Nhằm bảo đảm công tác quản lý đất đai trên địa bàn chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các huyện, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai.
Theo đó, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, quy định của pháp luật của Nhà nước về tài nguyên đất đai; chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, tập trung tuyên truyền quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng, đảm bảo từng cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp nắm, hiểu rõ về vấn đề này.
Tuyên Quang chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh, hủy bỏ đối với các công trình, dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được phê duyệt nhưng quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, thực hiện lập hồ sơ, thủ tục xin chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn để thực hiện dự án đúng theo quy định.
Các huyện, thành phố tổ chức rà soát, quản lý chặt quỹ đất chưa giao, chưa cho thuê tại các khu vực quy hoạch đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, khu nhà ở; lập phương án sử dụng đất, xử lý tài sản trên đất để đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm căn cứ giao đất, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Các huyện, thành phố kiểm soát chặt thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra diện tích đất đã giao, cho thuê đối với các tổ chức thực hiện dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; không để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên phần diện tích đất thực hiện dự án khi chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đất đai, môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đất đai trên địa bàn quản lý.
Các huyện, thành phố và cơ quan liên quan thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi….
- Hà Nội siết chặt quy định đấu giá đất: Tránh tạo ra thị trường 'ảo'
- Có hiện tượng thông đồng trong đấu giá đất
- Bỏ cọc có thể không được tham gia đấu giá đất trong 5 năm
Tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai nhỏ lẻ vẫn xảy ra như: tự ý triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên phần diện tích đất thực hiện dự án khi chưa có quyết định giao (cho thuê) đất của cấp có thẩm quyền, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chưa được bàn giao đất trên thực địa…
Một số dự án đã được giao đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, chậm hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Ngoài ra, việc quy hoạch và thực hiện xây dựng các khu dân cư chưa đảm bảo tiến độ; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; việc sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển quyền sử dụng đất, tự ý tách thửa, hợp thửa đất, phân lô, bán nền, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp vẫn còn xảy ra.
Vũ Quang/TTXVN
Tags