- 3 ngôi nhà đinh 'lì lợm' nhất Trung Quốc: Căn 40m2 khiến cầu cao tốc phải 'tách đôi', căn 219m2 bị nhà đầu tư đào sẵn móng sâu 10m nhưng vẫn không chịu di dời
- 'Giá cô dâu trên trời', một thành phố ở Trung Quốc đưa ra giải pháp giúp các nam thanh niên 'hết ế'
- Phó giám đốc Trung Quốc tự biến mình thành "đặc vụ ngầm": 5 lần "ẩn thân" vào các doanh nghiệp lớn, đi chăn lợn, làm xưởng may chỉ để giúp dân tìm việc tốt
Cùng với trào lưu "tụng kinh online", giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi chùa thắp hương.
Thời gian gần đây, một nhóm người trẻ tuổi Trung Quốc đã tìm ra một phương pháp mới để “giải phóng bản thân” sau một ngày làm việc tất bật: Viếng chùa linh thiêng, thắp hương bái Phật.
Ngành du lịch ở Trung Quốc dần phục hồi sau khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng, các ngôi chùa, miếu trên khắp Trung Quốc đã và đang tiếp nhận làn sóng thanh niên tìm đến để tạm thời thoát khỏi những phiền muộn trong cuộc sống lẫn công việc.
Dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến Trip.com vào cuối tháng 2/2023 cho thấy lượng đặt chỗ cho các chuyến viếng thăm đền chùa đã tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thanh niên trẻ chiếm một nửa.
“Thay vì tự cứu lấy bản thân và cầu xin sự giúp đỡ của người khác, tôi chọn cầu xin Phật”, cô gái 25 tuổi họ La đến từ Thâm Quyến, chia sẻ với Sixth Tone.
La cho biết cô đã viếng thăm sáu ngôi chùa trong năm nay, đồng thời cho rằng việc đi chùa giúp cô thư giãn sau 10 tiếng làm việc ở văn phòng mỗi ngày.
Trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), lượt tìm kiếm địa điểm check-in tại các ngôi chùa, miếu đã tăng 580% trong năm 2023. Trên nền tảng Xiaohongshu (hay còn gọi là RED, nền tảng chuyên chia sẻ hình ảnh), đã có hơn 820.000 bài đăng chia sẻ trải nghiệm đi chùa thắp hương, bao gồm mẹo đi du lịch và nghi thức cúng bái. Trong đó, hầu hết bài đăng đều xem chuyến tham quan là “trải nghiệm thanh lọc tâm hồn”.
Chùa Lama (Ung Hòa cung) là một ngôi chùa và tu viện của trường phái Gelug thuộc Đạo Bụt Tây Tạng nằm ở Đông Thành, Bắc Kinh (Trung Quốc). Kiến trúc ngôi chùa là sự kết hợp giữa phong cách Hán và Tây Tạng.
Đây vốn là phủ đệ của Ung Chính Đế (Hoàng đế nhà Thanh) khi còn là Hoàng tử, được xây dựng năm 1694. Ngôi chùa này đã tiếp đón trung bình hơn 40.000 du khách mỗi ngày vào giữa tháng 3 vừa qua.
Chùa Ngọa Phật (chùa Phật nằm), hay còn gọi là chùa Wofo, cũng ở Bắc Kinh đã trở nên nổi tiếng, chủ yếu là do cách phát âm của tên chùa tương tự như từ “offer”, khi sinh viên và các bạn trẻ mới bắt đầu đi làm lần lượt đổ xô đến cầu nguyện để được trúng tuyển và thăng tiến trong sự nghiệp.
Tại tỉnh Chiết Giang, những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội vào đầu tháng 3 cho thấy du khách xếp hàng dài để vào chùa Linh Ẩn, một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và cổ kính nhất Trung Quốc.
Họ có mặt từ sáng sớm, chen chúc ở cửa hàng lưu niệm để mua những chiếc vòng tay chuỗi hạt cầu bình an và hạnh phúc. Nhiều người còn livestream trực tiếp trong khuôn viên chùa và quầy hàng sản phẩm lưu niệm để mua quà cho bạn bè, người thân.
Ông Tống, nhà nghiên cứu truyền thông, đã viết trong một bài đăng trên trang cá nhân thể hiện nguyên nhân thúc đẩy nhiều người trẻ đến viếng các ngôi miếu, chùa là do chạy theo trào lưu nhất thời trên mạng xã hội và áp lực trong cuộc sống lẫn công việc ngày càng tăng.
“Việc viếng thăm miếu, chùa cho mọi người cơ hội để nghỉ ngơi và tạm thời thoát khỏi áp lực, vì niềm tin và tín ngưỡng có thể giúp những người trẻ tuổi cảm thấy an lòng, tạm thời nhẹ gánh và nhờ đó được chữa lành khỏi sự kiệt quệ về tinh thần. Sự tôn thờ không chỉ là màn đối thoại và gửi gắm hy vọng của con người với thần linh, mà còn giúp con người tự vấn lòng mình và tìm kiếm niềm an ủi khi đã phần nào thấu hiểu bản thân”, Song nói.
Thế nhưng một số chuyên gia nghiên cứu tôn giáo đã bác bỏ sự quan tâm ngày càng tăng của giới trẻ, cho rằng việc thiếu đức tin có thể khiến toàn bộ những gì đang làm (cúng bái, thờ phụng, lên chùa thắp hương…) trở nên chuyện hão huyền.
Chu Nhất Văn, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Văn hóa Thượng Hải, đã chia sẻ với Sixthtone: “Bản thân họ không coi trọng các nghi thức, cũng như không nhất thiết phải theo một tôn giáo cụ thể. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản hy vọng bỏ ra một số tiền và tụng vài đoạn kinh để đổi lấy sự may mắn và suôn sẻ trong cuộc đời”.
Không những đi chùa, cũng mới đây, trào lưu “tụng kinh online” lan truyền khắp trang mạng xã hội Trung Quốc. Theo đó, đất nước tỷ dân này có hẳn một số ứng dụng trực tuyến giúp người dùng có thể trải nghiệm gõ mõ tụng kinh khi đang ở nhà và tại văn phòng làm việc trong thời gian rãnh.
Nhiều người tìm đến phương pháp này đã giải tỏa áp lực và giúp tâm hồn thanh tịnh. Nhưng việc quay lại video và đăng tải lên mạng xã hội như một trào lưu lại khiến dư luận cho rằng đây là việc làm không thành tâm.
Tuy nhiên, La nói rằng cô ấy sẽ rất vui khi được sống vài tháng trong một ngôi chùa để có trải nghiệm “hướng về sự thanh tịnh” một cách đúng nghĩa hơn, nhưng hiện tại vẫn chưa thể thực hiện vì thời gian hạn hẹp.
“Những lời cầu nguyện có thành hiện thực hay không không quan trọng lắm. Quan trọng hơn là khi tôi cảm thấy đơn giản và chân thành như tôi gửi gắm niềm tin vào điều gì đó”, cô gái họ La nói.
Nguồn: Sixthtone
Tags