nam hiện có gần 2.500 cán bộ, công nhân viên, 32 đơn vị đầu mối và hệ thống 93 cơ quan thường trú trong và ngoài nước...
TTXVN
Tags