Vì sao hàng Trung Quốc chất lượng kém?

Chủ nhật, 31/05/2009 20:31 GMT+7

Google News

Hàng triệu đồ chơi sản xuất ở Trung Quốc – nước sản xuất nhiều đồ chơi nhất thế giới – đã bị thu hồi trong những năm gần đây vì không an toàn cho trẻ. 

Những vụ tai tiếng gần đây về độ an toàn (hay không an toàn) của hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc – từ áo quần, đồ dùng nội thất, đồ chơi đến sữa bột – một lần nữa khiến người tiêu dùng lo ngại và hoài nghi về tiêu chuẩn sản xuất ở một đất nước đang là công xưởng của thế giới.

Diễn viên điện ảnh Thành Long (Jackie Chan) phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao mới đây rằng, ông yêu mến đất nước quê hương ông nhưng nếu cần mua một cái ti-vi thì ông sẽ mua hàng Nhật, vì nó không “nổ” bất ngờ như ti-vi Trung Quốc.

Những người bảo vệ Trung Quốc cho rằng, khi sản xuất gia tăng thì “phế phẩm” cũng tăng theo cho nên chất lượng kém là điều không thể tránh khỏi, ít nhất là trong ngắn hạn. Có người biện luận rằng, Trung Quốc đang trải qua thời kỳ giống như Nhật Bản khi sản xuất công nghiệp bùng nổ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ cũng đã trải qua thời kỳ này vào cuối thế kỷ 19; có điều ngày nay Trung Quốc phải đối mặt với lớp người tiêu dùng “khôn ngoan” hơn, xét nét hơn, nên mới xảy ra chuyện.

Lối lập luận như trên không giải thích được vì sao có hiện tượng đó. Để trình bày căn nguyên của vấn đề, luật sư Paul Midler đã viết cả một cuốn sách, nhan đề “Poorly Made in China” (Làm tại Trung Quốc một cách kém cỏi). Ông Midler là một nhà tư vấn nói tiếng Quan thoại trôi chảy, định cư ở Quảng Châu từ năm 2001 để làm cố vấn cho ngày càng đông các công ty phương Tây chuyển việc sản xuất từ các nhà máy ở châu Âu và Bắc Mỹ sang đặt hành các nhà thầu trong các khu công nghiệp mọc lên như nấm ở tỉnh Quảng Đông.

Ông không gặp khó khăn nào và nhanh chóng có một lượng khách hàng đông đảo – những nhà quản trị rất vui với những gì họ tìm thấy ở Trung Quốc. Các nhà máy ở đây làm mọi cách để vừa lòng khách hàng. Giá cả cực kỳ thấp, thời gian sản xuất và giao hàng cực nhanh. Sau những chuyến khảo sát ban đầu, khách hàng của ông Midler quay lại Trung Quốc, kinh ngạc vì các nhà máy nắm được các yêu cầu sản xuất thật nhanh chóng, sản phẩm làm ra vừa nhanh, vừa tốt, vừa rẻ. Thế là các thỏa thuận kết thúc, hợp đồng được ký và người đặt hàng yên tâm ra về.

Phần lớn công việc của ông Midler là đối phó với cái mà ông gọi là “sự suy giảm chất lượng” khi các nhà máy Trung Quốc tìm cách chuyển các hợp đồng “làm không công” trong thực tế thành những mối quan hệ “béo bở”.

Cái quy trình sản xuất mà ông Midler chứng kiến ở Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với mẫu mực lý thuyết về sự cải tiến liên tục trong sản xuất ở các nước khác. Sau khi giải quyết xong những vấn đề hóc búa buổi đầu và làm ra những sản phẩm đáp ứng được các thông số kỹ thuật, toàn bộ sự cải tiến trong các nhà máy Trung Quốc chuyển sang hướng cắt giảm chi phí tối đa, thường là bằng mọi cách thức, từ ghê tởm đến nguy hiểm. Bao bì được làm dối, các công thức hóa học bị thay đổi, các tiêu chuẩn vệ sinh bị bỏ qua v.v… và cứ như thế, sản phẩm càng ra đời sau chất lượng càng suy giảm.

Trong nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận, các nhà sản xuất Trung Quốc sẵn sàng áp dụng mức giá ưu đãi cho các khách mua hàng đến từ các nước có luật pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ, có sản phẩm mang tính cách tân; nhưng họ chỉ làm như vậy khi nhà máy của họ được trực tiếp phân phối những sản phẩm giống hệt như vậy sang thị trường các nước ít quan tâm tới bản quyền và thương hiệu. Ông Midler nói đây là một kiểu nhà máy-con buôn. Hàng thật thì giao cho đơn vị đặt hàng đưa về Mỹ và châu Âu, hàng nhái, kém phẩm chất, thậm chí nguy hiểm, thì đưa sang các nước đang phát triển.

Người đầu tiên ý thức về các mối nguy hiểm tiềm tàng trong việc sản xuất và kinh doanh hàng nhái, hàng giả chính là các nhà nhập khẩu, người mua sỉ các loại hàng hóa đặt làm ở Trung Quốc. Nhưng như ông Midler phát hiện ra, các nhà nhập khẩu này thường không đủ thời gian và tiền bạc để giải quyết vấn nạn hàng nhái, hàng giả chính sản phẩm và thương hiệu của họ. Họ còn kinh hoàng hơn khi nhận ra mình đang đồng lõa với các nhà buôn Trung Quốc trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nguy hiểm. Vấn đề này đặc biệt rõ ràng nếu các sản phẩm đó được ung dung buôn bán trên thị trường mà không bị người tiêu dùng phát hiện. Hậu quả là, những nhà nhập khẩu đành làm ngơ, giả vờ như không biết tới những tệ hại trong việc sản xuất.

Càng ngày các nhà bán lẻ phương Tây càng nhờ tới các trung tâm phân tích, thí nghiệm bên ngoài để kiểm định chất lượng hàng hóa mà họ đặt làm ở Trung Quốc. Song theo ông Midler, biện pháp này chỉ có hình thức mà không có thực chất bởi vì bản chất của việc kiểm định là rất hạn chế, và có rất nhiều con đường né tránh sự kiểm định như vậy. Cũng giống như việc kiểm tra doping ở các vận động viên thể thao, đôi khi một vài người bị phát hiện nhưng những kẻ khôn ngoan vẫn vượt lên phía trước nhờ sử dụng những loại thuốc kích thích chưa có tên trong danh sách bị cấm.

Sẽ không công bằng nếu nói rằng tất cả các nhà máy Trung Quốc đều làm ăn gian dối. Một số công ty đã giành được danh tiếng quốc tế nhờ làm ra sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng không giống những công ty Mỹ hoặc Nhật Bản, tiếng tăm mà họ có được đã làm cho họ tốn kém không ít vì phải trải qua rất nhiều cuộc kiểm tra và bảo đảm tính tương thích. Các công ty không muốn tốn kém như vậy thì đành chọn con đường hy sinh chất lượng. Từ đó, ông Midler phát hiện ra một hiện tượng ngược đời: các nhà máy to lớn và hiện đại của Trung Quốc lại thuê các xí nghiệp nhỏ, lạc hậu gia công sản xuất cho mình cho dù điều đó có nghĩa là không tận dụng lợi thế tiết kiệm nhờ sản xuất số lượng lớn (economies of scale). Những cơ sở sản xuất nhỏ thường dễ né tránh các cuộc kiểm tra về môi trường hay các tiêu chuẩn an toàn đối với sản phẩm và người lao động.

Cách thức hiển nhiên để làm sạch đống rối rắm này là thực hiện sự công khai và minh bạch rộng rãi hơn. Nhưng ai sẽ làm việc đó? Báo chí Trung Quốc thỉnh thoảng cũng đưa ra những vụ gian dối, sản xuất hàng kém chất lượng, nhưng nói chung là họ bị kiểm soát chặt, phóng viên nước ngoài cũng vậy. Ông Midler nói rằng giới doanh nghiệp địa phương cùng một ngành sản xuất nào đó biết rõ nhiều vấn đề trong khâu sản xuất nhưng tình trạng câu kết với nhau để che giấu những điều sai trái lan tràn khắp nơi và những người phát giác hoặc tố cáo thường không được khuyến khích. Nhiều chuyên gia tư vấn như ông Midler chẳng bao giờ mơ tới việc phanh phui hết những gì họ đã chứng kiến, nhiều phòng thí nghiệm lo bảo vệ thanh danh bằng cách che giấu – chứ không phải là phơi bày, những kết quả kiểm nghiệm của họ.

Hậu quả là, nếu như những quan điểm của ông Midler trong cuốn sách này là đúng, thì chỉ còn có một cách duy nhất và cũng là tồi tệ nhất để phát hiện chất lượng tồi tệ của hàng hóa Trung Quốc – đó là người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả, thường là rất bi thảm như vụ sữa độc vừa qua.

(Theo TBKTSG/Economist)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›