Mới ra mắt tại Hà Nội, trường ca Lũ của Lữ Mai gây xúc động bởi những suy tư, trăn trở trước những mất mát của đồng bào vùng cao sau bão lũ. Đáng trân trọng hơn, trường ca này còn kết hợp với một dự án đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường như một hành động thiết thực nhằm hỗ trợ và chia sẻ yêu thương.
Cụ thể, dự án "Trường ca Lũ - đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường" do công ty Cổ phần Sách điện tử WAKA phối hợp cùng tác giả Lữ Mai thực hiện. Theo đó, trường ca Lũ sẽ được phát hành bằng hình thức sách điện tử trước, sách giấy phát hành sau. Đồng thời, dự án cũng có website riêng để kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng.
Từ những ám ảnh về thiên tai
Lũ - chỉ một từ ngắn gọn nhưng ám ảnh. Đó cũng là cảm xúc bao trùm được Lữ Mai gửi trọn trong trường ca của mình. Càng ám ảnh hơn khi chị lấy hình tượng trung tâm là linh hồn của một đứa trẻ đã mãi đi xa bởi thiên tai mà viết lên những con chữ đầy day dứt, khắc khoải.
Ở những câu mở đầu trường ca, Lữ Mai viết: " - Đất Mẹ ơi! Hoa nở giữa trời có bao giờ luyến tiếc? Đất Mẹ đáp bằng nhành hoa đỏ màu Huyết Cầm/ - hãy nhìn kỹ con yêu/ hoa là nước mắt/ tiếng thở dài những linh hồn lạc/ khát vọng trắng trong nhuộm đỏ âm thầm/ đứa trẻ lặng nghe tiếng Huyết Cầm/ dội về cổ tích xa xưa/ mắt ngân ngấn nước".
"2024 là một năm con người phải chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai. Điều này tác động tới những người viết bởi sự ám ảnh khôn nguôi. Với tôi, ám ảnh nhất chính là những đứa trẻ trong thiên tai" - tác giả bày tỏ - "Mỗi đứa trẻ là một thế giới đầy trong sáng, thơ ngây và các em mới chỉ biết đến cuộc sống qua một vài trải nghiệm đơn thuần. Nhưng, có những em nhỏ đã vĩnh viễn rời xa cuộc sống này, đã không quay về với thế giới của chúng ta".
Là một người mẹ, Lữ Mai càng cảm thấy day dứt hơn khi nghĩ về những đứa trẻ đã mãi không trở về. Trái tim chị như bị bóp nghẹt. Và để thoát khỏi những ám ảnh, chị đã chọn cho riêng mình một niềm an ủi lạc quan. Rằng, linh hồn một em bé xấu số đã rời bỏ cõi đời. Nhưng ở một thế giới khác, em được mẹ thiên nhiên che chở và có hành trình quay ngược thời gian để kể về những câu chuyện đã qua. Những câu chuyện được em kể bằng góc nhìn thơ ngây như một sự cứu rỗi đối với thế giới thực, với những người ở lại. Và rồi, trường ca Lũ được ra đời bởi tâm tư như thế.
Đặc biệt, tác giả của trường ca Lũ còn tiết lộ, những trăn trở về thiên tai đã đeo đẳng trong tâm trí của chị từ những năm tháng tuổi thơ.
Chị kể: "Tôi sinh ra ở mảnh đất miền Trung, hậu quả của thiên tai đã để lại trong tôi không ít những ám ảnh. Từ nhỏ, tôi đã sống trong một căn nhà mà hễ vào mùa mưa lũ, nước sẽ ngập đến nửa nhà và hơn thế. Người dân phải dỡ mái tranh, mái ngói để leo lên tận nóc nhà. Xung quanh mênh mông biển nước, họ không biết bấu víu vào đâu. Và, một đứa trẻ ở giữa mênh mông biển nước với gia đình của mình là ký ức tôi không bao giờ quên. Đây là câu chuyện ấu thơ có lẽ không chỉ của riêng tôi mà nhiều người cũng đã từng đối diện".
Rõ ràng, trường ca Lũ của Lữ Mai đã được viết bằng những chất liệu thực sự đặc biệt. Có cả những day dứt của hiện thực tàn khốc mà thiên tai để lại, có cả những ký ức tuổi thơ vẫn đọng bám trong tâm trí như một vết thương lòng. Bởi thế mà đọc Lũ sẽ không thấy một vùng đất, một bản làng, một tên người cụ thể. Thay vào đó, tác giả đã chọn xóa nhòa ranh giới về địa danh và danh tính như một dụng ý sâu xa.
Như lời tác giả cho hay: "Chúng ta sẽ nhìn thấy tuổi thơ của chính mình và của nhiều con người ở nhiều vùng miền khác nhau. Thậm chí sẽ có những câu chuyện chưa xảy ra, nhưng trong một tương lai nào đó chúng ta sẽ phải đối diện. Để rồi, Lũ cho ta một cái nhìn đồng cảm, sẻ chia với những mất mát mà bất cứ ai cũng có thể phải trải qua trước thiên tai".
"Đây là một dự án sách bắt kịp xu thế công nghệ hiện nay. Sách được xuất bản với phiên bản điện tử trước, sách in sau, với thông điệp: Công nghệ chạm tới trái tim. Chúng ta có hiện đại, văn minh đến đâu nhưng sự hiện đại, văn minh đó cuối cùng vẫn phải quay về phục vụ cuộc sống con người" - tác giả Lữ Mai bày tỏ.
Chị nói tiếp: "Chúng ta sống ở thành phố nên có điều kiện thụ hưởng nhiều giá trị của công nghệ mang lại, trong khi có rất nhiều người ở những vùng khó khăn lại không được vậy. Do đó, chúng ta cần mang đến cho họ những giá trị theo cách mà dự án "Trường ca Lũ - đồng hành cùng trẻ em vùng cao đến trường" được triển khai. Đó là những cơm ăn áo mặc, là sách vở, là ước mơ đến trường".
Lữ Mai còn chia sẻ: Với tư cách là một nhà báo, chị có nhiều cơ hội được đến nhiều vùng miền, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Đến những nơi đây, chị biết được sau thiên tai trẻ em phải đối diện với muôn vàn những khó khăn cản bước các em đến trường. Những khó khăn này đôi khi không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần.
"Chúng tôi xác định đây là dự án đồng hành dài hơi. Đó không chỉ là sự hỗ trợ về miếng cơm manh áo mà còn là tri thức, niềm tin" - Tác giả Lữ Mai nhấn mạnh.
"Đôi khi một con người không phải cứ nhiều tuổi hay cứ đi nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều mới có sự kết nối và hòa hợp với thiên nhiên. Sự kết nối và hòa hợp ở đây lại chính nhờ tâm hồn" - nhà thơ Lữ Mai.
Mối duyên lành từ Dế Mèn
Một dấu ấn đặc biệt của trường ca Lũ còn phải kể đến bìa sách và minh họa của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (sinh năm 2012), người Tày, sống ở Lạng Sơn. Cả Lữ Mai và Hoàng Nhật Quang đều có duyên với Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn (do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức). Nếu Hoàng Nhật Quang đoạt giải "Khát vọng Dế Mèn" ở mùa giải năm 2023 thì đúng một năm sau, Lữ Mai cũng đoạt giải thưởng này với bản thảo tập truyện dài Dưới khung trời ngát xanh (hiện đã được in thành sách).
"Tôi gặp Quang khi Quang xuống Hà Nội để nhận Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn. Năm đó, con gái của tôi (tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương) cũng được nhận Tặng thưởng của Giải thưởng năm đó" - Lữ Mai hồi tưởng - "Lần đó, tôi đã rất ấn tượng về Quang, một cậu trai nhỏ bé nhưng có một sức lao động nghệ thuật đáng ngưỡng mộ. Tôi chẳng thể ngờ Quang có thể vẽ được những bức tranh khổ lớn rất đáng kinh ngạc".
Hơn thế, tác giả của trường ca Lũ còn rất ấn tượng với thế giới nghệ thuật trong tranh của họa sĩ nhí này. Với chị, một đứa trẻ bình thường chỉ vẽ hoa lá, cỏ cây, thầy cô, bố mẹ… còn Quang lại nghĩ khác. Như lời chị, đang ở tuổi thiếu niên, nhưng Quang có một sự suy tư rất sâu sắc về cuộc sống. Quang nghĩ rất nhiều tới thiên nhiên nên có một bộ tranh lớn mang tên Mẹ thiên nhiên.
"Một đứa trẻ lại suy tư về sự kết nối, về sự hòa hợp của con người với thiên nhiên. Đôi khi điều đó làm thức tỉnh chúng ta, làm cho chính những người lớn cảm thấy nhỏ bé trước một đứa trẻ" - Lữ Mai bày tỏ
Chị nói tiếp: "Tôi nhận ra, đôi khi một con người không phải cứ nhiều tuổi hay cứ đi nhiều, biết nhiều, hiểu nhiều mới có sự kết nối và hòa hợp với thiên nhiên. Sự kết nối và hòa hợp ở đây lại chính nhờ tâm hồn. Những tâm hồn càng trong sáng, nhân hậu càng có sự kết nối đặc biệt với thiên nhiên và cuộc sống. Cứ thế, ngay khi viết những dòng đầu tiên của trường ca Lũ, trong trí nhớ, tôi đã nghĩ về Quang".
Ngoài ra, theo Lữ Mai, Hoàng Nhật Quang cũng có một cuộc sống may mắn hơn so với nhiều đứa trẻ khác ở vùng cao. Chị cho biết: "Quang sinh ra trong một gia đình có bố là họa sĩ nên em được vun đắp những ước mơ và được thể hiện những ước mơ đó thật đẹp. Vậy còn những em bé khác thì thế nào? Tôi muốn đưa hình ảnh, tác phẩm của Quang vào trường ca Lũ như một cách để lan tỏa việc chúng ta cần phải vun đắp những ước mơ của trẻ em và để ước mơ đó thể hiện một cách mãnh liệt nhất, đẹp đẽ nhất".
Như thế, những suy tư, cảm xúc của Lữ Mai và tranh của Hoàng Nhật Quang đã làm nên một trường ca Lũ đầy những kết nối yêu thương. Để rồi, duyên lành này được hi vọng sẽ tiếp tục lan tỏa, gợi lên những tấm lòng sẻ chia vì một tương lai tươi sáng cho trẻ em vùng cao vững bước tới trường.
Luôn hướng về cộng đồng
Trước trường ca Lũ, Lữ Mai từng để lại dấu ấn với nhiều trường ca viết về những đề tài lớn. Có thể kể tới Ngang qua bình minh (NXB Văn học, 2020) về chủ đề biển đảo Tổ quốc; Chư Tan Kra mây trắng (NXB Hội Nhà văn, 2021) về chiến tranh cách mạng; Hồi sinh (NXB Hội Nhà văn, 2022) về đại dịch Covid-19…
Điểm chung của những trường ca này đều là những dự án sách vì cộng đồng. Đơn cử, trường ca Hồi sinh phát hành ủng hộ trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sau đại dịch Covid-19. Chư Tan Kra mây trắng phát hành ủng hộ kinh phí cho các cựu chiến binh trở về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Ngoài ra, chị còn có bộ sách in chung Nơi đầu sóng - Mắt trùng khơi phát hành ủng hộ cán bộ, chiến sĩ và hậu phương người lính hải quân.
Tags