Cùng với chú mèo máy Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, Nhóc Maruko được xem là một trong những biểu tượng văn hóa hiện đại của Nhật Bản. Sau quá trình dài thương thảo bản quyền và chuẩn bị bộ sách, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023), cuối tuần qua, bộ truyện tranh kinh điển Nhóc Maruko (NXB Kim Đồng) đã chính thức ra mắt bạn đọc Việt Nam.
Sự kiện giao lưu ra mắt sách Nhóc Maruko - Tuổi thơ ngọt ngào có sự tham gia của cây viết ẩm thực (food blogger) Phan Anh Esheep, biên tập viên Diệp Chi, MC - ca sĩ Bùi Minh Quân.
Những ký ức ùa về
Bộ truyện tranh Nhóc Maruko của cố họa sĩ Sakura Momoko đã được độc giả Việt Nam biết đến cách đây gần 3 thập niên. Dựa trên ký ức tuổi thơ của chính mình, tác giả đã sáng tác loạt truyện xoay quanh cuộc sống ở nhà và ở trường của Maruko, với vô vàn khoảnh khắc hài hước, nhưng không kém phần xúc động về tình cảm gia đình, bè bạn. Nhóc Maruko đã nhận được tình cảm yêu mến, trở thành một phần tuổi thơ của rất nhiều bạn đọc thế hệ 8X, 9X.
Trong ký ức của Phan Anh Esheep, Maruko, Doraemon và Teppi là 3 người bạn lớn nhất, ảnh hưởng đến chị sâu sắc nhất. Riêng nhóc Maruko lại là nhân vật nữ duy nhất được chị yêu thích và gần gũi nhất. Rất nhiều khi, Phan Anh đã từng nghĩ, nhóc Maruko chính là mình. Thậm chí, cô bé Phan Anh ngày xưa còn say mê bộ truyện tranh này đến mức muốn "ăn truyện Maruko".
Chị kể: "Năm lớp 8, mình bị ốm không ăn được gì. Mẹ hỏi có ăn gì không mẹ mua cho, thì mình bảo mẹ ra hiệu sách mua cho con quyển Nhóc Maruko mới nhất, chỉ cần ăn truyện Maruko thôi, con sẽ hết ốm".
Diệp Chi kể rằng tuổi thơ không được sở hữu một cuốn Nhóc Maruko nào riêng, nhưng những lần thuê truyện đọc luôn là kỷ niệm thân thương. Chị nhớ lại: "Hồi bé, buổi trưa, thường xuyên mình phải đi "coi cọp" truyện từ tiền ăn sáng được dè sẻn mỗi hôm một chút. Những lúc không có tiền ăn sáng, mình sẽ nịnh bác cho thuê truyện bằng cách nhổ tóc bạc cho bác để được coi Maruko. Cho nên mỗi buổi trưa hoặc bất cứ lúc nào được ngồi một góc ở trong quán thuê truyện, là những giờ phút mà mình nâng niu vô cùng. Ngay lúc đó, mình chỉ mong muốn được trở về nhà để kể cho em mình nghe".
Người bạn của tuổi thơ
Có những kỷ niệm khó quên như thế, với cả Phan Anh Esheep, hoặc Diệp Chi và nhiều thế hệ độc giả khác được gặp lại Nhóc Maruko đúng nghĩa như gặp lại một người bạn cũ với cả một bầu trời tuổi thơ ùa về.
Đó là cô bạn mới dễ thương làm sao. Chỉ gặp một lần là nhớ, hễ nhắm mắt lại là thấy ngay gương mặt đáng yêu của Maruko. Cô gái có mái tóc răng cưa, đôi mắt hình dấu hỏi nằm ngang, cùng khuôn mặt tròn bầu bĩnh và đôi gò má hồng đào. Maruko có nhiều tật xấu lắm, nào lười học, nào luôn để mẹ phải nhắc làm việc nhà. Nhóc là chúa hậu đậu, hơi tí thì vấp ngã. Nhưng đổi lại, Maruko rất dễ thương, tốt bụng, luôn quan tâm tới mọi người.
Maruko còn vẽ rất đẹp, kể chuyện cũng hay nữa. Những câu chuyện mà nhóc kể nghe thật thân thương, chuyện ở nhà, chuyện ở lớp. Dù các bạn nhỏ tiểu học hoặc đã lớn cũng đều muốn có Maruko là bạn thân.
Có lẽ với những độc giả của Nhóc Maruko, ai cũng có thể tìm được một phần nào đó hình bóng của bản thân trong cô nhóc này.
"Với tôi, đọc truyện, sẽ thấy rõ ngay Maruko rất lười biếng, lười làm việc nhà giống như mình ngày bé. Ngoài ra, cô bé này còn rất ham ăn, cực kỳ thích ăn ngon, thích quan tâm đến các món ăn. Trong khi hồi bé, tôi hoàn toàn chưa hề nghĩ rằng những món ăn hoặc ẩm thực sẽ là công việc sau này mình gắn bó. Tôi chỉ nghĩ mình thích ăn các món ngon y như cô nhóc này" - Phan Anh Esheep kể.
Cũng giống Phan Anh Esheep, Diệp Chi cũng mong và cứ nghĩ mình là Maruko trong những năm tháng tuổi thơ. Đôi khi, chị còn áp dụng rất nhiều những tình huống trong truyện tranh vào đời thực.
"Nhà Chi cũng có 2 chị em nên bao giờ mình cũng nghĩ và hình dung hoặc mình, hoặc em gái là Maruko. Em gái của mình cũng rất hay bị chảy máu cam. Khi đọc lại truyện Ước mơ chảy máu cam, mình nhớ rõ kỷ niệm của 2 chị em là đã từng bắt chước như Maruko muốn chảy máu cam để được nghỉ học. Có rất nhiều những trò tinh nghịch, ngộ nghĩnh như vậy đã được 2 chị em áp dụng và có được những tràng cười sảng khoái" - Diệp Chi kể.
Rồi có những khi, cô bé Diệp Chi ngày xưa còn tạo hình cho cô em gái mái tóc răng cưa như Maruko bằng nước. Nhưng, được một lúc chạy ra ngoài tóc lại khô mất, thế là dùng bút chì vẽ cho em đúng 7 cái răng cưa như mái tóc của Maruko. Lần khác, Diệp Chi còn nịnh mẹ để mẹ may cho một cái váy đỏ và có hai dây y hệt như Maruko.
Nuôi dưỡng tình cảm và ước mơ
Không chỉ là người bạn của tuổi thơ, nói rộng hơn, Phan Anh Esheep còn đề cập đến sức sống trải dài hơn ba thập niên của Nhóc Maruko, kể từ thời điểm ra mắt ở Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1986.
Nhóc Maruko mang thông điệp cốt lõi là sự trân trọng tình gia đình, bạn bè. "Những tình huống, cảm xúc trong tập truyện này thực sự tích cực. Nó là những hình mẫu mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy bên trong và vận dụng để tình cảm gia đình tốt đẹp hơn" - Phan Anh Esheep nhận xét – "Bất cứ gia đình nào cũng có thể đối mặt với việc con cái lười học, lười làm việc nhà, hoặc ông chồng đi làm về muộn, bà mẹ có những sở thích khác người… Những tình huống đó, chúng ta sẽ cư xử thế nào? Hoặc khi gia đình sống cùng với ông bà lớn tuổi, làm thế nào để những mối quan hệ diễn ra tốt đẹp? Câu trả lời cho những vấn đề này đều có thể tìm thấy trong tập truyện Nhóc Maruko một cách nhẹ nhàng, thân thương".
Phan Anh Esheep còn nhấn mạnh thêm, thế hệ độc giả hiện đại đủ thông minh và nhạy cảm để để chọn lọc được những điều tốt đẹp của tác phẩm. Chị nói: "Khi đọc truyện các bạn dễ dàng nhận ra rằng, tôi có thể gần gũi và quen thuộc với nhóc Maruko ở việc lười biếng. Nhưng tôi hoàn toàn cũng có thể học được ở Maruko việc vượt qua lười biếng như thế nào để trở nên tốt hơn".
Chị nói thêm: "Bạn có thể là bất cứ ai, bạn không hoàn hảo nhưng bạn hoàn toàn cảm nhận được tinh thần của Maruko và những người bạn của cô bé, ở chỗ, các bạn ấy không bao giờ dễ dàng từ bỏ, buông xuôi. Các bạn ấy biết là mình lười đó, nhưng rõ ràng khi đi qua kỳ nghỉ Hè, vào năm học mới, Maruko và các bạn vẫn phải cố gắng để làm bài tập tốt nhất có thể. Khi không làm tốt, các bạn ấy biết áy náy và biết thay đổi để làm tốt hơn trong năm học tới. Đó mới là giá trị cốt lõi và tinh thần quan trọng mà tập truyện Nhóc Maruko đem tới và có thể tác động đến độc giả nhỏ tuổi".
Ở một phần giá trị khác, tại sự kiện ra mắt, anh Đặng Cao Cường, Trưởng ban biên tập sách comic của NXB Kim Đồng chia sẻ về khả năng nuôi dưỡng những ước mơ của Nhóc Maruko từ câu chuyện cá nhân.
Anh kể: "Đây là bộ truyện tranh đầu tiên tôi được đọc. Từ khi còn chưa biết chữ, anh chị đã mang nó về cho tôi xem. Hồi ấy, cầm trên tay cuốn truyện, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, sao vẽ nguệch ngoạc thế này mà cũng thành truyện tranh? Nhưng rồi cũng kể từ đó, khi được nhìn từng bức tranh, dù chưa biết chữ, tôi đã bắt đầu sáng tác những câu chuyện xoay quanh những tranh vẽ đó. Maruko đã giúp tôi đi được con đường với truyện tranh cho đến ngày hôm nay. Biết đâu đó, có những bạn nhỏ sẽ đọc Nhóc Maruko, để rồi cũng được nuôi dưỡng tâm hồn và tiếp tục theo đuổi ước mơ như tôi đã từng".
Phiên bản đậm chất hoài cổ
Khác với ấn bản gốc được ra mắt tại Nhật mang phong cách tạp chí Ribon năm 1987, bản tiếng Việt dành riêng cho độc giả Việt Nam được khoác lên mình một hình thức mới. Dưới sự "phù phép" của nhà thiết kế Tạ Quốc Kỳ Nam, ấn bản Nhóc Maruko của NXB Kim Đồng đậm màu hoài cổ (vintage version), nhưng vẫn giữ trọn phong cách vui tươi, dễ thương từ minh họa gốc của tác giả. Tổng thể bộ sách trông giống như những cuốn nhật ký được vẽ tay, hình ảnh đầy sống động.
Ngoài ra, để tăng thêm trải nghiệm cho độc giả, NXB Kim Đồng đã quyết định tăng khổ của bản tiếng Việt so với khổ sách manga truyền thống, để có thêm không gian cho các ô thoại và những dòng chia sẻ đầy tâm huyết của tác giả.
Tags