(Thethaovanhoa.vn) - Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn thừa nhận Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn còn nhiều việc chưa làm được và phải dựa vào LĐBĐ Việt Nam (VFF) ở nhiều vấn đề quan trọng.
* Mùa giải V-League thứ tư do VPF điều hành đã kết thúc. Theo cá nhân ông, V-League qua 4 năm với VPF có gì khác V-League của VFF?
- TGĐ Phạm Ngọc Viễn: 4 năm trở lại đây, tài chính là vấn đề nổi bật của VPF. Chúng tôi đã tìm được đủ các nguồn tài chính cho giải đấu. Dù nó chưa thỏa mãn tất cả các nhu cầu nhưng VPF đã đáp ứng được phần nào kinh phí tố chức giải, hỗ trợ được cho các CLB đồng thời chuyển được tiền hỗ trợ đào tạo trẻ cho VFF. Mỗi năm, số tiền này đều tăng dần lên.
V-League của VPF khác nhiều về công tác tổ chức, nhất là việc tổ chức các đội bóng theo hướng chuyên nghiệp hơn. Các CLB có bộ máy tổ chức, hành chính, nhân sự, cơ sở vật chất tốt dần so với trước đây. Như năm vừa qua, thời gian đầu mùa còn nhiều hạn chế nhưng ở giai đoạn sau, yêu cầu quyết liệt từ phía VPF khiến mặt sân của các CLB được đảm bảo và trở nên tốt hơn. Đại đa số các SVĐ đều có đèn. Phòng chức năng của các CLB cũng dần đáp ứng được yêu cầu. 3 hay 4 sân đã có đủ ghế ngồi ở những khu vực khán đài A như sân Hải Phòng.
Các CLB cũng chú trọng công tác đào tạo trẻ nhiều hơn. Số lượng cầu thủ trẻ ở giải vô địch quốc gia vài năm vừa qua tăng lên. Ở V-League 2015, lực lượng của HAGL, S.Khánh Hòa, SLNA đa số đều là cầu thủ trẻ. Nhiều CLB khác cũng đôn cầu thủ trẻ lên đá rất nhiều.
* Có ý kiến cho rằng vai trò của VFF trong hoạt động của VPF vẫn rất lớn. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Quốc gia nào cũng vậy thôi. J-League hay K-League cũng là các tổ chức nằm dưới LĐBĐ Nhật Bản, Hàn Quốc và chỉ có sự độc lập tương đối. Ở Việt Nam, lực lượng trọng tài và giám sát vẫn do VFF quản lý. Vấn đề kỷ luật của giải đấu cũng thuộc về VFF. Đó cũng là những vấn đề mà VPF chưa thể chủ động được và cần có sự phối hợp giữa hai bên.
* Vậy trong tương lai, VPF sẽ phát triển thế nào để đưa V-League tiến lên?
- Ngay từ khi thành lập VPF, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng tôi không hướng tới việc ra đời một Công ty cổ phần, mà hướng tới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Hình thức Công ty cổ phần như hiện nay không đúng với hình thức tổ chức của những Công ty tổ chức giải như J-League và K-League. Nó phải là hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nắm tất cả các thương quyền và làm ăn có lãi để chia lại cho các CLB.
Nhưng ở giai đoạn ban đầu, trong nền kinh tế Việt Nam, hình thức Công ty cổ phần này có thể phù hợp. Còn về lâu dài, VPF chắc chắn không phải là Công ty cổ phần như hiện nay. Nó sẽ trở thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có sự tham gia của đại diện các CLB nhằm trực tiếp tổ chức quản lý và điều hành giải đấu. Trong những năm tới, đại diện của các CLB sẽ tham gia vào quá trình điều hành giải.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
4 Được thành lập từ cuối năm 2011 và bắt đầu hoạt động từ mùa giải 2012, VPF đã có 4 năm đứng ra điều hành và tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. 1 Toyota là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên trong lịch sử V-League đứng ra làm nhà tài trợ chính thức cho giải đấu và đây cũng là nhà tài trợ đầu tiên mà VPF mời được sau khi thành lập. 1 Tương lai của VPF sẽ là mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chứ không phải Công ty cổ phần như hiện tại. V-League 2016 đã có nhà tài trợ V-League 2016 đã tìm được nhà tài trợ chính. Dù danh tính nhà tài trợ chưa được công bố nhưng ông Viễn khẳng định VPF sẽ thu được nhiều tiền hơn trong mùa giải 2016. Ở mùa bóng 2015, V-League nhận được khoảng 30 tỷ đồng từ đối tác Toyota. Nếu đúng như ông Viễn nói, VPF sẽ nhận được trên 30 tỷ đồng cho mùa giải mới. Toyota có thể cũng sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng với V-League thêm một năm nữa. |
Bạch Dương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags