Nuôi con thời bây giờ không chỉ cần tình yêu thương là đủ, mà phải chuẩn bị tài chính thật kỹ mới dám sinh!
"Mình là một đứa con, được sinh ra trong gia đình chẳng mấy khá giả. Ba mẹ đều làm công nhân, tiền sinh hoạt hàng tháng phụ thuộc hết vào đồng lương 6-7 triệu đồng. Nên mình hiểu được cảm giác của 1 đứa trẻ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn là như thế nào... Ba mẹ hay cãi nhau vì trong nhà không có tiền, đi học thì ít bạn, tại nhà nghèo chẳng mấy ai muốn chơi. Bữa cơm hàng ngày chỉ dừng lại ở việc no bụng. Đồ đạc cũng là thứ xài lại của người ta cho,... Dù được ba mẹ hết lòng yêu thương, nhưng thứ khiến mình không bao giờ quên được, đó chính là ánh mắt phán xét, lời nói nặng nề, mà gia đình mình phải chịu chỉ vì - không có tiền!
Lớn lên với một tuổi thơ như thế, mình càng quyết tâm phải kiếm được thật nhiều tiền. Có 2 lý do chính: Một là để phụng dưỡng ba mẹ. Hai là để con cái của mình được sống thật tốt. Mình rất sợ nếu như con mình lặp lại quá khứ đó!" Lời chia sẻ từ Đỗ Như Quỳnh (27 tuổi, TP.HCM) nói lên nỗi lòng của biết bao bà mẹ. Không phải muốn con được sống trong sự giàu sang gì cả. Mà chỉ đơn giản, là cuộc sống đầy đủ vật chất lẫn tinh thần.
Nhưng như thế nào mới là "đủ"? Với mỗi người, mức giới hạn này là khác nhau.
Lương tháng 10 triệu thì chưa nên sinh con: Không thể nuôi nổi!
"Nuôi 1 đứa trẻ thời bây giờ rất tốn kém. Không phải không muốn sinh con, mà vì sợ sinh con ra không có tiền để lo cho nó." Ngọc Huệ (28 tuổi, Gia Lai) cảm thấy bản thân vẫn chưa có đủ năng lực tài chính để nuôi con. Dù năm nào lễ, tết, họ hàng nhà cô đều giục chuyện lấy chồng, sinh con.
"Mẹ mình hay bảo: Sao mày không thích trẻ con à?
Mình thích chứ, nhưng sinh con ra thì phải có nghĩa vụ và trách nhiệm nuôi dạy cho tử tế. Nếu cảm thấy không đủ chi phí lo liệu cho con thì thà không đẻ còn hơn. Mình cũng từng lên kế hoạch cho việc kết hôn, sinh con, nhìn những anh chị của mình cũng đủ hiểu. Tiền học, tiền ăn, tiền chăm lo cho con phát triển năng lực đúng như ý con muốn,... rồi 7749 thứ trên trời rơi xuống nữa. Đấy là trường hợp lý tưởng. Quan điểm của mình rất rõ ràng: Không thể cho con được sinh ra ở vạch đích, thì ít nhất cũng phải có đòn bẩy để phát triển trong tương lai. Xã hội bây giờ mà không được ăn học đến nơi đến chốn, thì thực sự rất khó chen chân vào!"
Đứng trên lập trường của người mẹ đã có 1 cậu con trai, năm nay chỉ mới 5 tuổi nhưng chi phí lo cho bé 1 tháng không dưới 10 triệu đồng, chị Thảo Nguyên (29 tuổi, Đà Nẵng) cho hay: "Thứ khiến mình áp lực nhất khi nuôi con, không hẳn là kinh tế. Nhưng lương tháng dưới 10 triệu đồng, thì mình nghĩ tốt nhất là chưa nên có kế hoạch đẻ con lúc này. Đó là 1 quyết định sai lầm!
Vốn dĩ mình chẳng đặt nặng việc con mình có học trường quốc tế hay không, có mặc đồ hiệu, xài hàng chất lượng cao hay không? Nhưng nhất định phải bảo đảm kinh tế để con được phát triển trong môi trường cơ bản nhất: Học tập, vui chơi và không lo nghĩ gì. Bên cạnh đó, khi ổn định tài chính rồi thì bạn sẽ dành được nhiều thời gian để quan tâm con. Bổ sung mặt tinh thần cực kỳ quan trọng. Nếu vẫn đang trong vòng quay kiếm tiền, lo ăn từng bữa, thì thời gian đâu để bạn tâm sự, trò chuyện cùng con?"
Nuôi con, biết thế nào cho đủ?
Từ câu chuyện của chính mình, Đỗ Như Quỳnh (27 tuổi, TP.HCM) đã tự đặt ra 1 tiêu chuẩn nuôi con, với cô gọi là "đủ":
"Có lẽ đã va vấp với cuộc sống từ sớm, mình cũng tự ý thức được khả năng của bản thân đến đâu. Để con không thua thiệt là cả 1 vấn đề. Mỗi người cũng có 1 giới hạn riêng tùy theo hoàn cảnh. Với mình thì không thiệt thòi, là Tết có vài bộ quần áo mới, bữa cơm đầy đủ món mặn món canh, có bệnh thì đủ tiền chữa, đi học thì có sách vở tươm tất gọn gàng,... Quan trọng nhất là lúc con cần tình cảm, mình có thể buông bỏ mọi áp lực cuộc sống để chơi cùng con, không bị đồng tiền quẩn quanh mà sao nhãng. Còn lúc con cần vật chất, thì số tiền mình kiếm được cũng đủ để con không cảm thấy tự ti với đám bạn. Nhất định không để con cảm thấy tủi thân chỉ vì nhà không có tiền."
Giục cưới, giục đẻ con đến đâu thì Ngọc Huệ cũng vững vàng tâm lý: "Chừng nào tích đủ tiền thì mới kết hôn. Tiền nhà thì ngày càng cao, ngày xưa 1 nhà ba miếng đất là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ muốn gom tiền mua được căn nhà chung cư vài chục m2 cũng khó, làm thuê thì phải tính bằng chục năm. Cứ giá 30 triệu/m2, thì mấy người lương tháng 10-20 triệu gom bao giờ mới đủ, trả ngân hàng bao giờ mới hết?
Tiếp đến là khoản tiền tiết kiệm cho tương lai, cho việc sinh đẻ rồi nuôi con lúc không đi làm được. Thử nghĩ đến cảnh không có tiền thì lúc mang bầu con ăn cái gì, uống sữa gì, có được dưỡng thai đầy đủ hay không? Đi đẻ 1 lần cũng hết mấy chục triệu. Mất thêm cả năm trời không đi làm được vì chăm con. Những lúc đấy rất cần nhất là tiền của chính mình kiếm ra được. Trong lúc vẫn ở nhà thuê, cày cuốc từng đồng lương, mà sinh con ra thì khác gì để con chịu khổ. Mình không muốn như thế. Ít nhất cũng phải trong giai đoạn thu nhập ổn định vài chục triệu/tháng, có nguồn thu thụ động và mua được nhà để ở. Hiện tại, mình vẫn đang nỗ lực hết mình để giảm rủi ro khi sinh con xuống thấp nhất có thể."
Đừng so sánh các thế hệ với nhau, vì thời nào cũng có tiêu chuẩn riêng của nó
Ở vị trí những người đã, đang và sẽ làm mẹ, điều họ nghĩ đến luôn là "mang đến cho con mình 1 cuộc sống tốt nhất!". Đó là lý do ở mỗi 1 giai đoạn, họ lại có suy nghĩ khác nhau về vấn đề sinh đẻ. Nhiều người vẫn cho rằng: "Nuôi 1 đứa con tốn 5-10 triệu, có gì đâu mà phải gào lên? Hay bố, mẹ, ông bà ngày xưa vẫn đẻ, khổ mấy cũng nuôi được đó thôi!" Nhưng vấn đề ở đây, là khoảng cách xã hội ngày 1 lớn lên, và nhu cầu cũng ngày càng nhiều.
Thu Trang (24 tuổi, Cần Thơ): "Nuôi cái thân mình chắc ba má cũng tốn cả hòm vàng. Mẹ mình thế hệ 7x, đối với việc đẻ nhiều con cũng cảm thấy rất mệt. Nhiều lúc má hay nói: Đẻ có 2 đứa mà nuôi thấy cực, cảm thấy nuôi không có nổi! Nhưng rồi đứa con nào cũng nên người, cũng được cho ăn học đàng hoàng. Tuy vậy, đằng sau lưng ba má lúc nào cũng đầy gánh nặng trên vai, vì để tụi mình được sống thật tốt. Nên 2 anh em luôn cảm thấy bản thân phải nên người, phải kiếm được nhiều tiền trước khi cưới vợ/chồng và sinh con. Mục tiêu của mình là phải có đủ tiền cho con học hết năm 12, đại học, xa hơn thì du học,... Nói điều này cùng ba má, ai cũng ủng hộ. Vì cả gia đình đều biết được chuyện sinh con đẻ cái không cực bằng chuyện nuôi được con cái nên người!"
Vậy nên, ở thời nào rồi cũng sẽ có những tính toán, lo toan riêng. Suy cho cùng, chuyện sinh con là quyết định của mỗi người. Nếu đứng trên góc nhìn của nhau thì sẽ thấy, mục đích cuối cùng của người làm cha, làm mẹ đều là mong con sống thật vui vẻ, hạnh phúc mọi bề!
Tags