Triển lãm tranh Nguyễn Thụ: Mở đầu chặng đường 'hồi hương' gần 1.000 tranh quý

Thứ Ba, 11/12/2018 07:57 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của họa sĩ Nguyễn Thụ, triển lãm Nguyễn Thụ - Hiện thực và Trữ tình giới thiệu 60 tác phẩm của ông đã khai mạc sáng qua (10/12) tại tầng 9 - 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (mở cửa đến 20/12/2018).

Triển lãm tranh lấy cảm hứng từ áo tứ thân

Triển lãm tranh lấy cảm hứng từ áo tứ thân

Triển lãm tranh 'Dòng chảy', gồm 30 tác phẩm vẽ sơn dầu trên vải, toan, acrylic trên vải của họa sĩ Ngô Như Hồng vừa diễn ra tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Đây là những tác phẩm nằm trong bộ sưu tập gần 300 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thụ và gần 1.000 tác phẩm hội họa mà Tập đoàn Thái Bình Dương đang lưu giữ và bảo quản.

1. Họa sĩ Nguyễn Thụ là một trong 15 học viên khóa 1 (1957-1962) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là ĐH Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên của trường và giữ cương vị hiệu trưởng từ năm 1985 đến năm 1991, được phong học hàm PGS, danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Chú thích ảnh
“Mẹ con”, tác phẩm của Nguyễn Thụ

Thực tế, Nguyễn Thụ bén duyên tranh lụa ngay từ những ngày đầu đến với hội họa bởi ông tìm thấy trong tranh lụa sự nhẹ nhàng, lãng mạn, gần gũi. Ông cũng là một trong số ít họa sĩ dành cả cuộc đời để vẽ tranh lụa và ghi dấu ấn sâu sắc với thể loại này.

Tranh của ông cô đọng về ý, tinh lược về hình, lúc nhấn, lúc thả, đẹp dịu dàng, nên thơ, trong trẻo… như một cuộc dạo chơi lãng đãng giữa thiên nhiên, đất trời. Có thể kể ra nhiều tác phẩm nối tiếng như: Bác Hồ đi công tác, Núi rừng là của con, nhà máy cũng của con, Cô gái Tày, Làng ven núi, Mẹ con...

Nguyễn Thụ cũng là tác giả của nhiều bức ký họa xuất sắc, sống động như: Mưa, Ghé qua bản, Dệt vải… hay các bức tranh khắc gỗ như Về Bản, Đi tuần tra, Suối Lê Nin…

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn  Thụ (thứ 3 từ trái sang) cùng người thân và bạn bè tại triển lãm

2. Có tiếng vẽ tranh lụa đẹp, nên Nguyễn Thụ nhiều lần được mời sang Mỹ, sang Pháp để dạy vẽ tranh lụa và triển lãm với các họa sĩ quốc tế. Trong cuộc đời vẽ tranh lụa của mình, ông cũng đã 3 lần tổ chức triển lãm cá nhân ở trong nước. Được con cháu đưa đến triển lãm khi sắp sang tuổi 88, lão họa sĩ lặng đi vì xúc động khi chứng kiến những tác phẩm của mình trở lại.

Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng chia sẻ: Họa sĩ Nguyễn Thụ đặc biệt nặng lòng với đồng bào dân tộc Tày, Thái và vùng núi phía Bắc. Trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Thụ tạo nên một phong cách độc đáo, mang bút pháp và phong vị riêng với nhiều tác phẩm có giá trị, được lưu giữ tại nhiều bảo tàng trong và ngoài nước.

Còn theo họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, rất nhiều tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Thụ được các nhà sưu tập nước ngoài tìm kiếm. Vì thế, cuộc trở về này sẽ giúp cho người xem một cái nhìn toàn diện về sự nghiệp sáng tác của ông.

Chú thích ảnh
"Phong cảnh Tây Bắc" – tác phẩm của Nguyễn Thụ

3. Đáng chú ý, theo đơn vị tổ chức triển lãm - Tập đoàn Thái Bình Dương, trong gần 1.000 tác phẩm hội họa mà tập đoàn này đang sở hữu, bên cạnh 300 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thụ được mua lại từ một nhà sưu tập nghệ thuật Thái Lan, còn có gần 500 tác phẩm của một số hoạ sĩ nổi tiếng Việt Nam được mua lại từ các nhà sưu tập nước ngoài.

Trong số đó, có một số tác phẩm thuộc hai bộ tứ “Trí - Lân - Vân - Cẩn” và “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”, và của một số họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Trọng Hợp, Dương Hướng Minh, Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam, Tôn Đức Lượng, Văn Giáo, Văn Bình, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Thái Hà, Quang Phòng… và các họa sĩ kháng chiến như Nguyễn Thụ, Mai Long…

Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Phong cảnh, Trừu tượng của Nguyễn Gia Trí, Tiên cưỡi Rồng, Điệu múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm, Chân dung Kiều Chinh của Dương Bích Liên, Chùa Thầy của Nguyễn Sáng, Chân dung Lâm cà phê của Bùi Xuân Phái, Tình Mẫu tử của Lê Phổ, Gia đình Hươu của Trần Phúc Duyên…

Dự kiến, các tác phẩm này cũng sẽ lần lượt ra mắt người xem trong tương lai.

Hoài An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›