Trung Quốc: Chênh lệch giàu nghèo trên mâm cơm

Thứ Năm, 12/05/2011 11:37 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Bão giá thực phẩm gây những tác động nặng nề tới đời sống người dân Trung Quốc nói riêng, châu Á nói chung, đã khiến giới quan sát muốn tìm hiểu nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này, cũng như những tác động tiềm ẩn của nó tới đời sống xã hội.

Cái đói dường như đã là bạn đồng thành thường xuyên trong tuổi thơ của Yao Qizhong. Nó gây ảnh hưởng mạnh tới lối sống của anh. Người đàn ông 40 tuổi đang bán gừng, tỏi ở một khu chợ tại Bắc Kinh này không ngần ngại nhặt lấy những nhánh tỏi bị rơi xuống đất bẩn để đem về nhà dùng, bởi việc dùng tỏi sạch có thể khiến Yao mất tiền, thứ anh luôn thiếu.

Thực phẩm tăng giá vì cái miệng người giàu?

Ở đầu kia của thành phố, kiến trúc sư Zhong Sheng đang làm một con cá tươi đắt tiền và nhặt rau sạch trong khi tâm sự với phóng viên hãng tin AP về nguyên tắc mua thực phẩm của bản thân. Zhong nói rằng với anh, sức khỏe và sự an toàn đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, kể từ khi có con cách đây 5 năm. Chi phí chỉ là chuyện vặt vãnh.

Sự tương phản trái ngược trong cuộc sống của gia đình Zhong và Yao đã cung cấp một cái nhìn sâu hơn vào việc giá thực phẩm tăng cao đã ảnh hưởng ra sao tới các nước đang phát triển như Trung Quốc, nơi có trên 1 tỷ người sinh sống. Việc tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh ở Trung Quốc và sự giàu có của họ đã làm xuất hiện một cộng đồng ngày càng đông những người thích ăn đồ tươi ngon mỗi ngày. Các loại món ăn cao cấp như quả việt quất, măng tây, rau diếp quăn, chuối nhập khẩu từ Nam Phi, rau quý chuyển về từ tỉnh Vân Nam... vốn chỉ xuất hiện trong thực đơn của giới nhà giàu, giờ đã phổ biến ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc.

Bữa trưa đạm bạc của nhà anh Yao, với mì gạo và rau xanh


Nhu cầu tăng lên đã tạo những gánh nặng khổng lồ lên vai người nông dân, trong bối cảnh lực lượng lao động ở nông thôn đang giảm mạnh. Hệ quả là giá thực phẩm leo thang, tấn công vào mọi ngóc ngách của xã hội. Những người có thu nhập thấp hoặc mức lương cố định không thay đổi là các cá nhân cảm nhận được rõ nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá tăng.

“Chúng tôi không dám thử ăn đồ ngon vì chúng tôi không có tiền” - Yao, người đã chứng kiến cả ông bà nội ngoại thiệt mạng trong trận đói hồi những năm 1960 nói. Anh sống ở tỉnh An Huy và quá nghèo tới mức hàng xóm tin rằng sớm muộn anh cũng phải ra đường ăn xin. Cuộc sống giờ không quá tệ với Yao nhưng anh vẫn chỉ bước vào siêu thị để ngắm các mặt hàng mới lạ cho thỏa khao khát chứ không dám bỏ tiền ra mua.

Nhưng ngay cả trong điều kiện giá cả thực phẩm tăng cao, Zhong vẫn có đủ tiền để lựa thức ăn ngon mua về. Ngoài việc thích thực phẩm tươi, Zhong còn e ngại việc mua phải thực phẩm độc hại, sau khi chứng kiến vụ sữa bột trẻ em nhiễm melamine làm 6 đứa trẻ thiệt mạng và 300.000 em nhỏ bị sỏi thận hồi năm 2008. Trong bữa tối tiếp đón phóng viên AP, gia đình Zhong ăn món cá hấp, 2 loại rau, nấm xào, thịt lợn kho, cơm và tráng miệng bằng táo. Tổng chi phí bữa ăn là 80 NDT (12 USD) và mỗi tháng gia đình anh chi tiêu khoảng 2.000 NDT (307 USD) tiền thực phẩm, tức khoảng 10% thu nhập của họ.

Trong khi đó Yao, người đã thoát ly khỏi nông thôn cách nay 2 thập kỷ, vẫn phải ăn uống như một nông dân kham khổ. Các bữa ăn hàng ngày của anh chỉ gồm phần lớn là mì gạo và bánh bao rẻ tiền. Với anh, thịt là thực phẩm cao cấp và 1 tuần chỉ được ăn 1 lần, dù số thịt đó đều được nhường hết cho 3 đứa con.

Yao có lý do để dành dụm tiền bạc tối đa. Là lao động nhập cư, anh không có hộ khẩu tại Bắc Kinh và con anh sẽ không được miễn học phí mà phải đóng toàn bộ. Vì thế bữa ăn trưa gần đây của Yao và vợ con chỉ có một bát mì với chút rau, quá đỗi giản dị so với nhà Zhong. Sạp bán hành tỏi của Yao chỉ mang về chừng 2.000 NDT mỗi tháng. Trong đó anh dùng 600 NDT (92 USD) để mua thực phẩm cho gia đình có 5 người của mình. “Tôi cần tiết kiệm tiền tối đa. Nhưng tôi có cảm giác mình đã ở dưới đáy rồi” - anh tâm sự - “Trong khi đó, tôi vẫn phải chịu áp lực mua thật nhiều thực phẩm để cả nhà có đủ ăn và giữ sức khỏe”.

Tương phản với đó là bữa trưa đầy món ngon của nhà anh Zhong

Thiếu hụt lao động ở vùng nông thôn

Tại Trung Quốc hàng triệu nông dân đã tới làm việc trong các nhà máy và lĩnh vực dịch vụ ở những thành phố ven biển giàu có. Đưa họ trở về quê cày ruộng là điều không dễ dàng. Việc thiếu hụt nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đã gây khan hiếm sản phẩm và đẩy giá lương thực tăng thêm kỷ lục 11,7% trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái, sau nhiều tháng giá đã không ngừng tăng.

“Bạn không thể tìm được một lao động sẵn lòng làm việc trong trang trại nông thôn. Nếu nhận lời làm việc, họ cũng đòi tiền công rất đắt, thường là hơn 7NDT (1USD) mỗi giờ” - Liu Li, một người bán buôn cải bắp và rau mùi ở Bắc Kinh nói.

Theo Liu, người dân nông thôn muốn có việc ở thành phố hoặc trong nhà máy vì họ sẽ được ở trong nhà, không phải đội sương gió vất vả như khi làm nghề nông. Liu cũng nói rằng công việc nhà nông quá vất vả và bẩn thỉu.

Bão giá thực phẩm hoành hành

Ngoài vấn đề thiếu người lao động và nhu cầu ăn ngon, ăn nhiều của tầng lớp trung lưu, một loạt các nguyên nhân khác cũng đã tác động tới vấn đề thực phẩm tăng giá cao ở Trung Quốc như các chính sách kích cầu kinh tế để chống cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao và đất phục vụ sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Đây không chỉ là căn bệnh riêng của Trung Quốc mà còn xuất hiện ở nhiều nước châu Á.

Tổ chức Lương Nông LHQ nói rằng trong 3 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá thịt, ngũ cốc và sữa trên toàn cầu đã tăng vọt thêm 37%. Tại nhiều nước châu Á, con số này có nghĩa là giá thực phẩm nội địa đã tăng thêm 10%. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính sự tăng giá thực phẩm này đủ sức để kéo thêm 64 triệu người xuống ngưỡng nghèo khổ với thu nhập dưới 1,25 USD/ngày.

Scott Rozelle, một chuyên gia về thị trường thực phẩm Trung Quốc ở Đại học Stanford nói rằng sự thay đổi trong vấn đề lựa chọn thực phẩm và việc làm không chỉ mang tới tác hại bởi nó cho thấy những sự phát triển về kinh tế và con người đang diễn ra ở Trung Quốc. Rozelle nói rằng các trang trại sản xuất thực phẩm, vốn có quy mô nhỏ và nằm rải rác ở Trung Quốc, sớm muộn sẽ được cơ khí hóa, giúp sản lượng tăng lên. Nhưng ông không tin giá thực phẩm sẽ giảm xuống bởi quá trình phát triển kinh tế luôn bao gồm sự tăng lên về mức thu nhập và giá cả hàng hóa.

Giá thực phẩm tăng cao thực tế đã mang lại không ít lợi ích cho bộ phận lao động ở vùng nông thôn, nơi có thu nhập thấp hơn nhiều thành thị. Nhưng các thay đổi này khiến những người nghèo như Yao, các công chức ăn lương nhà nước và người về hưu méo mặt do tiền thu nhập của họ không bắt kịp được nhịp tăng của giá cả. Ngoài ra, việc chênh lệch về bữa ăn cũng chỉ ra một thực tế rằng chênh lệch mức sống giàu nghèo ở Trung Quốc đang tăng cao và có thể gây nên những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội, điều giới lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới không hề mong muốn.

Tường Linh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›