Sau kháng chiến chống Pháp, năm 1954, một nửa nước được giải phóng và bắt đầu vào thời kỳ phục hồi sau chiến tranh, tiến tới xây dựng xã hội chủ nghĩa. Sau cải cách ruộng đất đời sống nông thôn sa sút trầm trọng, hoạt động nông nghiệp hoàn toàn thủ công như thời phong kiến, nhưng với hình thức làm ăn tập thể với các hợp tác xã. Một số khu công nghiệp được xây dựng và bắt đầu có những sản phẩm đầu tiên của thời kỳ công nghiệp sau những di sản cơ khí mà người Pháp để lại.
Chiếc xe đạp Thống Nhất là design tiêu biểu sau năm 1954. Chiếc xe đạp này có xe nữ gióng chéo, và xe nam gióng thẳng, sơn màu xanh thanh nhã, được bán phân phối cho cán bộ công nhân viên nhà nước, nhưng cũng rất khó khăn để mỗi gia đình có được một chiếc. Mặc dù không sánh được về mặt thẩm mỹ với xe đạp Peugeot của Pháp và xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc lúc bấy giờ, nhưng công năng của xe Thống Nhất có lẽ là hơn hẳn. Chiếc xe đạp này từng bon trên những con đường đầy ổ gà trong chiến tranh hàng chục năm không mấy khi hỏng hóc và chở cả gia đình gồm hai vợ chồng, hai đứa con và hành lý. Có lẽ đến nay không có một loại xe đạp nào sánh bằng. Chiếc xe đạp Peugeot màu cá vàng của Pháp lúc bấy giờ được đánh giá như một tài sản ngang như chiếc ô-tô bây giờ. Xe đạp Phượng Hoàng Trung Quốc cũng có hai loại nam và nữ sơn xanh đen và mạ hoa văn vàng rất bắt mắt, đó là hàng viện trợ trong chiến tranh. Nhưng cả hai chiếc xe này không thể bươn chải như xe đạp Thống Nhất. Mặc dù trong chiến tranh điện rất phập phù và có nhiều thời gian mất điện dài, nhưng cái quạt điện rất quan trọng với các cơ quan và gia đình bấy giờ. Quạt trần của Pháp vẫn còn nhiều trong các biệt thự và công sở Hà Nội chạy vẫn còn tốt và có thể chạy hàng tháng nếu gia chủ quên tắt điện. Điện cơ Việt Nam cũng sản xuất được quạt trần tốt không kém, và sau này là cái quạt con cóc ba cánh nhỏ, động cơ thì rất tốt, nhưng luôn chuyển động và đổ kềnh và chỉ có một chế độ quay. Chiếc máy kéo của Liên Xô (cũ) phù hợp với những bình nguyên rộng, được cải tiến lắp thêm xuống hay bánh sắt để có thể chạy trên ruộng bùn Việt Nam. Cào cỏ cải tiến với xuồng đẩy và dao quay cũng là một design bán cơ giới đơn giản cho nông nghiệp. Có thể nói thành tựu về design công nghiệp từ năm 1955 - 1975 là rất nghèo nàn, chủ yếu là cải tiến các máy móc nước ngoài cho phù hợp với địa hình, khí hậu Việt Nam, tuy nhiên cơ khí thủ công lúc đó lại khá phát triển và tay nghề kỹ thuật cao. Tuy nhiên đối với các họa sĩ công nghiệp Việt Nam khái niệm design vẫn còn rất mới mẻ.
Nhà tập thể ở Hà Nội những năm 1980. Ảnh Jones Griffiths. Ảnh tư liệu từ Reds.VN
Một loạt design khác du nhập từ nước ngoài có ảnh hưởng đến thẩm mỹ, cách thiết kế cho người Việt. Đó là chiếc quạt tai voi Liên Xô, dù không có vỏ, nhưng không gây hại cho người dùng nếu lỡ chạm tay vào. Chiếc tủ lạnh Xalatov, áo bay (loại áo dành cho phi công), bàn là điện, và đến những năm 1970 là các loại ti-vi của Ba Lan và Liên Xô. Xe đạp Mipha của Đức, xe máy Baveta của Tiệp, các loại ô-tô quân sự của Liên Xô và Trung Quốc... đều gợi ý cho thiết kế hàng công nghiệp nhẹ dân dụng Việt Nam trong chiến tranh và sau đó. Thời kỳ chiến tranh và bao cấp là thời kỳ tràn ngập hàng hóa của các nước xã hội chủ nghĩa và ngược lại với miền Nam là hàng hóa Mỹ, có thể nói đó là những trường phái design và sản xuất rất khác nhau, thậm chí rất trái ngược nhau, trong đó vũ khí là những design mới và hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ được sử dụng trong chiến trường Việt Nam. Chúng ta sẽ không bàn tới design vũ khí không phải vì mục tiêu của nó, mà vì đó là lĩnh vực quá rộng, cũng như không có ý nghĩa với đời sống sinh hoạt thông thường. Với người sử dụng ở Việt Nam lúc bấy giờ, đại bộ phận không biết nhiều và không quan tâm đến ý nghĩa của design với tính cách là nghệ thuật hay các trường phái thiết kế trên thế giới, điều duy nhất được quan tâm là tính công năng của chúng. Những câu nói như nồi áp suất Liên Xô, xe Honda và đài Nhật, xe Peugeot Pháp, máy khâu Con Bướm Trung Quốc... cũng đồng nghĩa với đồ tốt.
Thiết kế logo của một số họa sĩ giảng viên, trường đại học mỹ thuật công nghiệp. Tư liệu ảnh Nguyễn Hồng Ngọc
Các khoa thiết kế của trường đại học mỹ thuật công nghiệp - tạo dáng, thời trang, nội thất, đồ họa... đã cho ra trường những họa sĩ thiết kế công nghiệp đầu tiên của nền design Việt Nam, nhưng còn phải rất lâu họ mới gia nhập được nền công nghiệp non trẻ với đúng nghĩa là những designer, khi các nhà máy nước và cơ sở sản xuất định hình với các mẫu mã đơn giản có sẵn từ nền công nghiệp trong thế kỷ 20, còn các tổ hợp công nghiệp nước ngoài có designer và kỹ sư riêng của họ. Tình hình đó kéo dài cho đến thời kỳ kinh tế thị trường sau đổi mới, khi nền kinh tế bao cấp chấm dứt, vai trò của các nhà design Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, phần nào đó trong kiến trúc, thời trang và nội thất, còn trong các lĩnh vực tạo dáng - lĩnh vực chính yếu của nền sản xuất thì designer Việt Nam còn một khoảng cách dài với nền công nghệ hiện tại, trong khi design đã bao trùm lên toàn bộ thế giới.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags