Đang diễn ra tại Hanoi Studio Gallery (23 - 25 Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội) tới ngày 13/10, triển lãm Mây ký ức của nữ họa sĩ Đặng Kim Ngân mang đến một Hà Nội đầy hoài niệm với những khung hình của phố chìm đắm trong không gian siêu thực.
Rời Hà Nội năm 19 tuổi, Ngân vẽ thành phố tuổi thơ của mình bằng nỗi nhớ. Vẫn còn đó một Hà Nội hiện thực với nhà phố san sát, cột điện chằng chịt dây… thế nhưng tranh của Ngân lại bất định với trời mây bồng bềnh quanh phố, với tường cũ từng mảng chợt tan ra… tựa như ký ức bảng lảng, khó nắm bắt. Cứ thế, Mây ký ức lững lờ trôi trong cõi nhớ của Ngân như thể "đất đã hóa tâm hồn".
Ký ức chuyển động… như mây
Trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về Mây ký ức, họa sĩ Đặng Kim Ngân bày tỏ:
- Tôi đã trở về Hà Nội theo cách mình mong muốn nhất. Lần trở về này, không chỉ là những ấp ủ, từ xây dựng ý tưởng, cách thức thể hiện, tìm tòi tư liệu của 5 năm qua, mà có lẽ còn từ giấc mơ mong manh, mơ hồ tuổi đôi mươi khi chia tay Hà Nội. Biết bao cơ duyên đã dẫn dắt tôi tới trạm nghỉ này, để dừng chân nhìn ngắm lại những ký ức xa xôi. Rồi theo dòng chảy thời gian, tôi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những ký ức mới, để nâng niu trân quý và thực hiện những giấc mơ mới.
* "Mây ký ức" là một hình ảnh có vẻ đầy trừu tượng, nhưng cũng rất gợi cảm để diễn tả nỗi nhớ. Phải chăng vì thế chị đã chọn cái tên này cho triển lãm?
- Cả mây lẫn ký ức đều khó nắm bắt, mơ mơ hồ hồ, đổi sắc đổi hình không ngưng nghỉ. Khác chăng, mây có thể nhìn thấy, trong khi ký ức lại là một dạng hình ảnh được ghi dấu trong mỗi cá nhân - mà ngay bản thân người sở hữu nó còn cảm thấy trừu tượng và khó khăn để diễn đạt.
Ai cũng có kỷ niệm. Chính vì ký ức là những điều có thật, đã từng xảy ra, nên mong muốn thể hiện những suy nghĩ, niềm nhớ, hay những day dứt đối với quá khứ là nhu cầu bình thường của mỗi con người. Đối với họa sĩ, diễn đạt những suy tưởng này bằng việc cụ thể thông qua hình ảnh càng là lẽ đương nhiên.
Ở đây, tôi mượn những đám mây dẫn dắt nỗi nhớ về nơi chốn xưa, kết nối hình ảnh trong quá khứ vào với không gian bềnh bồng của thực tại. Đó là những thứ mà chỉ cần ngửa mặt lên trời, ai cũng có thể thấy ngay lập tức, và cũng ngay lập tức cảm nhận được từng thời khắc trôi qua.
* 18 tác phẩm trong triển lãm được chị đặt tên theo 3 chủ đề chính là: Mây ký ức, Cội rễ, Lối về. Dường như cả 3 chủ đề này đều mang nội hàm diễn tả nỗi nhớ, sự trở về trong suy tư của chị về Hà Nội?
- Đúng vậy! Như đã nói ở trên, ký ức hay nỗi nhớ sẽ chuyển động như mây, xao xác như gió và biến ảo cùng thời gian. Các dạng bố cục trên đều là hình thái của nỗi nhớ mà thôi…
* Tả thực phố Hà Nội bằng những chi tiết, hình ảnh tỉ mỉ, kỹ càng, nhưng phố Hà Nội lại được đặt trong những không gian phi thực (bồng bềnh của mây, giằng xé của cây leo…) thậm chí là cả những bóp méo cấu trúc dạng tròn, vuông… Liệu những cách thể hiện này của chị có ngầm ý gì chăng?
- Nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ mường tượng ngay tới ẩm thực và phố cổ. Tất nhiên, Hà Nội không chỉ có thế, nhưng xét về mặt hình ảnh thì phố Hà Nội mang nét đặc trưng riêng và "Hà Nội" nhất. Phố nhỏ, nhà nhỏ và do thổ nhưỡng, tính chất khí hậu mà phố Hà Nội mang một hòa sắc u uẩn, tha thiết luôn làm tôi thương nhớ. Tôi yêu những chi tiết của cửa sổ, hoa văn trang trí, ban công nhỏ ôm ấp những chậu cây xinh xinh, hay của mái ngói nâu trầm hoặc mang sắc xám ấm áp. Những chi tiết đó thật quý giá.
Nhưng theo thời gian, Hà Nội đang đổi thay. Điều gì còn? Điều gì mất? Những giằng co của hiện thực với quá khứ và tương lai hiện ra như một minh chứng cho điều không tránh khỏi, như thể ta nhìn thấy một chiếc lá bay theo gió rồi mất hút.
Tôi không vẽ những ngôi nhà đứng yên, tôi vẽ nhà chuyển động, lao xao cùng gió, mây và thời gian. Và khi chuyển động, những vấn vương của ký ức như đám rễ cây bấu víu, níu kéo, chống chọi với thời gian. Âu cũng chỉ là quy luật của tự nhiên mà thôi…
"Ký ức là những điều có thật, đã từng xảy ra, nên mong muốn thể hiện những suy nghĩ, niềm nhớ, hay những day dứt với quá khứ là nhu cầu bình thường của mỗi người" - Đặng Kim Ngân.
Chỉ cần thành thực với cảm xúc
* Một ấn tượng khác của "Mây ký ức" là việc toàn bộ tác phẩm đều được vẽ bằng chì màu trên toan. Lý do nào khiến chị chọn chì màu? Chất liệu này có lợi thế gì giúp chị kể những câu chuyện về Hà Nội trên tranh?
- Chì màu là một chất liệu linh hoạt, có nhiều lợi thế khi tả sâu, chi tiết, vờn khối, đồng thời vẫn giữ được tổng hòa của mảng miếng, ánh sáng. Với chì màu, tôi dễ dàng chủ động định hướng cho nét đi. Việc chồng nhiều lớp để có độ sâu thẳm của không gian cũng không làm ảnh hưởng đến tính chất xốp nhẹ của chì. Đây là một đặc điểm rất riêng và khác biệt của chì so với các chất liệu khác.
Nhưng cá nhân tôi vẫn quan niệm chất liệu chỉ là dụng cụ. Ý tưởng và việc ứng biến chất liệu phục vụ cho ý đồ sáng tác mới quan trọng hơn cả.
* Còn những thách thức để xử lý chì màu trên toan thì sao, thưa chị?
- Thường thì chì màu được dành cho vẽ trên giấy. Khi vẽ trên toan, tôi phải quét các lớp gesso (lớp nền màu trắng được phủ lên vải canvas), xịt phủ dung dịch dành cho chì để tạo độ bám rồi mới vẽ. Vẽ xong cũng có lớp phủ bảo vệ cho màu giữ được độ bền tốt.
Nét chì nhỏ và khi vẽ trên mặt toan có độ xốp, chì rất mau mòn, khổ tranh cũng khá lớn. Tôi lại thích gọt bút chì bằng tay để có độ nhọn như ý, nên mỗi lần vẽ mảng lớn tôi phải gọt vài chục chiếc bút chì một lần để khỏi phải vừa vẽ vừa ngưng, làm giảm mạch suy nghĩ, mất tập trung.
Còn thì việc vẽ là niềm vui, tôi không ngại hay tiếc những khoảnh khắc ngồi bên tranh vẽ, lâu hay mau không quan trọng với tôi. Thách thức lớn nhất của tôi là làm sao có thể cân đối được thời gian vẽ với những công việc thường nhật khác.
* Chị chia sẻ rằng triển lãm này đã giúp chị trở về Hà Nội theo cách mình mong muốn nhất. Vậy chị đã vẽ Hà Nội bằng những tình cảm như thế nào?
- Nỗi nhớ thì hay quẩn quanh, lặp lại một cách vô thức. Có lần về thăm Hà Nội, tôi đứng trên sân thượng một ngôi nhà xây kiểu Pháp, nhìn thấy mái ngói và các mảnh sân của những ngôi nhà bủa vây chật chội xung quanh. Đứng nơi đó giống như thể trở về quá khứ, từ đó ý tưởng tạo bố cục theo hình tròn nảy ra. Vòng tròn quẩn quanh của nỗi nhớ vốn trừu tượng bỗng hiện lên theo cách rõ ràng nhất, và rồi nỗi nhớ tiếp tục chuyển động theo diễn biến tự nhiên của những hình dung mang tính hình ảnh, lúc giằng co, lúc bay bổng. Thiết nghĩ, người xem cũng có thể cảm nhận được điều này theo hướng bút pháp mà tôi đã dùng.
* Đã có nhiều họa sĩ lựa chọn Hà Nội làm đề tài sáng tác với nhiều ngôn ngữ hội họa, chất liệu thể hiện khác nhau. Ở góc độ một người sáng tác, chị tự thấy tác phẩm về Hà Nội của mình có gì đặc biệt?
- Thực ra đề tài nào thì cũng sẽ có rất nhiều họa sĩ cùng theo đuổi. Chỉ cần người họa sĩ thành thực với cảm xúc, với tình cảm của bản thân thì các tác phẩm được tạo ra sẽ thể hiện được cá tính của người đó.
Tôi vẽ nỗi nhớ của tôi, Hà Nội trong ký ức của tôi, nên sự khác biệt về Hà Nội trong các tác phẩm của tôi đương nhiên sẽ khác các tác phẩm của họa sĩ khác. Đó cũng chính là sự thú vị và đẹp đẽ của nghệ thuật.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Vài nét về họa sĩ Đặng Kim Ngân
Họa sĩ Đặng Kim Ngân sinh năm 1972 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1997. Sau khi ra trường, chị sống tại TP.HCM với nhiều công việc như minh họa sách thiếu nhi, minh họa truyện tranh lịch sử, phụ trách phần chất liệu trong game, dạy vẽ thiếu nhi…
Từ 2015 - 2024, Đặng Kim Ngân tham gia nhiều triển lãm thường niên do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, đạt một số giải thưởng mỹ thuật khu vực, quốc gia. Và, Mây ký ức tại Hà Nội là triển lãm cá nhân đầu tiên của chị, với 18 tranh chì màu trên toan khổ vừa và lớn được sáng tác từ năm 2019 tới nay.
Tags