Toàn thân cây tần bì là thuốc quý, bao gồm vỏ cây, lá cây và cả lớp sáp trắng do côn trùng ký sinh trên thân cây tạo nên.
Cây tần bì được trồng từ lâu đời, phân bố rộng rãi ở Trung Quốc. Loài cây này còn được gọi là cây bạch lạp (sáp trắng) vì thân cây được bao bọc bởi một lớp sáp trắng do một loài côn trùng ký sinh tạo ra.
Đặc biệt, toàn thân cây tần bì là thuốc quý. Vỏ, lá cây và cả lớp sắp trắng là dược liệu truyền thống của Trung Quốc, được sử dụng làm thuốc điều trị nhiều loại bệnh lý. Trong khi gỗ của cây tần bì rất dai và là nguyên liệu tốt để làm đồ nội thất và đồ dùng cao cấp.
Vua của các loại sáp
Trong số các loại sáp như sáp động vật, sáp thực vật, sáp khoáng và sáp tổng hợp trên thế giới, sáp trắng từ cây tần bì được mệnh danh là "vua của các loại sáp".
Theo Cục Lâm nghiệp và Thảo nguyên Trung Quốc, từ xa xưa, người Trung Quốc coi sáp trắng tần bì là bảo vật và dùng sáp trắng này làm nến để thắp sáng, chữa bệnh…
Ngày nay, người ta phát hiện ra rằng sáp trắng còn có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như quân sự, công nghiệp và y học.
Bản thảo cương mục của thầy thuốc thời Minh Lý Thời Trân có chép: "Sáp trắng vị cay, tính ấm, không độc, có tác dụng phát triển cơ bắp, cầm máu, giảm đau bổ hư, khôi phục gân cốt... thường xuyên bôi có thể chữa nấm đầu. Thầy thuốc của các triều đại đã sử dụng sáp trắng như một loại thuốc thiết yếu cho lĩnh vực ngoại khoa và sử dụng sáp trắng làm lớp bọc ngoài cho các loại thuốc viên nang cổ truyền".
Ngoài công dụng chữa bệnh, sáp trắng còn được dùng để làm nến thắp sáng, bắt đầu từ thời nhà Đường. Người Trung Quốc đã sử dụng sáp trắng để thắp sáng trong hơn một nghìn năm và gửi gắm nhiều tình cảm vào thứ bảo vật này.
"Con tằm đến chết hết tơ - Sáp cây chảy cạn, lệ đà ráo ngay" đã trở thành câu nói nổi tiếng từ bao đời của người Trung Quốc.
Ngành công nghiệp ngàn năm
Cũng kể từ thời nhà Đường, người Trung Quốc đã trồng rất nhiều cây tần bì và nuôi côn trùng ký sinh trên cây để lấy sáp khiến ngành nghề này càng về sau càng hưng thịnh.
Ngành công nghiệp tần bì phát triển cực thịnh vào thời nhà Minh.
Từ tháng 8 đến tháng 9, cây tần bì trên khắp các ngọn núi được bao phủ bởi những bông hoa trắng, trông giống như một cảnh tuyết mùa đông. Theo ghi chép, chỉ một quận ở Lạc Sơn, Tứ Xuyên "hàng năm sản xuất hàng chục triệu cân sáp trắng".
Sáp trắng là một nguồn của cải lớn trong lịch sử Tứ Xuyên, không chỉ những người kinh doanh sáp trắng thu được lợi nhuận khổng lồ mà việc buôn bán con giống côn trùng và sáp trắng cũng thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của vùng đất này.
Hiện nay, mặc dù việc sử dụng sáp trắng để thắp sáng đã không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhưng sáp trắng là một đặc sản quý hiếm trên thế giới, là nguyên liệu và thành phần quan trọng trong lĩnh vực y học, công nghiệp quân sự, công nghiệp nhẹ, công nghiệp hóa chất, v.v.
Đặc biệt, nhu cầu sáp trắng trong ngành công nghiệp quân sự, hàng không vũ trụ, nghiên cứu khoa học đang gia tăng mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Loại cây chống hạn chống úng
Tần bì là cây thân gỗ, cao 5 - 8m, có thể tới 15 - 20m, cành lá rậm rạp. Cây mang màu xanh tươi mơn mởn vào mùa hè và đổ vàng rực rỡ vào mùa thu, vẻ đẹp không thua gì sắc vàng của cây bạch quả.
Do chống chọi tốt với ô nhiễm môi trường nên nó ngày càng được trồng nhiều trên các đường phố Trung Quốc.
Nhiều thành phố trồng một số lượng lớn cây tần bì, như tuyến đường Uyển Đông ở Thành phố Thạch Gia Trang (Hà Bắc), hàng cây tần bì đầy lá vàng, biến con đường thành đại lộ thu vàng và trở thành một cảnh quan tuyệt đẹp của thành phố.
Hiện tại, một số thành phố ở Trung Quốc coi cây tần bì là loài cây biểu tượng cho thành phố mình.
Đặc biệt, cây tần bì sinh trưởng nhanh, bộ rễ phát triển tốt, rễ ăn sâu, khả năng nảy mầm mạnh, chịu úng, chịu hạn tốt, có thể trồng ở vùng đất nhiễm phèn nhẹ.
Vào năm 2021, thành phố Hạc Bích, tỉnh Hà Nam Trung Quốc hứng chịu mưa bão lớn, có những đoạn ngập sâu hơn 2m, phải mất một tháng nước mới rút hết nhưng cây tần bì vẫn sống sót. Có thể thấy cây tần bì có khả năng cản gió, cản nước, là vành đai xanh hữu hiệu.
Theo Danh lục các loài thực vật Việt Nam của tác giả Trần Đình Lý, ở nước ta, tần bì phân bố rải rác ở một số vùng núi, thuộc các địa phương như Ba Vì, Mai Châu, Kiện Khê, Đà Lạt v.v...
Tuy nhiên, công dụng của loài cây này chưa được nhiều người Việt Nam biết đến.