Bộ sưu tập hơn 70 tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh (1895-1973) vừa được nhà sưu tập Lê Quang Tuyến giới thiệu tại Nhà triển lãm Artspace (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Đây chỉ là một phần nhỏ trong cả sự nghiệp hội họa và trang trí sân khấu, kiến trúc của Thang Trần Phềnh, nhưng cũng toát lên được nét tài hoa rất riêng.
Trần Phềnh tức Trần Văn Bình, tự là Đạt Siêu, sinh năm 1895, bố đẻ là Thang Thọ Ký, người gốc Hoa, mẹ là Lê Thị Ngát, người Việt Nam. Từ nhỏ ông đã thích vẽ và tự tìm tòi vẽ tranh. Cha ông đã mua giấy, mực cho ông tập vẽ. Nhà ở phố Hàng Cá, có cơ hội tiếp xúc những đoàn kịch Trung Quốc sang biểu diễn, Trần Phềnh để ý cách vẽ phông màn sân khấu của họ để học theo. Ông luôn đứng nhất môn hội họa khi học tập tại Trường Bưởi.
Từ buổi giao thời
Theo tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, năm 1911 (16 tuổi), ông gửi bức tranh Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn, kích thước 30cm x60cm, vẽ bằng thuốc nước trên giấy, tham dự đấu xảo Hà Nội, bán cho một vị khách tên Georges Bois. Ông khách này còn hỏi đến tận nhà riêng, đặt mua thêm hai bức khác. Kể từ đó, Thang Trần Phềnh được tiếng vẽ tranh đẹp, rất nhiều người tìm đến mua.
Từ việc tự học vẽ phong cảnh, với năng khiếu trời cho, Thang Trần Phềnh đã sáng tạo ra lối vẽ có thể ngắm nhìn được từ cả bốn phía, được gọi là “tứ cố”, các tranh phong cảnh của ông vẽ như thực, gây ảo giác về sự chuyển động.
Thang Trần Phềnh cùng với Lê Huy Miến, Nam Sơn… là những nhân vật tiên phong trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam cận - hiện đại. Họ đã có được danh tiếng về tài vẽ từ trước khi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1924. Thế nhưng, năm 1925, ông lại trượt khóa đầu tiên, phải đến khóa 2 ông mới được ghi danh vào học.
Ông học cùng khóa với Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Hồ Văn Lái, Lê Tiến Phúc, Đặng Trần Cốc, Nguyễn Hữu Đẩu, Nguyễn Văn Hồng, Đỗ Đức Thuận... Danh họa Tô Ngọc Vân từng nói: “Ông là họa sĩ mà trước kia chúng tôi rất phục tài, coi như cái đích tuyệt cao khó tới”.
Nhưng rồi ông không đi theo con đường vẽ tranh thuần túy, năm 1931, sau khi tốt nghiệp, ông quay lại với nghệ thuật sân khấu, thỉnh thoảng mới tham gia triển lãm tranh. Các tác phẩm của ông được triển lãm tại Pháp và Ý, trong đó có các bức như Đánh bài tam cúc (1930), Xem bói (1931), Thiếu nữ dệt vải (1933), Xuống ngựa (1934), Lý trưởng hỏi thăm đường (1934)…
Trên con đường nghệ thuật sân khấu, Thang Trần Phềnh đã để lại nhiều tác phẩm ký họa màu nước có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Ba tác phẩm tranh sơn dầu của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (mua trực tiếp từ tác giả), gồm có: Phạm Ngũ Lão (tên khác là Trần Hưng Đạo, sơn dầu, 71cm x95cm, 1923), Chân dung phụ nữ Lào (sơn dầu, 45cm x38,5cm, 1927), Chân dung ông Chu (sơn dầu, 37cm x49cm, 1927).
Cuộc đời của Thang Trần Phềnh vẫn còn là một bí ẩn. Năm 2018, cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895-1973) do ông Ngô Kim Khôi - cháu ruột của danh họa Nam Sơn, bạn thân của gia đình Thang Trần Phềnh - tổng hợp biên soạn, gồm 5 phần, trong đó có phần về quá trình hoạt động nghệ thuật. Sách giới thiệu 28 tác phẩm từ thời Pháp thuộc, thời kháng chiến, hòa bình ở miền Bắc với các thể loại bút sắt, mực tàu, thuốc nước, bột màu, phấn tiên, sơn dầu, phẩm nhuộm vẽ trên giấy, lụa, vải bố…
Những mảnh ghép từ hội họa
Bộ sưu tập lần này của Lê Quang Tuyến bao gồm các chủ đề như nhân vật cùng trang phục xưa, kiến trúc, phong cảnh, cảnh sinh hoạt Bắc bộ và ký họa thời kháng chiến. Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu cuốn sách Thang Trần Phềnh - Hồi ký và tác phẩm do Lê Quang Tuyến sưu tầm và tập hợp.
Các bức vẽ ký họa nhân vật với trang phục xưa trên chất liệu màu nước có kích thước nhỏ 20cm x 11cm, chiếm đa phần triển lãm. Ông ký họa các trang phục của hoàng hậu, nhũ mẫu, công chúa, nhà vua, nghĩa binh, binh sĩ, quan văn, quan võ, võ tướng, nữ tướng, nho sĩ, nho sinh, nữ binh, thầy đồ, trang phục nông thôn…Nhà nghiên cứu trang phục sân khấu Đoàn Thị Tình nhận xét: “…đã phác họa lên một phần sử liệu phong phú, khá chính xác về đặc trưng hình dáng, màu sắc đến tính chất vật thể, hoàn cảnh, cách mang vận của chủ nhân đương thời”.
Các ký họa kiến trúc được ông vẽ rất kỹ lưỡng. Các tác phẩm trong triển lãm lần này vẽcung điện,long sàng, dinh quan, chùa ven sông, chùa Một Cột, thành Huế. Đặc biệt bức Điện Cần Chánh Huế có ghi sáng tác năm 1917. Theo hồi ký của Thang Trần Phềnh, năm 1917 ông vào Huế 7 tháng.
Trong hợp tác với hội Những người bạn cố đô Huế, ông nghiên cứu và vẽ minh họa nhiều hình ảnh cho quyển Nghệ thuật ở Huế. Ông viết: “Cảnh này phải vẽ cẩn thận… long ly quy phượng chạm trổ tinh vi, triện hoa triện chữ, đầu dầm, cột rồng đăng đối…nhìn vào chỗ nào cũng thấy chạm trổ, nét vẽ chạm hoàn toàn một vẻ dân tộc”.
Phong cảnh và cảnh sinh hoạt Bắc bộ cũng là những tác phẩm được sáng trước khi học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Những tác phẩm thể hiện quang cảnh nông thôn Bắc bộ thân thuộc và giàu cảm xúc. Các tác phẩm như Cây đa đền Quán Thánh, Ven bờ sông Hồng, Bãi giữa sông Hồng, Phong cảnh nông thôn, Gánh mạ, Xem bói… với các gam màu đặc trưng của vùng quê Bắc bộ như nâu, vàng, xanh lá nhạt dần về trắng với nét vẽ chi tiết, tinh tế và tình cảm. Trong đó bức sơn dầu khổ lớn 200cm x 100cm Phong cảnh vùng trung du, được vẽ năm 1931, thể hiện một hòa sắc nâu vàng, cổ điển.
- Triển lãm 'Chế độ Y quan triều Nguyễn' và Lễ hội 'Chợ quê ngày hội'
- Hơn 100 tác phẩm ảnh báo chí ấn tượng tại Triển lãm 'Dấu ấn 3'
- 'Hoan Ka' - triển lãm cá nhân đầu tiên của Tuyết Lan Trần
Ký họa thời kháng chiến về các cảnh như rèn luyện thân thể, ăn mừng chiến thắng, cuộc họp xã viên, về phép, đi sơ tán…cũng chính là tên gọi giản dị của các tác phẩm. Những chủ đề đơn lẻ đại diện phần nào những mảnh ghép trong cuộc đời bí ẩn của họa sĩ. Những cảnh nông thôn đại diện cho một quãng đời gắn bó với đồng bằng Bắc bộ. Ký họa kháng chiến cũng là một phần của quãng đời người họa sĩ. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, tản cư về Nhã Nam - Yên Thế (Bắc Giang), làm việc tại Sở Thông tin - Tuyên truyền Liên khu 10. Và những ký họa trang phục được tìm thấy nhiều nhất nói lên phần lớn quãng đời gắn bó với rạp hát và nghệ thuật sân khấu của họa sĩ Thang Trần Phềnh.
Tranh và ký họa của Thang Trần Phềnh đều được vẽ rất kỹ lưỡng. Các nhân vật trong tác phẩm hầu hết được ông thể hiện rõ khuôn mặt. Các ký họa kiến trúc hoặc phong cảnh đều chi tiết. Mặc dù đây là những tư liệu phục vụ công tác sân khấu, nhưng các tác phẩm cũng biểu hiện tinh thần hội hoa nghiêm túc, sâu sắc và một phong cách tả thực với bút pháp cá nhân độc đáo.
Triển lãm còn kéo dài đến hết ngày 30/8/2022.
Bức Bãi giữa sông Hồng và Ven bờ sông Hồng có ghi sáng tác năm 1919, như vậy cho đến nay tác phẩm đã hơn 100 năm. |
Bằng Lăng
Tags