(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h00 ngày 19/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 256.298.153 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.146.107 ca tử vong.
Tổng số ca đã khỏi bệnh là 231.503.560 và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.648.486 ca, trong đó có 78.893 ca nguy kịch.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 48.391.545 ca mắc, trong đó có 789.077 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 464.715 ca tử vong trong số 34.485.517 ca mắc; Brazil có 612.177 ca tử vong trong tổng số 21.989.962 ca mắc.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 590.179 ca mắc và 7.511ca tử vong. Nga ghi nhận 1.251 ca tử vong - mức cao nhất thế giới, cùng 37.374 ca mắc mới. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất, với 92.236 ca. Tiếp đó là Đức với 64.164 ca mắc mới và Anh với 46.807 ca mắc mới.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đức buộc chính phủ nước này siết chặt các biện pháp chống dịch. Tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng tạm quyền Angela Merkel với Thủ hiến 16 bang ở Đức ngày 18/11, giới chức Đức đã thông qua một số biện pháp như yêu cầu tất cả người tới thăm và nhân viên các cơ sở dưỡng lão phải làm xét nghiệm hằng ngày.
Các nhân viên đã tiêm đủ liều vẫn cần làm xét nghiệm 3 lần trong tuần. Ngoài ra, Hội nghị cũng mở đường cho việc áp dụng quy tắc 2-G (chỉ nới lỏng với người đã tiêm và đã khỏi bệnh) trên cả nước, thậm chí có thể có thể thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn như 2-G+ (cần thêm xét nghiệm) hoặc chặt chẽ hơn nữa, tuỳ thuộc vào tỷ lệ nhập viện trung bình 7 ngày/100.000 dân ở các bang. Nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá năng lực của các bệnh viện, các bang cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Cụ thể, Hội nghị đề ra ba cấp độ với mức hạn chế khác nhau, trong đó nếu tỷ lệ nhập viện vượt quá 3, các bang sẽ phải áp dụng quy tắc 2-G đối với các sự kiện hay việc vào các nhà hàng, các cơ sở làm đẹp. Thực tế, hiện hầu hết các bang đều đã vượt quá ngưỡng này. Nếu tỷ lệ nhập viện vượt ngưỡng 6, các bang phải áp dụng quy tắc 2-G+ hoặc các biện pháp khác. Khi tỷ lệ nhập viện vượt quá ngưỡng 9, các bang cần có những biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa, trong đó có thể áp đặt các biện pháp cứng rắn như hạn chế tiếp xúc hoặc hạn chế và cấm các sự kiện.
Số ca xét nghiệm PCR trong tuần qua ở Đức đã tăng từ 1,2 lên 1,6 triệu, trong đó tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở mức cao kỷ lục 17,27%.
Tại Séc, chính phủ nước này thông báo sẽ áp đặt một số biện pháp mới nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng khi số ca mắc mới tại đây có dấu hiệu tăng. Theo đó, kể từ ngày 22/11, chỉ những người đã hoàn thành tiêm chủng hoặc những người đã mắc COVID trong vòng 6 tháng trở lại đây được phép đến quán bar, nhà hàng, khách sạn hoặc sử dụng các dịch vụ khác. Điều này đồng nghĩa với việc quy định cho phép sử dụng xét nghiệm PCR âm tính để đến các địa điểm công cộng trên không còn hiệu lực. Dự kiến trong ngày 19/11, chính phủ sẽ họp về các quy định phòng dịch mới tại trường học, công sở và những người chưa tiêm vaccine, trong bối cảnh Séc vừa ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ đầu dịch với 22.470 ca vào ngày 16/11.
Tương tự, Hy Lạp cũng siết chặt biện pháp đối với những người chưa tiêm vaccine trong bối cảnh nước này đang đối phó với làn sóng dịch thứ tư. Theo đó, kể từ ngày 22/11, những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ bị cấm đến các địa điểm công cộng trong không gian kín như rạp chiếu phim, rạp hát, bảo tàng, phòng tập gym. Đối với nhà hàng và quán cà phê, những người này cũng không được sử dụng dịch vụ cả trong và ngoài trời. Hiện, nhóm người này vẫn có thể đến các địa điểm trên nếu có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
- Đức siết chặt các biện pháp chống đại dịch
- Tiêm vaccine - Hy vọng tốt nhất để đánh bại đại dịch Covid-19
- Các nước châu Âu tăng cường biện pháp ngăn chặn làn sóng dịch mới
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết tính đến này, hơn 7 triệu người dân Hy Lạp đã tiêm vaccine. Khoảng 1,5 triệu người đã tiêm đủ liều trong hơn 6 tháng qua và cần tiêm mũi tăng cường, trong khi 575.000 người trên 60 tuổi chưa tiêm chủng. Ông Mitsotakis cho hay 90% bệnh nhân đang điều trị trong khu điều trị tích cực là những người chưa tiêm vaccine.
Liên quan đến nguồn cung vaccine, ngày 18/11, Chính phủ Ấn Độ cam kết cung cấp 5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho thế giới vào năm 2022. Thủ tướng Narendra Modi cho hay Ấn Độ đã xuất khẩu 65 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sang gần 100 quốc gia trong năm nay, và trong những tháng tới sẽ xuất khẩu nhiều hơn thế nhiều khi năng lực sản xuất vaccine tăng lên.
TTXVN
Tags