(Thethaovanhoa.vn) - Trái tim của HLV Phan Thanh Hùng trở chứng, và đó là lý do vị tướng người Đà Nẵng xin dừng cuộc chơi.
Chỉ một dòng trạng thái như thế được gởi đi, đến hôm qua (15/4), ông Phan Thanh Hùng đã không thể "once more" được nữa. Cuộc chia tay khá bất ngờ với B.Bình Dương khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng rõ ràng, bóng đá - môn thể thao vị thành tích và đầy sức ép, không dành cho những người yếu tim.
Chúng ta, mỗi người chỉ có một quả tim và ở Việt Nam, nếu có vị HLV nào dành trọn quả tim ấy cho bóng đá, chỉ có thể là Phan Thanh Hùng, một con người tử tế đến thế là cùng.
Ở tuổi 61, theo định nghĩa của Nho giáo gọi là "Nhi nhĩ thuận". Tức là con người khi bước sang tuổi này thực đã thấu hiểu được mọi điều, từ óc phán đoán, có thể biết ngay được sự việc đã, đang và sẽ xảy ra. Sự hoàn hảo cả về tri hành, kiến văn và kinh nghiệm ấy, được hình thành từ nền tảng - căn bản giáo dục, đạo đức.
Ông Hùng khởi nghiệp huấn luyện khá muộn, đơn giản bởi ông đã thi đấu quá lâu mới nghỉ. Lứa U21 Đà Nẵng với Quốc Anh, Phước Vĩnh, Phan Thanh Phúc..., lật đổ sự thống trị của SLNA năm 2003 tại VCK An Giang, cũng chính là do bàn tay Phan Thanh Hùng tôn tạo nên. Và những người này, tiếp tục đem về 2 chức vô địch V-League (2009, 2012) sau đó.
Di sản mà HLV Phan Thanh Hùng để lại cho bóng đá xứ Quảng - Đà, không chỉ là chức VĐQG năm 1992, thời còn thi đấu, mà là bao thế hệ cầu thủ tài năng cho bóng đá Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Giai đoạn 2007-2009, ông Hùng tiếp tục cho thấy sự mát tay với bóng đá trẻ, ở cả cấp độ đội tuyển U17 Việt Nam và U21 SHB Đà Nẵng với hattrick vô địch.
Bóng đá, đặc biệt là bóng đá chuyên nghiệp đã điểm không biết bao nhiêu sợi tóc bạc trên đầu vị tướng họ Phan; đã xô không biết bao nhiêu nếp nhăn ngã vào nhau trên khuôn mặt ông Hùng. Nhưng có 3 thứ Phan Thanh Hùng giữ lại được, sau bao sóng gió, ấy là ánh mắt trìu mến, nụ cười hiền và tất nhiên, một trái tim nguyên vẹn dành cho bóng đá.
Từ Đà thành ra Hà thành, rồi Quảng Ninh, Bình Dương...; từ cấp CLB, đào tạo trẻ, đến khi làm trợ lý, rồi cầm luôn cả ĐTQG, không một học trò và cộng sự nào không kính trọng, trân quý Phan Thanh Hùng. Một con người như thế, trước hiếm, nay khó tìm. Nỗi đau cùng cực, tựa như câu hát "cuộc tình này anh nhận hết chua cay" năm 2012, mà Phan Thanh Hùng còn không để bụng
"Enjoy" đi và tha thứ, là những điều mà Phan Thanh Hùng nằm lòng, đồng thời cũng để khuyên nhủ người xung quanh.
Ngày HLV Phan Thanh Hùng về nắm B.Bình Dương, ông đã chia sẻ rất thật với người viết rằng, sẽ đến lúc ông phải ra đi. "Thành thì tốt, nhưng họa nếu bại, nếu không làm được việc, thì mình vui vẻ rời cuộc chơi thôi. Đã chấp nhận cái nghề này, mình phải sẵn sàng đón nhận rủi ro", cạnh đường piste sân Gò Đậu, buổi tập đầu tiên trên cương vị mới, ông Hùng đã nói thế.
Nghề HLV bóng đá là một nghề bạc theo nhiều nghĩa. Chẳng thế mà mới chỉ sau 9 lượt trận đầu tiên mùa giải năm nay, đã có đến 5-6 vị HLV phải dừng cuộc chơi một cách tự nguyện. Bóng đá là môn thể thao của đàn ông đúng nghĩa.
Ngót cũng gần nửa đời người gắn với nghiệp huấn luyện, ông Hùng để lại nhiều di sản, đặc biệt là tạo dựng một lối chơi "made in Vietnam" đúng nghĩa. Đẹp mắt và hiệu quả. Nhưng cũng bằng với khoảng thời gian đó, bóng đá đã lấy đi của Phan Thanh Hùng cả lá gan, lá phổi và cuống họng, theo đúng nghĩa đen đấy.
Chất giọng khàn khàn, nói không thành tiếng của Phan Thanh Hùng, cũng từ bóng đá mà ra. Cơ thể đầy những vết sẹo, cũng là di sản để lại của bao ca mổ. May mắn, cách đây đôi năm, ông Hùng bỏ được thuốc. Và nữa, trái tim nguyên vẹn dành cho bóng đá, với dòng máu nóng cuồn cuộn trong huyết quản.
Mười mấy năm chinh chiến xa nhà, binh nghiệp, HLV Phan Thanh Hùng từng nhiều phen rơi vào trạng thái cô đơn cùng cực. Một mình với 4 bức tường, ông đã tự vấn, tại sao mình lại ở đây, sao phải khổ thế. Xa nhà, xa vợ con, đến anh em ruột lúc khuất núi, ông cũng không thể ở cạnh. Đến sỏi đá cũng mòn và cỗ máy nào chẳng phải bảo trì.
"Times to relax", đây là khoảng lặng cần thiết với Phan Thanh Hùng. Nghỉ ngơi rồi chúng ta lại "once more"!
TÙY PHONG
Tags