Trung Quốc đang trở thành mục tiêu của nỗi giận dữ từ Triều Tiên?

Thứ Hai, 11/09/2017 17:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng miêu tả mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là “môi hở răng lạnh”. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, tình hình đã có nhiều biến động.

Tự tạo khoảng cách

Khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên vào cuối năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc khi đó Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng ủng hộ và dự đoán rằng “hợp tác hữu nghị truyền thống” giữa hai quốc gia sẽ được tăng cường.

Hai năm sau, ông Kim Jong-un ra lệnh hành quyết người chú Jang Song-thaek, nhân vật được cho thân thiết với Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), từ đây, mối quan hệ giữa hai nước đồng minh suy giảm với nhiều nhà ngoại giao và chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc có thể giống Mỹ trở thành mục tiêu của nỗi giận dữ từ Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Ông Jang Song-thaek (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN

Theo Reuters, các chuyên gia đánh giá ông Kim Jong-un đã tự tạo khoảng cách với đồng minh Trung Quốc.

Ông John Delury tại Đại học Yonsei nhận định khi mới lên nắm quyền, ông Kim Jong-un còn khá trẻ, chưa được biết đến rộng rãi và nhà lãnh đạo này muốn chứng minh không phụ thuộc vào Trung Quốc. “Tôi cho rằng ông Kim Jong-un đã ra quyết định trước tiên giữ kiểm soát trước ông Hồ Cẩm Đào và nay là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”, ông Delury cho hay.

Với nỗ lực làm nóng quan hệ, ông Tập Cận Bình đã cử quan chức cấp cao trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc là Lưu Vân Sơn tới dự cuộc diễu binh của Triều Tiên trong tháng 10/2015.

Nhưng từ đó đến nay, có đánh giá rằng các động thái của Triều Tiên đã nhiều lần khiến Trung Quốc bẽ mặt. Đơn cử như vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trong ngày 3/9 diễn ra khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tổ chức tại Trung Quốc. Trong tháng 5, Triều Tiên cũng phóng một tên lửa chỉ vài giờ trước khi Diễn đàn Vành đai, Con đường – một trong những sáng kiến ngoại giao mang dấu ấn của ông Tập Cận Bình- khởi động.

Liệu môi có hở?

Mỹ và các đồng minh tin rằng Trung Quốc cần cứng rắn hơn với Triều Tiên bởi năng lực tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tăng lên trùng với khoảng thời gian mối quan hệ với hàng xóm Bắc Kinh hạ nhiệt.

Trước khi nghỉ hưu trong mùa hè năm nay, đặc phái viên Trung Quốc về Triều Tiên Vũ Đại Vĩ đã không đặt chân đến đất nước hàng xóm trong một năm. Người kế nhiệm ông Vũ Đại Vĩ là Khổng Huyễn Hựu kể từ khi đảm nhiệm chức vụ mới cũng chưa công du đến Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Triều Tiên tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trước tình hình trên, Giáo sư quan hệ quốc tế Jin Canrong tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho rằng việc đánh giá Trung Quốc kiểm soát ngoại giao với Triều Tiên là sai lầm.

“Chưa từng tồn tại quan hệ phụ thuộc giữa hai phía. Chưa bao giờ. Đặc biệt sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên rơi vào tình huống khó khăn và không nhận được đủ sự giúp đỡ từ Trung Quốc vì vậy họ quyết định tự lực”, ông Jin Canrong cho hay.

Khi nạn đói xảy ra vào giữa thập niên 1990 của thế kỷ trước, có thông tin khoảng 200.000 đến 3 triệu người Triều Tiên đã thiệt mạng, gây ảnh hưởng tới kinh tế nước này, buộc Bình Nhưỡng tìm đến thương mại tư nhân. Điều này đã tạo điều kiện để Triều Tiên độc lập khỏi hộ trợ từ bên ngoài và có niềm tin vào tư tưởng “Juche” về tự lập.

Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên trong cuộc chiến tranh năm 1950-1953 và từ đó đến nay Bắc Kinh luôn là đồng minh của Bình Nhưỡng đồng thời đóng vai trò đối tác thương mại chính.

Tuy nhiên Bắc Kinh luôn lo sợ viễn cảnh các động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng dẫn tới hậu quả hỗn loạn, dòng người tị nạn từ nước này tràn sang Trung Quốc, và Bán đảo Triều Tiên hợp nhất thành một quốc gia ủng hộ Mỹ.

Triều Tiên công khai đe dọa 'xóa sổ' Mỹ bằng vũ khí xung điện từ

Triều Tiên công khai đe dọa 'xóa sổ' Mỹ bằng vũ khí xung điện từ

Đây là động thái hết sức chú ý trong bối cảnh có tin quân đội Mỹ được lệnh bắn hạ mọi tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng tấn công lãnh thổ Mỹ và tàu đổ bộ USS Wasp đã rời Virginia áp sát Bán đảo Triều Tiên.

Đây là lý do khiến Trung Quốc miễn cưỡng với việc “đánh” vào kinh tế Triều Tiên, đồng thời lo ngại đề xuất như Mỹ đưa ra là cấm vận năng lượng có thể dẫn tới việc Bình Nhưỡng sụp đổ.

Thay vào đó, Trung Quốc liên tục kêu gọi bình tĩnh, kiềm chế và ủng hộ giải pháp đàm phán.

Ông Zhao Tong, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc) nhận định Bình Nhưỡng rất không vui khi Bắc Kinh ủng hộ những biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

“Nếu Trung Quốc ủng hộ trừng phạt kinh tế trực tiếp đe dọa tới sự ổn định của chính quyền Triều Tiên thì có khả năng rằng Bình Nhưỡng sẽ trở nên thù địch với Bắc Kinh như với Washington”, ông Zhao Tong phân tích.

Theo Báo Tin Tức

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›