Xét nghiệm nước bọt phát hiện SARS-CoV-2 nhanh hơn xét nghiệm dịch mũi họng

Thứ Ba, 22/03/2022 13:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một nghiên cứu được công bố ngày 21/3 trên tạp chí Microbiology Spectrum của Tổ  chức Vi sinh vật học của Mỹ cho thấy xét nghiệm gene qua nước bọt phát hiện virus SARS-CoV-2 nhanh hơn xét nghiệm dịch mũi họng.      

Thế giới hơn 470 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 6.100.497 ca tử vong

Thế giới hơn 470 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 6.100.497 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 21/3, thế giới ghi nhận tổng cộng 470.787.033 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.100.497 ca tử vong. Hơn 407 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 57,68 triệu người chưa khỏi bệnh.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Donald K. Milton thuộc Viện Y tế môi trường ứng dụng của Đại học Y tế cộng đồng bang Maryland (Mỹ), cho biết: "Kết quả nghiên cứu trên rất quan trọng vì mọi người có thể lây truyền virus trước khi biết rằng mình đã nhiễm virus. Phát hiện virus sớm hơn có thể giúp giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh".      

Nghiên cứu trên xuất phát từ thực tế vào thời gian đầu đại dịch COVID-19, nhu cầu xét nghiệm khẩn cấp gia tăng nhưng thiếu nguồn cung phương tiện xét nghiệm, nhất là que lấy mẫu xét nghiệm dịch mũi họng khi đó là phương pháp tiêu chuẩn để lấy mẫu xét nghiệm. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Để xác định người mắc COVID-19, từ tháng 5/2020, nhóm nghiên cứu bắt đầu tiến hành các xét nghiệm mẫu nước bọt định kỳ hằng tuần cho các tình nguyện viên khỏe mạnh và tiếp tục trong 2 năm tiếp theo. Trong số các tình nguyện viên không có triệu chứng mắc COVID-19 nhưng có kết quả xét nghiệm dương tính, Giáo sư Milton và các cộng sự nhận thấy những người này sẽ có các triệu chứng điển hình 1 hoặc 2 ngày sau đó. Giáo sư Milton cho biết: "Điều đó khiến chúng tôi tự hỏi liệu xét nghiệm nước bọt có phát hiện được ca nhiễm trước khi xuất hiện triệu chứng tốt hơn xét nghiệm dịch mũi họng hay không".      

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu khác về những người có tiếp xúc gần với người nhiễm. Trong nghiên cứu, họ đã thu thập các mẫu nước bọt và dịch mũi họng của người nghi nhiễm trong thời gian cách ly, tần suất 2-3 ngày/lần. Hầu hết các mẫu được xét nghiệm bằng phản ứng chuỗi PCR để phát hiện virus và đo tải lượng virus trong mẫu. Sau đó, nhóm nghiên cứu phân tích kết quả thay đổi thế nào trong những ngày trước và sau khi các triệu chứng xuất hiện.

Theo Giáo sư Milton, nghiên cứu cho thấy ở giai đoạn đầu nhiễm virus, xét nghiệm nước bọt nhạy hơn nhiều so với dịch mũi họng, nhất là trước khi có triệu chứng. Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Milton cũng lưu ý rằng nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy việc truyền virus trước khi có triệu chứng đóng vai trò quan trọng hơn việc truyền virus khi đã có triệu chứng.      

Phát hiện trên đã giúp tăng số người chấp nhận đi xét nghiệm, giảm chi phí và tăng mức đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm vì tránh tiếp xúc gần giữa họ với bệnh nhân hơn so với xét nghiệm bằng dịch mũi họng, đồng thời tránh trường hợp bệnh nhân ho hoặc hắt hơi khi đang lấy mẫu xét nghiệm.

Bích Liên/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›