TT&VH Cuối tuần dừng phát hành, nhưng các chuyên mục không dừng lại…

Chủ nhật, 08/01/2017 07:16 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Không biết nói gì hơn vào thời điểm Thể thao & Văn hóa Cuối tuần dừng phát hành theo lộ trình “tái cơ cấu” của báo TT&VH để đẩy mạnh các nội dung số. Xin ghi lại những lời chia sẻ tâm huyết của các cây viết thân thiết, chủ yếu là các cộng tác viên, những người đã gắn bó lâu năm với các chuyên mục trên TT&VH Cuối tuần, góp phần làm nên thương hiệu của ấn phẩm này.

Có một điều chắc chắn rằng, những chuyên mục tinh hoa của ấn phẩm này vẫn tiếp tục tồn tại trên ấn phẩm hàng ngày, ra từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, và đương nhiên trên báo điện tử www.thethaovanhoa.vn, và các nền tảng nội dung số khác của TT&VH.

Đạo diễn Bá Vũ với "Thế giới điện ảnh"

Tôi bắt đầu giữ mục Thế giới điện ảnh từ năm 2010. Ban đầu tôi cũng nghĩ chuyên mục không thể sống lâu đến thế nhưng dần dần nó đã trở thành một "món ăn" không thể thiếu của tờ Thể thao & Văn hóa Cuối tuần. Cuối cùng Ban biên tập đã quyết định đính kèm hình của tôi "chết mục" này luôn.

Đạo diễn Bá Vũ

Ban đầu tôi chỉ xem đây là công việc tay trái, nhưng khi mục được yêu thích tôi cảm thấy trách nhiệm với độc giả ngày càng lớn. Bất ngờ là ngoài những độc giả của tờ báo mà còn có những người trong giới điện ảnh coi mục này là món ăn tinh thần không thể thiếu của họ. Nhiều người hàng tuần còn cắt bài viết của tôi đóng thành tập để đọc dần. Đó là niềm vui không nhỏ cho người viết.

Chuyên mục "Thế giới điện ảnh" do đạo diễn Bá Vũ thực hiện sẽ tiếp tục xuất hiện trên báo TT&VH số thứ Sáu hàng tuần.

Hạnh phúc nhất là Thể thao & Văn hóa Cuối tuần cho tôi sự tự do lựa chọn để tài, cách viết, gần như không có rào cản, cấm kị gì hết. Nên bản thân tôi cũng phải cố gắng hết sức sưu tầm thông tin từ băng đĩa, sách báo, các nguồn khác để bài viết tốt nhất có thể.

Điện ảnh chính là biến tưởng tượng thành sự thật, và để làm được một tác phẩm điện ảnh, nhà làm phim đã phải bỏ ra biết bao công sức. Đó chính là thông điệp mà chuyên mục của tôi muốn gửi tới độc giả.

Nhưng cuộc chơi nào cũng sẽ tới hồi kết thúc. Báo giấy sụt giảm là xu hướng của cả thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Tôi có chút buồn nhưng sẽ tiếp tục cộng tác với Thể thao & Văn hóa vì đã coi tờ báo như là nhà.

Dịch giả Lê Quang với chuyên mục "Có thể bạn chưa biết"

Dịch giả “Người đọc”, “Tình ơi là tình”, “Con rối tha hương”, “Vị hạt táo”… đã gắn bó với báo Thể thao & Văn hóa nhiều năm nay, trong đó có chuyên mục “Có thể bạn chưa biết”. Đó không phải là những “Chuyện lạ đó đây” hay “Chuyện kỳ bí thế giới” vốn nhan nhản trên các báo, mà là những sự chắt lọc của anh trên bước đường “dạo chơi” trong thế giới ảo và cả trong thế giới thật. “Có thể bạn chưa biết” là những chuyện lạ lùng, thú vị, ít ai biết đến dù ĐÁNG PHẢI BIẾT ĐẾN.

“Tôi thích viết, nhưng đôi khiđã khác ba lô lên thì dường như tôi cũng thành “Quang Chip”(nhái bút danh Huyền Chip, tác giả Xách ba lô lên và đi), nhiều khi không có điều kiện mang đem theo laptop, hoặc phảiloay hoay tìm chỗ vào internet như ở Trung Quốc, Cuba. Hiện giờ tôi đang ở Berlin. Giáng sinh ở Tây cũng như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam, khó ngồi vào máy tính lắm, vì suốt ngày có khách.  Sắp rảnh rỗi rồi, thì nhận được tin TT&VH Cuối tuần dừng phát hành…


Dịch giả Lê Quang

Với mục “Có thể bạn chưa biết”, tôi khai thác những chuyện cũ "chưa biết", chứ chuyện mới thì internet có đầy. Đấy cũng là sở thích của tôi khi lang thang đọc báo chí nước ngoài, thấy có gì hay thì tôi gắp ra để dành, vừa cho mình, vừa cho công việc, quá tiện. Có người nói rằng, hình như thế giới càng phẳng thì lại càng có nhiều chuyện bị che khuất dưới cái mặt phẳng ấy. Đúng vậy, thế giới phẳng khiến cơn lũ thông tin tràn ra nhanh và mạnh hơn, người đọc (kém thông thái) sẽ mất định hướng hoặc chết chìm. Đó là cái giá phải trả mà ai cũng biết nhưng không phải ai cũng tránh được.

Mục “Có thể bạn chưa biết” của dịch giả Lê Quang sẽ tiếp tục xuất hiện trên báo Thể thao & Văn hóa số thứ Sáu với một vài sự cải tiến: nêu sự kiện, sau đó chuyển sang tản mạn bình luận, so sánh Tây - Ta, xưa– nay

Thật ra, “Có thể bạn chưa biết” mang tính du ngoạn lịch sử hơn là “Chuyện lạ đó đây”. Gần đây nhất là chuyện Nữ ứng viên Tổng thống Mỹ đầu tiên (không phải bà Hillary Clinton). Thông tin đó, tôi phát hiện tình cờ khi đọc phần mở đầu một bài tổng kết thất bại của bà Hillary. Từ chi tiết trong bài đó, toi mò vào internet để tìm hiểu thêm và thấy thú vị nên khai thác thành câu chuyện lịch sử về bà Victoria Woodhull cách nay 1 thế kỷ rưỡi.

Dịch sách và viết báo chiếm 90% thời gian của tôi và mang lại 10% thu nhập, còn công việc phiên dịch thì ngược lại (cười). Tôi sắp in một cuốn sách của tác giả "Cưỡng cơn gió bấc" (người Áo) và một của tác giả "Người đọc" (người Đức).

"Không có gì cũ hơn báo hôm qua", cho nên, tôi xin khép lại một chặng đường “Có thể bạn chưa biết” trên TT&VH Cuối tuần, hy vọng sau này có thể thành một tập sách nho nhỏ. Bao giờ tôi cũng dành hết sự hứng thú với bài viết sắp viết (giống như dịch cuốn sắp tới), và hy vọng sẽ tái ngộ bạn đọc Thể thao & Văn hóa ở phiên bản mới.

Nhà báo Phạm Thanh Hà (Hà Phạm) với các mục Nhật ký Remote, Chuyện vỉa hè...

Tôi đã thôi giữ chuyên mục cho Thể thao & Văn hóa Cuối tuần một năm nay, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ chia tay với tờ báo này. Vậy mà tờ báo chia tay với tôi trước…

Tôi bắt đầu làm cộng tác viên của Thể thao & Văn hóa với chuyên mục Nhật ký Remote. Ngày ấy Thể thao & Văn hóa Cuối tuần mới ra đời ít lâu, rất ít chuyên mục, mà có những chuyên trang. Và tôi giữ trang kiến trúc. Rồi cùng Nhật ký Remote, tôi giữ chuyên mục Muôn màu cuộc sống - một chuyên mục mà bỗi bài đều là những truyện ngắn mini chừng 600 từ.


Nhà báo Phạm Thanh Hà

Tôi yêu những chuyên mục của tôi bởi những những Tổng biên tập trước kia của tờ báo biết cách tạo ra niềm tin và sự thích thú giữ  chuyên mục. Tôi có thể viết một cách tự do, tất nhiên chỉ có thể tự do ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn là nói được những điều mình muốn nói. Tôi có thể thay tên chuyên mục và viết khác đi, bởi cứ vài năm tôi lại muốn thay một lần. Không ký tên, nhưng tôi hạnh phúc vì mỗi tuần nghĩ ra một cái gì đó để viết cho Thể thao & Văn hóa, nhiều khi là hai chuyên mục song hành, sau Nhật ký Remote, Muôn màu cuộc sống, là Bàn Phím cùng lúc với Camera, cuối cùng là Chuyện vỉa hè.

"Ngẫm ngợi Cuối tuần", chuyên mục do họa sĩ Đỗ Đức thực hiện được xem là một sự nối tiếp "Chuyện vỉa hè" sẽ tiếp tục xuất hiện trên báo TT&VH hóa số thứ Sáu hàng tuần.

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, Thể thao & Văn hóa là một hiện tượng của báo chí trong lĩnh vực văn hóa. Từ anh Ngô Hà Thái, chị Trương Lê Kim Hoa, những tổng biên tập giỏi nghề, đến chị Phạm Thị Thu Thủy phụ trách Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã tạo ra một không khí thân thiết để tòa soạn, cộng tác viên và bạn đọc có một không gian đầy ắp văn hóa cho nhau, cho mình… Một tờ báo đã là niềm vui lúc cuối tuần của bao nhiêu người.

Nhớ tiếc những ngày xưa quá!

Nhà báo Phạm Tấn gần 10 năm với những ly "Cà Phê Thể Thao"

Thể thao chỉ là một lát cắt của xã hội, và vì thế Thể thao  & Văn hóa Cuối tuần trong gần 10 năm qua với Cà Phê Thể Thao đã đặt thể thao trong sự vận động chung để lý giải những thành công hay thất bại của nó.

Nhà báo Hồng Ngọc đã pha những ly cà phê thể thao đầu tiên và dư vị của nó thật tuyệt. Tôi vẫn nhớ cái cách anh ấy nhìn nhận vấn đề về mô hình của các CLB V-League, luận về vai trò của ông Nguyễn Trọng Hỷ sau khi ông rời ghế Chủ tịch, về một tổ chức xã hội nghề nghiệp đòi hỏi rất nhiều chất chuyên môn như VFF khi nó là cuộc chơi của các doanh nhân…

Đến lượt tôi, những ly cà phê thể thao lại được pha theo một công thức khác nên nó cũng có thể được đón nhận khác. Nhưng chúng ta vẫn sẽ có thể gặp lại nhau ở các chuyên mục khác trên các nền tảng khác của TT&VH để cùng nhau đàm đạo về các vấn đề của thể thao, bóng đá Việt.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›