Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi gọi triển lãm Của để dành 3 (đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM) là “nhu yếu phẩm tinh thần”, vì nó phản ánh nhiều khía cạnh tươi đẹp của đời sống nghệ thuật. Triển lãm giới thiệu các phẩm mỹ thuật đã được 4 nhà sưu tập trẻ sở hữu.
1. Họa sĩ Lương Lưu Biên có một phát hiện thú vị: “Sài Gòn chỉ trong mỗi tháng 7/2022 mà đột nhiên có nhiều triển lãm tranh của các nhà sưu tập. Hoành tráng và giá trị nhất là triển lãm bộ tứ Đông Dương do Sotheby's tổ chức, trước đó là triển lãm tranh Bùi Xuân Phái do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn và gia đình Bùi Xuân Phái cùng tổ chức, tiếp theo là triển lãm tác phẩm Phạm Trần Việt Nam do gia đình Đỗ Thị Hải Yến.
Ngược với các bộ sưu tập có giá trị lớn và lâu đời, hoặc xa xỉ, Của để dành 3 đúng là “của để dành”của những người trẻ đam mê, vừa làm việc, vừa sáng tạo, vừa đồng hành cùng nghệ thuật đương thời. Đôi khi người ta làm việc tốt hơn vì có ai đó tin mình, cám ơn các bạn sưu tập, đã đặt niềm tin vào các họa sĩ trẻ hôm nay và hy vọng vào một nền mỹ thuật rực rỡ ngày mai”.
Họ gồm nghệ sĩ Bảo Nam (thiết kế phim Gái già lắm chiêu V), họa sĩ Lê A, họa sĩ Hà Hùng Dũng (Dũng Art) và nhà sưu tập Thu Huyền. Họ có xuất phát sưu tập khá đơn giản, mà hiệu quả.
“Thật ra ít họa sĩ muốn mua tranh của đồng nghiệp, nhưng là do duyên mà tôi làm nhiều chương trình thiện nguyện, được tặng tranh nhiều, bán không được, nên giữ lại, rồi thấy thích mà mua sở hữu. Dần dà, đam mê lúc nào không hay, nên mới có được nhiều tác phẩm như vậy” - Hà Hùng Dũng chia sẻ.
Thu Huyền thì cho biết: “Tôi tham gia triển lãm lần này theo lời rủ rê của bạn Hà Hùng Dũng, nên mang đến một số bức tranh (chủ yếu là hoa) đã sưu tập lâu nay, còn đa số là tranh của Bùi Thế Vỹ, vì tôi muốn Vỹ có cơ hội đến gần hơn với khán giả. Tôi đã theo dõi Vỹ từ hồi còn là sinh viên cho đến nay”.
Thu Huyền nói thêm: “Bộ sưu tập của các bạn khác thật sự ấn tượng, Dũng với hơn 40 bức tranh lớn nhỏ của họa sĩ Hồ Hưng, chị Lê A thì toàn những tranh ấn tượng, cũng như 10 bức tranh rất độc đáo của Bảo Nam. Tôi và các nhà sưu tập khác chỉ mong rằng mình có thể mang những tác phẩm này đến gần hơn với công chúng, cũng như lan tỏa được niềm đam mê hội họa đến với nhiều người”.
Lý do của Bảo Nam có khác chút xíu, nhưng tinh thần chung vẫn nhẹ nhàng như vậy. Anh cho biết: “Tôi bày 10 trong 30 bức đang sở hữu, tranh nhẹ nhàng, khung đẹp và giá rất yêu thương. Là một người làm nội thất, nên yêu cầu của mình rất rõ ràng, tranh trước tiên phải là được treo lên tường và ứng dụng được trong không gian kiến trúc. Đã có 3 gallery quốc tế nhận bày triển lãm… mà do bận các dự án, nên qua năm mới cho “các em đi du lịch” ở Paris, New York và Rome. “Cứ từ từ khoai nó cũng nhừ”, phải có người đỡ đầu cho họa sĩ trẻ chứ. Trồng cái cây cũng phải 5-10 năm mới có trái, huống chi cả một con người”.
2. Tuy đa phần tập trung đến các tác giả trẻ, nhưng thiên hướng sưu tập mỗi người mỗi khác. Nếu Thu Huyền và Hà Hùng Dũng chú trọng nhiều đến tranh phong cảnh, kích thước nhỏ, dễ trang trí, thì Bảo Nam đi sâu vào các tác giả còn ít tiếng tăm, mà anh muốn đồng hành, phát hiện. Lần này là các tranh của Nguyễn Minh. Lê A thì có các tranh của Bùi Tiến Tuấn, Lương Lưu Biên, Võ Hải… và các cố họa sĩ Trần Hữu Tri, Minh Quân. Lê A chú trọng nhiều đến dấu ấn cá nhân trong các sáng tác.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận xét: “Khi mở cửa, chúng ta có đủ tiềm năng và tài nguyên, các mầm non của vườn cây văn hóa bắt đầu rộ nở, đời sống văn hóa được chú trọng nhiều hơn, người ta bắt đầu nghĩ đến món ăn tinh thần, các bộ sưu tập nghệ thuật dần dần hình thành. Đây là tín hiệu vui mừng, cho thấy sự cân đối, thăng hoa.
- Gần 500 tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020
- Triển lãm mỹ thuật ‘Giao lưu’ lần thứ 5 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam
- Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4: 'Ứng dụng' tới đâu?
Dĩ nhiên, bộ sưu tập hình thành lớn nhỏ tùy theo điều kiện của nhà sưu tập. Tại Của để dành 3 lần này, điều đáng lưu tâm là các nhà sưu tập thuộc thế hệ trẻ, mà đã biết vun xới và trao đổi với nhau những tác phẩm nghệ thuật, đã lưu ý đến những gì thiên về sản phẩm không thuộc thiết yếu vật chất, nhưng đây có thể gọi là “nhu yếu phẩm tinh thần”, có nghĩa là họ đã sung túc, dư thừa. Ở đây, đặc biệt họ đều là các nghệ sĩ trẻ, sưu tập trên tinh thần cầu tiến, không ngại ngần giới thiệu các họa sĩ (đa số) đồng trang lứa, hoặc nâng đỡ các thế hệ đàn em. Còn gì vui sướng hơn”.
Như Hà
Tags