Trao giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2014: Chuyên gia 'từ chối giải' đến nhận giải

Thứ Tư, 26/03/2014 13:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Như đã thông tin khá chi tiết, giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh 2014 đã chọn được 5 “tân khoa” cho 3 hạng mục để trao giải vào tối 24/3 tại TP.HCM. Năm nay, giải ít nhất có 2 “hạng mục” lần đầu tiên.

Kết quả của giải như sau: Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục, trao cho vợ chồng Lư Nhất Vũ - Lê Giang và ông Thomas J.Vallely (Mỹ); giải Dịch thuật trao cho Phó giáo sư Ngô Đức Thọ vì sự nghiệp dịch thuật và truyền bá văn hóa Hán - Nôm; giải Nghiên cứu trao cho nhà sử học Tạ Chí Đại Trường (Mỹ).

Ông Tây tìm đường hướng canh tân giáo dục Việt Nam

Chuyên gia giáo dục Thomas J.Vallely  là người đã có gắn bó thiết thực và hiệu quả với việc tìm đường hướng canh tân giáo dục Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Khi nghe tin ông được trao giải Phan Châu Trinh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã gửi thư chúc mừng, trong đó có đoạn: “Tôi rất vui khi biết anh được giải văn hóa Phan Châu Trinh, đây là một quyết định chính xác từ Ban tổ chức giải thưởng. Quen biết anh 25 năm nay, tôi thấy những đóng góp của anh cho giáo dục Việt Nam thực sự to lớn, trong đó có cả việc tư vấn đào tạo các cấp lãnh đạo Việt Nam để giúp họ hoạch định các sách lược dài lâu cho quốc gia”.


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao giải cho chuyên gia giáo dục Thomas J.Vallely

Qua thư này đủ thấy quan hệ và tầm ảnh hưởng của Thomas J.Vallely là không hề nhỏ. Thế nhưng, theo thông tin từ Ban tổ chức giải Phan Châu Trinh thì ông từng từ chối tất cả các giải thưởng của Mỹ và Việt Nam lâu nay, chỉ đến giải này ông mới vui vẻ nhận. Trong một diễn từ tuyệt vời, có đoạn ông viết: “Mặc dù gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Phan Châu Trinh qua đời năm 1926, di sản của ông vẫn còn nguyên giá trị đối với những thách thức hiện nay của Việt Nam. Điều này đúng trước tiên và trên hết trong lĩnh vực giáo dục”. Có lẽ chính điều này đã khiến Thomas J.Vallely “phá lệ” đi nhận giải.

Cũng xin nói thêm, từ năm 1994, Thomas J.Vallely đã tham gia thành lập chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho Việt Nam, có ảnh hưởng sâu rộng. “Hôm nay, tôi tự hào được tham gia trong nỗ lực chung của Việt Nam và Hoa Kỳ với dự án xây dựng một trường đại học mới ở TP.HCM - Đại học Fulbright Việt Nam. Đây là sự tiếp nối và mở rộng công việc mà chúng tôi bắt đầu khi chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright mở cửa đúng 20 năm trước. Khi tiến về phía trước với dự án thú vị này, chúng tôi có thể lấy cảm hứng từ những tư tưởng của Phan Châu Trinh”.

Phần thưởng xứng đáng cho sử gia Tạ Chí Đại Trường

Sử gia Tạ Chí Đại Trường là nhà nghiên cứu sử độc lập, từ khoảng thập niên 1970 ông đã rất nổi tiếng với tác phẩm Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802. Ông còn một số tác phẩm nổi tiếng khác như Thần, người và đất Việt (1989), Những bài văn sử (1999), Những bài dã sử Việt (1996)…

“Các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường thường rất độc đáo và mới mẻ, đầy những phát hiện bất ngờ, nên cũng thường gây tranh cãi, thậm chí nhiều cuộc đến nay chưa xong. Ông là một nhà nghiên cứu lịch sử có tư duy rất độc lập và tự do” - nhà văn Nguyên Ngọc nhận định.

Cũng xin nhắc lại, tại giải thưởng Sách hay 2013 do Viện IRED tổ chức, công bố hồi 22/9/2013, Tạ Chí Đại Trường đã được trao giải cho tác phẩm Thần, người và đất Việt. Nói như ông Giản Tư Trung thì hai giải này có cơ cấu và tiêu chí khác nhau, nhưng nhìn trên bề nổi (những người trao giải chẳng hạn) thì có nhiều liên hệ hữu cơ với nhau, dù có thể là trùng hợp ngẫu nhiên. Ông Giản Tư Trung cũng là Phó chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ văn hóa Phan Châu Trịnh nhiệm kỳ 2014-2019. Cho nên, vẫn có thể xem đây là “cú đúp” với sử gia Tạ Chí Đại Trường. Vì lý do sức khỏe và ở quá xa, sử gia này phải ủy nhiệm cho người thân đến nhận giải.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›